Doanh nghiệp ảnh hưởng ra sao khi đồng USD liên tục tăng giá?

Thứ tư - 20/07/2022 03:37
Tỷ giá USD/VND tăng cao gây áp lực đáng kể tới các doanh nghiệp nhập khẩu và những ngành có mức vay ngoại tệ lớn.

Việc FED tăng lãi suất thêm 0,75% và dự báo có thể tiếp tục tăng vào cuối năm nay đã đẩy đồng USD mạnh lên đáng kể so với các đồng tiền khác. Tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng đã tăng 2,3% và tỷ giá niêm yết tăng khoảng 2,5% - mức tăng giá mạnh nhất trong vòng 4 năm trở lại đây theo báo cáo của SSI.

Trước diễn biến tăng mạnh của đồng USD, quốc gia có nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Việt Nam sẽ chịu tác động 2 chiều.

Theo đó, các ngành có tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu lớn 70 – 90% như dược, nhựa, săm lốp sẽ phải chịu chi phí đầu vào gia tăng, trong khi đó tỷ trọng tiêu thụ thành phẩm trong nước lại lớn khiến giá hàng hóa chịu tác động mạnh, gây ra tăng giá bất thường.

Về phía các doanh nghiệp có khoản vay gốc ngoại tệ lớn như Vingroup, Novaland, Vietnam Airlines, hay nhiều doanh nghiệp dầu khí, nhiệt điện, áp lực vay nợ sẽ gia tăng từng ngày theo sự tăng mạnh của đồng USD. Giá trị các khoản vay mặc nhiên tăng mạnh, đồng nghĩa với chi phí tài chính tăng và tác động không mấy tích cực đến lợi nhuận cuối cùng.

Theo các chuyên gia tài chính, trong bối cảnh này, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng nên cẩn trọng. Bởi nếu VND tiếp tục giảm giá so với USD không hẳn có lợi cho xuất khẩu, mà còn có nguy cơ tạo ra nhập khẩu lạm phát, vì phần lớn hàng xuất khẩu của Việt Nam có hàm lượng giá trị nhập khẩu lớn.
 


Việc tỷ giá đồng USD liên tục tăng đã có những ảnh hưởng không nhỏ tới các doanh nghiệp Việt

Theo ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối - Thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam, hầu hết các đồng tiền châu Á sẽ tiếp tục gặp áp lực giảm giá so với USD trong những tháng tới khi các điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn nữa, lo ngại về suy thoái tại các khu vực kinh tế phát triển (Mỹ và châu Âu) tăng lên và giá dầu vẫn ở mức cao.

Tác động rõ ràng nhất là hóa đơn năng lượng ngày càng tăng của Việt Nam. Mặc dù xuất khẩu tăng mạnh, cán cân thương mại đã thu hẹp xuống mức thặng dư ước tính chỉ còn 0,7 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2022.

Trong bối cảnh lạm phát tăng cao ở Mỹ và các nước châu Âu vốn là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, các doanh nghiệp dự kiến việc xuất khẩu một số mặt hàng vào đây sẽ có những khó khăn hơn.

Theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, tháng 6 vừa qua, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả nước đạt 1,5 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ. Đặc biệt, Mỹ là thị trường xuất khẩu gỗ chính nhưng tháng 6 chỉ đạt 826 triệu USD, giảm 19,2% so với tháng 6/2021. Tính chung nửa đầu năm 2022, xuất khẩu gỗ đi Mỹ giảm 2,5% so với cùng kỳ.

Tương tự là các mặt hàng may mặc. Dù hầu hết doanh nghiệp đã có đơn hàng sản xuất trong quý II nhưng thực chất, số đơn hàng này được ký kết vào thời điểm cuối năm ngoái và đầu năm nay khi những biến động của thế giới và lạm phát chưa gay gắt. Một số mặt hàng xuất khẩu khác, khách hàng đã rút ngắn thời gian đặt trước đơn hàng do lượng hàng tồn kho ở thị trường xuất khẩu ở mức cao và người dân thắt chặt chi tiêu.

Ngoài ra, chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa cũng lưu ý, hiện nay mức giảm của VND có phần khiêm tốn hơn so với các phần nước châu Á như NDT (Trung Quốc), Bath (Thái Lan), Won (Hàn Quốc). Điều này khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này đắt hơn tương đối.

Do đó, doanh nghiệp phải chú ý đến tỷ giá hối đoái giữa VND và các đồng tiền thanh toán ngoại thương, để lựa chọn thị trường xuất khẩu, nhập khẩu và lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi thay vì chỉ sử dụng đồng USD.

Kim Ngân

Nguồn tin: https://giadinhonline.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây