Và ngày 20/11 hằng năm đã trở thành ngày hội của các thầy cô giáo, là ngày để toàn xã hội thể hiện nghĩa cử cao đẹp, tôn vinh sự học, tri ân những người đóng góp công sức với sự nghiệp trồng người.
Suốt cuộc đời hoạt động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp “trồng người”. Bác là tấm gương tự học và là nhà giáo dục lớn trong lịch sử Việt Nam. Người đã có công đào tạo nên nhiều thế hệ cách mạng Việt Nam, những lãnh tụ xuất sắc của Đảng, trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Tư tưởng nhân văn của Người luôn hướng về cộng đồng, con người Việt Nam: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc làm sao cho dân ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành…”.
Người chú trọng giáo dục cả hai mặt Trí dục và Đức dục và xem công tác giáo dục là một khoa học. Từ quan điểm vì con người đến quan điểm về chiến lược “trồng người” là một bước phát triển hợp logic của tư tưởng triết học Hồ Chí Minh. Để thực hiện chiến lược kinh tế – xã hội thì chiến lược con người phải đi trước một bước. Từ rất sớm, Người đã nêu ra một luận điểm nổi tiếng: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”. Do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn dò: “Vì lợi ích mười năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng người”.Trước lúc đi xa, Người còn ân cần dặn lại: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”.
Con người mà Bác mong muốn “trồng” không chỉ có lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh anh dũng, có lí tưởng cách mạng, phẩm chất, đạo đức mà còn phải có tri thức khoa học, kĩ năng lao động sản xuất… Có như vậy thì dân tộc ta mới có sức mạnh tinh thần và thể chất để vượt bao khó khăn, gian khổ trong chinh phục thiên nhiên, chiến thắng giặc ngoại xâm, đảm bảo một cuộc sống hạnh phúc, văn minh, tiến bộ, thích ứng về với thời đại, xã hội mới. Ðể làm tròn sứ mệnh “trồng người” vẻ vang ấy, người thầy giáo phải có phẩm chất tốt. Bác nhắc nhở: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức… Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con”.
Đồng thời, Bác Hồ cũng đề cao vai trò của người thầy giáo: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản?. Người thầy giáo tốt – thầy giáo xứng đáng là thầy giáo – là người vẻ vang nhất…, những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh… Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng xã hội chủ nghĩa được? Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang”.
Trong Di chúc, Bác nhấn mạnh trách nhiệm của Ðảng đối với việc chăm sóc, giáo dục thế hệ trẻ: “Ðảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
Trong bức thư cuối cùng Bác gửi cho ngành Giáo dục, ngày 15/10/1968, Bác tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu của nền Giáo dục nước ta là phải gắng sức phấn đấu theo kịp với trình độ và chất lượng của các nước văn minh, tiên tiến: “Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật”. Cuối thư, Bác yêu cầu nền giáo dục nước nhà: “Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng. Cần phải phát huy đầy đủ dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng quan hệ thật tốt, đoàn kết thật chặt chẽ giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa học trò với nhau, giữa cán bộ các cấp, giữa nhà trường và nhân dân để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đó”.
Những tư tưởng về sự nghiệp trồng người lớn lao, những lời dặn sâu sắc dành cho các bậc thầy cô giáo, cùng với nhân cách vô cùng cao đẹp và mẫu mực của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa Người lên vị trí một nhà giáo dục vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Những cống hiến rất to lớn của Người đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo ở nước ta luôn là những giá trị thời đại và ý nghĩa lịch sử của dân tộc Việt Nam và nhân loại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dặn dò: “…Sản phẩm của giáo dục, dạy học là con người, là thế hệ tương lai của dân tộc, vì vậy không được phép tạo ra “phế phẩm””. Kế thừa và phát huy những tinh hoa trong tư tưởng của Người, Đảng ta luôn xác định “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội”./.
Ngọc Huyền
Nguồn tin: https://ttv.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn