Nhóm phóng viên vào cuộc tìm hiểu, tại www.chucos.vn có rất nhiều bài viết giới thiệu thương hiệu Chucos như: “…Đồng hành cùng phái đẹp nâng niu làn da không tuổi Chucos hiểu rằng chăm sóc da đã khó, tìm được sản phẩm, quy trình chăm sóc da phù hợp lại càng khó hơn. Thấu hiểu “ngôn ngữ của từng làn da”, Chucos ra đời với sứ mệnh mang đến giải pháp chăm sóc da toàn diện và khoa học, giúp Nàng lưu giữ tuổi xuân – tái tạo làn da khỏe đẹp từ sâu bên trong…”
Hay “…Thành lập vào tháng 8/2018 tại thành phố Hồ Chí Minh, Chucos là thương hiệu dược mỹ phẩm chăm sóc và đặc trị từng vấn đề về da theo phác đồ kê đơn từ các chuyên gia da liễu hàng đầu: Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…”
Đọc xong các bài viết theo kiểu “tự sướng” này, có thể khiến rất nhiều người tiêu dùng tin rằng Công ty TNHH Chucos là 1 doanh nghiệp tầm cỡ, chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật.
Thế nhưng, theo tìm hiểu của nhóm phóng viên thì có vẻ nội dung quảng cáo của Công ty TNHH Chucos lại không phù hợp với quy định pháp luật và có dấu hiệu đánh lừa người tiêu dùng.
Cụ thể, trong một bài viết giới thiệu sản phẩm Caramel Essence Plus có nội dung như sau: “Tinh chất trị mụn kháng viêm Caramel Essence Plus 10ml …là sản phẩm điều trị trước các sản phẩm dưỡng da khác, khách hàng có thể sử dụng hằng ngày để duy trì làn da khỏe mạnh. Điều trị mụn với Caramel buổi tối trong vòng 14 - 30 ngày và sử dụng song song Caramel Plus mỗi ngày để thúc đẩy quá trình điều trị nhanh hơn và hiệu quả hơn. Hỗ trợ song song với sản phẩm Caramel…”.
Ngoài ra, website này còn có nhiều bài viết về các sản phẩm như: Kem trị thâm nám Melasma Cream; Kem trị mụn BHA CREAM 30ml…
Quảng cáo thì xem có vẻ rất hay, rất thu hút người tiêu dùng nhất là những người đang có các vấn đề về da… Thế nhưng, đi sâu vào tìm hiểu, phóng viên nhận thấy có nhiều điểm bất thường, bởi căn cứ vào các văn bản pháp luật về lĩnh vực mỹ phẩm và theo hướng dẫn của Cục Quản lý dược thì các từ có ý nghĩa chữa cho khỏi như “Trị”, “Điều trị” không được không được chấp nhận trong việc đặt tên và công bố tính năng mỹ phẩm.
Và theo thông tư 09/2015/TT-BYT của Bộ Y tế thì điều kiện xác nhận nội dung quảng cáo mỹ phẩm là: “Tính năng, công dụng của sản phẩm phải phù hợp với bản chất của sản phẩm, phân loại sản phẩm và tính năng, công dụng đã được công bố theo quy định của pháp luật”.
Vậy Công ty TNHH Chucos đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo mỹ phẩm chưa?
Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng cấm các tổ chức, cá nhân thông qua hoạt động quảng cáo lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về hàng hóa mà tổ chức, cá nhân đó cung cấp.
Thực tế cho thấy, hiện nay có không ít doanh nghiệp vì lợi nhuận mà cố tình “đánh lận con đen” dùng những từ ngữ quảng cáo không đúng sự thật nhằm đánh lừa niềm tin người tiêu dùng, khiến họ hiểu sai về công dụng của sản phẩm và “sập bẫy”. Việc làm này có thể khiến các doanh nghiệp làm ăn chân chính gặp khó khăn bởi môi trường cạnh tranh không công bằng, lành mạnh.
Do đó, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin về nguồn gốc, xuất xứ cũng như tính năng, công dụng của sản phẩm, tránh việc tin vào những lời quảng cáo “có cánh” để rồi kết quả có được như mong muốn hay không thì cũng còn “hên xui”.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Điều 10. Các hành vi bị cấm
1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về một trong các nội dung sau đây:
a) Hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp;
b) Uy tín, khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ;
c) Nội dung, đặc điểm giao dịch giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quấy rối người tiêu dùng thông qua tiếp thị hàng hóa, dịch vụ trái với ý muốn của người tiêu dùng từ 02 lần trở lên hoặc có hành vi khác gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng.
3. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ ép buộc người tiêu dùng thông qua việc thực hiện một trong các hành vi sau đây:
a) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các biện pháp khác gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của người tiêu dùng;
b) Lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người tiêu dùng hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để ép buộc giao dịch.
4. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, đề nghị giao dịch trực tiếp với đối tượng là người không có năng lực hành vi dân sự hoặc người mất năng lực hành vi dân sự.
5. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ yêu cầu người tiêu dùng thanh toán hàng hóa, dịch vụ đã cung cấp mà không có thỏa thuận trước với người tiêu dùng.
6. Người tiêu dùng, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lợi dụng việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.
7. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người tiêu dùng hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để cung cấp hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng.
8. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng.
Nguồn tin: http://doanhnghiepthuonghieu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn