Khoản nợ xấu 800 tỷ đồng của chủ sân golf Đầm Vạc
Như đã đề cập, đại gia Đỗ Vũ Diên (1975) là nhân tố quan trọng đứng sau sự phát triển Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển Đô thị (CUD), chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng sân golf Đầm Vạc (tên thương mại Heron Lake Golf Course) và khu biệt thự nhà vườn Mậu Lâm Đầm Vạc (Times Garden Vĩnh Yên Residences), tỉnh Vĩnh Phúc.
Mới đây, OceanBank phát đi thông báo về việc bán đấu giá khoản nợ xấu hơn 800 tỷ đồng của CUD, với tài sản thế chấp là dự án sân golf Đầm Vạc và khu biệt thự nhà vườn Mậu Lâm Đầm Vạc, gắn liền với diện tích đất 503.200m2 thuộc quyền sử dụng doanh nghiệp trong thời hạn đến ngày 3/2/2054.
Việc OceanBank rao bán khoản nợ xấu này đã tiết lộ sự "chây ì" của CUD, khi nợ gốc chỉ ở mức 229,8 tỷ đồng nhưng tổng tiền lãi và phạt chậm nộp lên tới 578 tỷ đồng, gấp hơn hai lần. Được biết, khoản nợ xấu của CUD tại OceanBank phát sinh theo hợp đồng tín dụng hạn mức số 01.01/099/HDTD-OJB ngày 7/8/2007, như vậy nhiều khả năng CUD đã "quên" thực hiện nghĩa vụ nợ đến hạn từ chục năm về trước.
Theo tài liệu mà VietnamFinance thu thập được, nguyên nhân lớn nhất dẫn tới sự "chây ì" của CUD là do năng lực tài chính rất èo uột. Doanh nghiệp thành lập từ năm 2004, nhưng đến tận năm 2018 mới phát sinh khoản doanh thu kha khá với 53,5 tỷ đồng, và ngay lập tức giảm còn 17,7 tỷ đồng ở năm 2019. Giai đoạn này, CUD báo lỗ 14,7 tỷ đồng và 2,5 tỷ đồng.
Điểm lạ ở chỗ, năm 2020, bất chấp tác động của dịch bệnh Covid-19, doanh thu của CUD bất ngờ "nhảy dựng", tăng gấp 30 lần năm trước, lên 530 tỷ đồng, nhưng đáng nói là doanh nghiệp vẫn không cải thiện được tình trạng thua lỗ liên tiếp, thậm chí còn lỗ nặng nhất lịch sử hoạt động với hơn 28,4 tỷ đồng.
Lý do mà CUD lỗ thảm năm này là vì kinh doanh dưới giá vốn. Điều này đặt ra câu hỏi về về năng lực quản trị chi phí của chủ đầu tư sân golf Đầm Vạc, hoặc đơn giản là doanh nghiệp đã chủ động trong quản lý chi phí đầu vào nhằm giảm gánh nặng thuế thu nhập?
Không chỉ tình hình làm ăn bết bát, nợ phải trả của CUD cũng liên tục "phình to" suốt cả giai đoạn 2016 - 2020, từ 1.071 tỷ đồng lên đến 2.196 tỷ đồng. Đáng lo ngại hơn nữa, doanh nghiệp lâm vào tình cảnh mất sạch vốn chủ sở hữu vào năm 2020, đồng thời âm thêm hơn 30 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ ở mức 110 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Khu nghỉ dưỡng và Sân golf Đầm Vạc (Công ty Đầm Vạc), pháp nhân được giới chủ CUD sử dụng các tài sản là sân golf để góp vốn, sau đó hoán đối cổ phần với mục đích vận hành, quản lý khai thác phần sân golf của dự án từ năm 2011, cũng có bức tranh tài chính kém sắc. Tình hình làm ăn cũng liên tục thua lỗ, vốn chủ sở hữu dần bị "ăn mòn" đến cuối năm 2020 chỉ còn 206,6 tỷ đồng, trong khi vốn đầu tư chủ sở hữu là gần 392 tỷ đồng.
Cổ đông lớn nhất của CUD và Công ty Đầm Vạc là Công ty Cổ phần Tài chính và Đầu tư Gia Phát (Công ty Gia Phát), duy trì tỷ lệ sở hữu ở mức trên 40% vốn điều lệ. Tổng giám đốc Công ty Đầm Vạc Vũ Duy Thành (1965) từng góp mặt trong danh sách sáng lập của Công ty Gia Phát, nơi mà ông Đỗ Vũ Đạt (1984), em trai ông Đỗ Vũ Diên vừa nhận ghế Tổng giám đốc, kiêm người đại diện pháp luật từ ông Trần Đình Lâm (1972) vào tháng 3/2022.
Ông Trần Đình Lâm là người bạn đồng hành của ông Đỗ Vũ Diên tại nhiều cơ sở làm ăn khác, đồng thời ông từng là cổ đông sáng lập của Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (UPCoM: PHS), công ty chứng khoán được không ít nhà đầu tư biết tới.
Núi nợ khổng lồ của Khách sạn My Way Hạ Long
Trong hệ sinh thái My Way Group của đại gia Đỗ Vũ Diên, nổi bật nhất là Công ty Cổ phần Đầu tư và Khách sạn My Way Hạ Long (My Way Hạ Long), chủ đầu tư dự án xây dựng khu hỗn hợp chung cư, văn phòng, trung tâm thương mại, nhà ở kết hợp phố mua sắm - Times Garden Hạ Long tại TP. Hạ Long.
My Way Hạ Long thành lập vào năm 2014 với số vốn 36,8 tỷ đồng. Ban đầu, cổ đông sáng lập gồm Công ty Cổ phần Khách sạn và Nghỉ dưỡng My Way với 18,4 tỷ đồng, ông Trần Đình Lâm với 12,88 tỷ đồng và ông Lê Quốc Hưng (1955) với 5,52 tỷ đồng còn lại. Sau nhiều lần tăng vốn, hiện vốn điều lệ của My Way Hạ Long đạt 354,6 tỷ đồng, do ông Vũ Duy Thành làm Chủ tịch HĐQT kế nhiệm ông Đỗ Vũ Diên từ năm 2021.
Tính đến cuối năm 2020, tài sản của My Way Hạ Long đứng ở mức 2.116 tỷ đồng, chủ yếu cấu thành từ nợ phải trả với 1.744 tỷ đồng, gấp 4,7 lần vốn chủ sở hữu. Ngoài cấu trúc tài chính nặng nợ, kết quả kinh doanh của chủ dự án Times Garden Hạ Long cũng rất ảm đạm, với khoản lãi hàng năm vô cùng mỏng manh, mấp mé bờ vực thua lỗ.
Xét riêng năm 2019-2020, doanh thu của My Way Hạ Long đạt 92,8 tỷ đồng và 2,9 tỷ đồng, tương ứng với đó lợi nhuận sau thuế đạt 1,4 tỷ đồng và 36,3 triệu đồng, cho thấy lợi nhuận/doanh thu bình quân là 1,4%, tức chỉ lãi trên 1 đồng cho mỗi 100 đồng thu được. Như vậy, điểm chung của My Way Hạ Long và các thành viên khác thuộc My Way Group đều là sử dụng đòn bẩy cao và kinh doanh èo uột.
Trạng thái 'đóng băng' của Vườn Thời Đại
Là pháp nhân quan trọng của hệ sinh thái này, Công ty Cổ phần Vườn Thời Đại Việt Nam (Vườn Thời Đại) cũng có những "vết đen" tài chính đặc trưng. Doanh nghiệp có trụ sở tại dự án Times Garden Hạ Long, thành lập tháng 3/2015, vốn điều lệ 425 tỷ đồng, do ông Đỗ Vũ Diên nắm giữ 93,75% và ông Vũ Duy Thành 5,25% cổ phần.
Đây là doanh nghiệp đã gửi công văn tới lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đề xuất khảo sát, nghiên cứu và tài trợ lập quy hoạch các dự án bất động sản với tổng diện tích 4.000ha trên địa bàn tỉnh, hồi tháng 1 vừa qua. Trong đó, bao gồm các dự án khu đô thị khoa học công nghệ và khởi nghiệp (3.000ha) tại xã Hòa Trung, Liên Đầm, huyện Di Linh; khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng (500ha) tại xã Bảo Thuận, huyện Di Linh và khu kết nối, chức năng khác (500ha).
Trước nữa, Vườn Thời Đại đã liên tục có các hoạt động tài trợ quy hoạch, hợp tác lập quy hoạch, nghiên cứu đầu tư loạt dự án quy mô lớn tại nhiều địa phương trên cả nước.
Ví dụ tháng 12/2021, Vườn Thời Đại đã làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk, báo cáo về việc triển khai tài trợ lập quy hoạch chung xây dựng TP. Buôn Ma Thuột và tìm hiểu về dự án phố đi bộ mua sắm tại phường Tân An. Vườn Thời Đại cũng đã báo cáo với Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk để xin chủ trương nghiên cứu, đề xuất một số dự án trên địa bàn tỉnh, như sân golf 18 lỗ hồ Ea Kao, diện tích 76,7ha, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 1.370 tỷ đồng; khu biệt thự hồ Ea Kao, diện tích hơn 46ha, tổng vốn đầu tư 7.824 tỷ đồng; khu đô thị sinh thái hồ Ea Tam, diện tích hơn 49,6ha, tổng vốn đầu tư 3.197 tỷ đồng.
Vào tháng 11/2021, UBND tỉnh Quảng Trị đã đồng ý giao Vườn Thời Đại phối hợp với Sở Xây dựng và các đơn vị, địa phương liên quan hỗ trợ ý tưởng quy hoạch tổng thể khu vực phía Nam TP. Đông Hà đến Hồ Ái Tử, huyện Triệu Phong với quy mô nghiên cứu khoảng 4.000ha.
Không chỉ vậy, lãnh đạo địa phương này còn đồng ý cho Vườn Thời Đại nghiên cứu, hỗ trợ địa phương lập quy hoạch tổ hợp du lịch - dịch vụ cảng cá Cửa Tùng; tổ chức nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu đô thị Bắc sông Hiếu giai đoạn 1; tư vấn quy hoạch dự án Khu đô thị sinh thái Nam Đông Hà...
Cuối tháng 9/2021, UBND tỉnh Thái Bình đã ký kết với Vườn Thời Đại biên bản ghi nhớ hợp tác lập quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mặc dù liên tiếp gia tăng "độ phủ sóng" tại các tỉnh thành, với giấc mộng "ôm" loạt dự án "khủng", song giai đoạn trước đó (2017 - 2020) Vườn Thời Đại chưa hề phát sinh một đồng doanh thu thuần nào, đồng thời lợi nhuận mỗi năm chỉ ở mức vài triệu đồng, cho thấy hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp gần như "đóng băng".
Cụ thể, trong thời gian 2017 - 2020, doanh thu của Vườn Thời Đại đều là 0 đồng, tương ứng với đó là lợi nhuận sau thuế lần lượt là 17 triệu đồng, 22,5 triệu đồng, 15,5 triệu đồng và 5,9 triệu đồng. Trong khi đó, bảng cân đối kế toán thể hiện, nợ phải trả tại ngày 31/12/2020 là 348,8 tỷ đồng, gần tiến sát vốn chủ sở hữu 425 tỷ đồng và cho thấy xu hướng tăng dần qua các năm.
Những doanh nghiệp liên quan tới ông Đỗ Vũ Diên và các thân hữu còn có Công ty Cổ phần Khách sạn C.L.U.B.M Hạ Long, Công ty Cổ phần Khu nghỉ dưỡng Vườn Cọ, Công ty Cổ phần Công nghệ Bể bơi thông minh, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Trí Đức, Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư TL, Công ty TNHH MTVN Đầu tư và Dịch vụ FV, Công ty TNHH MTV Đầu tư Greende, Công ty Cổ phần Du Lịch Ngọa Vân – Hồ Thiên, Công ty Cổ phần Thực Phẩm và Dịch vụ My Way, Công ty Cổ phần Khu nghỉ dưỡng My Way, Công ty Cổ phần Đầu tư Căn hộ và Khách sạn MW, Công ty Cổ phần Dịch vụ Cáp treo Tâm Đức...
Việt Anh
Nguồn tin: https://vietnamfinance.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn