Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa có thông báo về việc hủy bỏ các đợt chào bán trái phiếu của nhóm đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, bao gồm Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (Công ty Ngôi Sao Việt), Công ty Cổ phần Cung điện Mùa Đông (Công ty Cung điện Mùa đông), Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil (Công ty Khách sạn Soleil), giai đoạn từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022.
Cụ thể, theo UBCKNN, cả 3 đơn vị đều là các công ty chưa đại chúng, đã thực hiện 9 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022. Căn cứ hồ sơ, tài liệu, Công ty Ngôi Sao Việt, Công ty Cung điện Mùa đông, Công ty Khách sạn Soleil đã có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ; căn cứ quy định tại Luật Chứng khoán năm 2019, Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, ngày 3/4/2022.
Vì thế, UBCKNN đã ban hành Quyết định số 181/QĐ-UBCK hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng của Công ty Ngôi Sao Việt, Công ty Cung điện Mùa đông, Công ty Khách sạn Soleil thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Theo quyết định này, các tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu có trách nhiệm dừng chuyển quyền sở hữu các trái phiếu của Công ty Ngôi Sao Việt, Công ty Cung điện Mùa đông, Công ty Khách sạn Soleil thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh trong 9 đợt chào bán trái phiếu từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022.
Vén màn 'núi' nợ của nhóm Tân Hoàng Minh
Trong số 3 doanh nghiệp thành viên Tập đoàn Tân Hoàng Minh đề cập ở trên, Công ty Ngôi Sao Việt là cái tên không mấy xa lạ với giới đầu tư tài chính, sau khi trở thành tâm điểm trong thương vụ "lùm xùm" bỏ cọc khu đất hàng nghìn tỷ đồng ở Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức, TP. HCM) hồi cuối năm 2021, đầu năm 2022. Còn nhớ khi ấy, Công ty Ngôi Sao Việt gây rúng động cả thị trường địa ốc với mức giá trúng đấu giá lô đất số 3-12 diện tích 10.060 m2 lên đến 24.500 tỷ đồng, tức gần 2,5 tỷ đồng cho mỗi mét vuông ở bán đảo "đắt đỏ" nhất Việt Nam.
Tuy nhiên, nhà đầu tư này sau đó đã để lỡ thời hạn nộp tiền trúng đấu giá. Đến ngày 28/1/2022, Công ty Ngôi Sao Việt chính thức có văn bản xin bỏ cọc mua bán quyền sử dụng lô đất số 3-12 tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, chịu mất 600 tỷ đồng. Đồng thời Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng MinhĐỗ Anh Dũng cũng viết tâm thư gửi lãnh đạo các cấp, qua đó giãi bày về động thái "quay xe" đầy bất ngờ này.
Tìm hiểu được biết, Công ty Ngôi Sao Việt là chủ đầu tư dự án D’. Capitale của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, chính thức đi vào hoạt động từ 19/4/2016, có địa chỉ tại tầng 2, tòa nhà D’.Le Pont D’or, quận Đống Đa, Hà Nội.
Tính đến cuối năm 2020, Công ty Ngôi Sao Việt có vốn điều lệ 1.600 tỷ đồng, trong đó, ông Lê Mạnh Dũng và ông Nguyễn Mạnh Hùng lần lượt sở hữu 95,62% và 4,38% vốn điều lệ. Đến ngày 27/9/2021, cơ cấu cổ đông có phần thay đổi khi ông Lê Mạnh Dũng giảm tỷ lệ sở xuống còn 80,729%, đồng thời cổ đông tổ chức mới là Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển nhà Hoàng Hải Phú Quốc xuất hiện thay cho sự thoái lui của ông Nguyễn Mạnh Hùng, với tỷ lệ 19,271% còn lại.
Về cấu trúc tài chính, như đã thông tin tại bài viết hồi tháng 12/2021, tổng tài sản của Công ty Ngôi Sao Việt tính đến cuối năm 2020 đạt 8.651 tỷ đồng, được hình thành từ 1.850 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, khiêm tốn hơn rất nhiều so với khối nợ phải trả 6.801 tỷ đồng, phần lớn là nợ ngắn hạn.
Thời điểm này, Công ty Ngôi Sao Việt chỉ ghi nhận nợ vay ngắn hạn 1.127 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng thấp so với các khoản mục khác như phải trả ngắn hạn khác (3.639 tỷ đồng), phải trả người bán ngắn hạn (724 tỷ đồng), phải trả dài hạn khác (421 tỷ đồng)...
Sang năm 2021, Công ty Ngôi Sao Việt đã chào bán thành công 2 lô trái phiếu có tổng trị giá 2.700 tỷ đồng, lãi suất 11,5 - 12%/năm với kỳ hạn 48 - 60 tháng.
Mục đích huy động vốn bao gồm việc mua 51% vốn Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển và Thương mại Việt tiến (800 tỷ đồng), nhằm thực hiện một dự án tại khu đô thị mới Việt Hưng, quận Long Biên; đồng thời rót 1.900 tỷ đồng cho dự án nằm ở phía Nam đường Đại Cồ Việt, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Nam Đại Cồ Việt làm chủ đầu tư.
Như vậy, nợ vay dài hạn trong năm vừa qua có thể phát sinh thêm ít nhất 2.700 tỷ đồng, là một gánh nặng không hề nhỏ đối với Công ty Ngôi Sao Việt. Hơn nữa, mức độ sử dụng đòn bẩy rất cao của doanh nghiệp càng trở nên đáng báo động trong bối cảnh kết quả kinh doanh ngày một "bi đát".
Theo đó, các năm 2016 - 2017, Công ty Ngôi Sao Việt không phát sinh doanh thu thuần. Đến năm 2018 ghi nhận doanh thu 80,3 tỷ đồng, tăng "dựng đứng" lên 10.036 tỷ đồng ở năm kế tiếp, trước khi giảm "không phanh" về còn 783,5 tỷ đồng trong năm 2020.
Tương ứng với đó, lợi nhuận của Công ty Ngôi Sao Việt cũng chỉ đạt đỉnh vào năm 2019 với 271,5 tỷ đồng. Còn lại, doanh nghiệp chịu lỗ ròng lần lượt 1,8 tỷ đồng (2016), 4,2 tỷ đồng (2017), 10 tỷ đồng (2018) và đặc biệt lỗ kỷ lục 1.003 tỷ đồng vào năm 2020.
Lũy kế giai đoạn này, Công ty Ngôi Sao Việt thu về gần 11.000 tỷ đồng doanh thu, song lại lỗ đến hơn 700 tỷ đồng, phản ánh một bức tranh tài chính không mấy khả quan.
Xem xét tiếp trong hệ sinh thái Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Công ty Cung điện Mùa đông cũng là một pháp nhân có năng lực tài chính "èo uột", tài sản chủ yếu hình thành từ các khoản nợ. Chẳng hạn tại thời điểm 31/12/2020, tổng tài sản của chủ đầu tư dự án D’. El Dorado I (quận Tây Hồ, Hà Nội) đã tăng mạnh từ 1.168 tỷ đồng hồi đầu năm, lên 2.144 tỷ đồng, tương đương mức tăng 83,5%; cùng chiều với đó, nợ phải trả "phình to" tới 111%, tiến sát ngưỡng 1.850 tỷ đồng.
Tổng nợ vay của Công ty Cung điện Mùa đông cuối 2020 là gần 440 tỷ đồng, với 420 tỷ đồng là nợ vay dài hạn. Đặc biệt ở chỗ, với vốn chủ sở hữu vỏn vẹn 297,5 tỷ đồng, bước tới năm 2021, Công ty Cung điện Mùa đông vẫn vay được đến 3.680 tỷ đồng trái phiếu, tức gấp hơn 12 lần.
Trong đó một phần vốn dùng để phục vụ hoạt động hợp tác đầu tư với Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nhà Hoàng Hải Phú Quốc tại dự án khu du lịch phức hợp Hoàng Hải thuộc khu 5, khu phức hợp Bãi Trường huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Tương tự Công ty Ngôi Sao Việt, tình hình làm ăn của Công ty Cung điện Mùa đông cũng "thăng hoa" trong năm 2019, sau đó trở về quỹ đạo sa sút vào năm 2020. Cụ thể, năm 2020 chứng kiến doanh thu giảm mạnh từ 1.141 tỷ đồng về còn 113 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế từ 76,7 tỷ đồng xuống 4,3 tỷ đồng. Thêm nữa, suốt giai đoạn 2016-2018, doanh nghiệp chưa từng một lần có lãi.
Cái tên cuối cùng bị UBCKNN chỉ đích danh đã có hành vi công bố sai sự thật, che giấu thông tin khi phát hành trái phiếu riêng lẻ của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, đó là Công ty Khách sạn Soleil.
Pháp nhân này cũng mệnh danh là "nợ như chúa chổm" của tập đoàn, bởi lẽ tỷ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu đã lên đến 21,2 lần tính đến cuối năm 2020. Trong đó, nợ phải trả đứng ở mức 5.974 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 281 tỷ đồng.
Kịch bản kinh doanh lạ kỳ của Công ty Ngôi Sao Việt, Công ty Cung điện Mùa đông lại được "trình diễn" tại Công ty Khách sạn Soleil - chủ đầu tư dự án D’. Le Roi Soleil. Pháp nhân này cũng ngắt chuỗi thua lỗ sau năm 2019 cùng lập kỷ lục cả về doanh thu lẫn lợi nhuận với 2.595 tỷ đồng và 71,5 tỷ đồng, nhưng ngay lập tức suy yếu trong năm 2020.
Thậm chí ở Công ty Khách sạn Soleil, doanh nghiệp còn chứng kiến khoản lỗ ròng 135 tỷ đồng trong năm 2020, qua đó đánh bay toàn bộ giá trị lợi nhuận lũy kế xuống mức âm 68,8 tỷ đồng và "ăn mòn" vốn chủ sở hữu. Thế nhưng với sức khỏe tài chính không tốt của mình, Công ty Khách sạn Soleil vẫn "hút" về 1.750 tỷ đồng trái phiếu trong năm 2021, với mức lãi suất 11,5 - 11,75%/năm, kỳ hạn 24 - 36 tháng.
Có thể tóm lược lại rằng, xét riêng thời điểm 31/12/2020, tổng tài sản của cả 3 doanh nghiệp "họ" Tân Hoàng Minh đứng ở mức xấp xỉ 17.050 tỷ đồng, chủ yếu tài trợ là nợ phải trả với hơn 14.600 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần vốn chủ sở hữu. Lưu ý rằng, khối nợ này chưa bao gồm các khoản vay trái phiếu mà doanh nghiệp phát hành trong năm 2021 - đầu năm 2022, với tổng giá trị 10.000 tỷ đồng đã nêu ở trên.
Việt Anh
Nguồn tin: https://vietnamfinance.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn