Ngày 8/4, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đăng tải bản công bố thông tin kết quả chào bán trái phiếu của Công ty TNHH Đầu tư Gia Cường (viết tắt là Công ty Gia Cường).
Theo đó, Công ty Gia Cường đã hoàn tất phát hành lô trái phiếu có mã GCICH2125001 vào ngày 31/12/2021, với giá trị 468 tỷ đồng, kỳ hạn 48 tháng. Thời gian phát hành và hoàn tất chỉ diễn ra trong một ngày.
Văn bản công bố thông tin của Công ty Gia Cường rất sơ sài, các chi tiết về tài sản bảo đảm (nếu có), lãi suất, các đơn vị thu xếp phát hành, trái chủ... đều không được đề cập đầy đủ theo quy định.
Dù vậy, dữ liệu của VietnamFinance cho thấy, ngày 28/12/2021, cách ba ngày trước thời điểm Công ty Gia Cường tiến hành chào bán lô trái phiếu trên, doanh nghiệp đã thế chấp lô cổ phần trị giá 584,99 tỷ đồng, tương ứng 99,998% vốn điều lệ của Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Dịch vụ Du lịch Biển Đông (Công ty Biển Đông) cho phía Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank), bao gồm toàn bộ quyền lợi và lợi ích, các khoản tiền, khoản phân chia liên quan (lợi tức, lợi nhuận phân chia...).
Được biết, tại thời điểm nhận thế chấp, toàn bộ trái phiếu và cổ phiếu nêu trên chưa được đăng ký tập trung tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
Vài nét về Công ty Biển Đông, Công ty Gia Cường
Theo tìm hiểu của VietnamFinance, Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Dịch vụ Du lịch Biển Đông thành lập ngày 21/3/2014, vốn điều lệ 100 tỷ đồng, ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản. Đến ngày 26/8/2016, cơ cấu cổ đông của Công ty Biển Đông được bày biện lại, sau khi ông Vũ Kim Toán (1955) nhận 99,99% cổ phần từ bà Trần Thị Hữu Duyên (1983) và ông Nguyễn Mạnh Cường (1974) nhận nốt 0,01% từ bà Hồ Thị Thùy Trang (1994).
Chiếc ghế chủ tịch hội đồng thành viên kiêm tổng giám đốc cũng được bà Duyên "sang nhượng" cho ông Vũ Kim Toán, doanh nhân cư trú tại Hà Nội. Bà Duyên lúc này vẫn nằm trong nhóm lãnh đạo thượng tầng của Công ty Biển Đông.
Tháng 9/2018, Công ty Biển Đông tăng vốn từ 100 tỷ đồng lên 420 tỷ đồng, với tỷ lệ sở hữu gần như giữ nguyên. Đến trung tuần tháng 6/2020, số cổ phần của ông Nguyễn Mạnh Cường đã sang tên cho bà Hoàng Thị Kim Thu (1963), thành viên hội đồng thành viên.
Cập nhật mới nhất, ngày 24/1/2022, không lâu sau khi tăng vốn điều lệ lên 585 tỷ đồng, quyền chi phối với tỷ lệ sở hữu 99,98% vốn điều lệ tại Công ty Biển Đông đã được trao cho Công ty Gia Cường, dưới sự rút lui của ông Vũ Kim Toán, và kế nhiệm vị trí chủ tịch ông Toán để lại là ông Vũ Đình Chiến (1973).
Điểm đáng lưu tâm, đó là giai đoạn 5 năm trở lại đây (2016 - 2020), tình hình tài chính của Công ty Biển Đông cho thấy tín hiệu "đuối" dần. Về kết quả kinh doanh, doanh nghiệp hầu như không phát sinh doanh thu thuần, vì thế đã lỗ ròng suốt nhiều năm, chẳng hạn năm 2017 lỗ 21,3 tỷ đồng, cho đến năm 2020 vẫn lỗ 5,3 tỷ đồng.
Mặt khác, tài sản của Công ty Biển Đông ghi nhận sự thăng giáng rất mạnh, nếu như các năm 2016 - 2017 ở mức 608,5 - 554 tỷ đồng, thì năm 2018 nhảy "dựng đứng" lên 4.294 tỷ đồng và sau đó lập tức rớt mạnh, đến cuối năm 2020 chỉ còn 471,5 tỷ đồng.
Chủ yếu sự biến động này nằm ở khối nợ phải trả của doanh nghiệp, lần lượt ở mức 508,1 tỷ đồng (2016), 475 tỷ đồng (2017), 3.879 tỷ đồng (2018), giảm về còn 417,5 tỷ đồng tại năm 2020, toàn bộ là nợ ngắn hạn. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu cũng liên tiếp "hạ độ cao", sau khi đạt trên 414,9 tỷ đồng (2018) thì giảm mạnh xuống 53,9 tỷ đồng (2020).
Trong diễn biến liên quan, cuối tháng 11/2021, Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Liên Lập (Công ty Liên Lập) đã huy động 532 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 60 tháng với tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất và toàn bộ tài sản gắn liền với đất liên quan đến một số thửa đất và dự án thành phần thuộc Khu du lịch - dịch vụ Bãi Trường (khu 1) do Công ty TNHH Đức Việt (Công ty Đức Việt) làm chủ đầu tư.
Số tiền thu được từ đợt phát hành được Công ty Liên Lập đặt cọc cho giao dịch nhận chuyển nhượng một phần dự án theo hợp đồng được ký kết giữa Liên Lập và Đức Việt.
Được biết, Công ty Đức Việt là công ty con do Công ty Biển Đông nắm giữ 70% vốn điều lệ, tương đương 280 tỷ đồng, và là chủ đầu tư của dự án Khu du lịch - Dịch vụ Bắc Bãi Trường (khu 1) - Khu phức hợp Bãi Trường (36,8 ha), tại xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Dự án này được Ban quản lý đầu tư phát triển đảo Phú Quốc cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào ngày 24/6/2014 và quyết định bàn giao đất, bàn giao thực địa với phần diện tích 78.738 m2 vào ngày 27/6/2014.
Về Công ty TNHH Đầu tư Gia Cường, đây là doanh nghiệp gần 7 năm tuổi nghề, trụ sở chính ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Chủ tịch hội đồng thành viên là ông Vũ Đình Chiến, cũng là chủ tịch Công ty Biển Đông, đồng thời là người được ủy quyền cho toàn bộ 100% vốn điều lệ tại doanh nghiệp, tức 425 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2021.
Giống như Công ty Biển Đông, bức tranh tài chính của Công ty Gia Cường cũng "ngả màu tối". Doanh nghiệp không ghi nhận doanh thu thuần giai đoạn 2016 - 2020, cùng với đó là thực trạng lỗ triền miên, lần lượt là 250,7 triệu đồng, 1,1 tỷ đồng, 31,3 tỷ đồng, 185,5 tỷ đồng và 914,9 triệu đồng.
Điểm "gợn" cũng nằm ở chỗ tài sản "bấp bênh" của doanh nghiệp, khi mà liên tiếp sụt giảm, từ 314,7 tỷ đồng (2016) còn 95,8 tỷ đồng (2020), thấp hơn đáng kể so với vốn điều lệ doanh nghiệp. Phần lớn trong đó là vốn chủ sở hữu, do nợ phải trả của Công ty Gia Cường là rất ít.
Được biết, Công ty Gia Cường là một trong số cổ đông lớn của Tổng công ty Licogi, doanh nghiệp có vốn nhà nước đang niêm yết trên sàn UPCoM với mã chứng khoán LIC. Hiện Công ty Gia Cường nắm giữ 17,3 triệu cổ phiếu LIC, tương ứng 19,24% vốn điều lệ, chỉ sau Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) với tỷ lệ 40,71% vốn và Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Khu Đông - công ty của ông Vũ Kim Toán với 35% vốn.
Việt
Nguồn tin: https://vietnamfinance.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn