Sinh sống và làm việc tại Hà Nội đã 8 năm, chị Quỳnh Mai đã đổi nhà trọ cả chục lần, từ căn nhà cấp 4 chật hẹp đến các chung cư mini đẹp đẽ hơn. Cô gái trẻ vẫn khao khát có được ngôi nhà của riêng mình vì rất ái ngại cảnh đi ở trọ, nay đây, mai đó.
Hiện tại, công việc của Mai khá ổn định với mức lương 15 triệu/tháng, ngoài ra Mai tham gia mạng lưới bán hàng online để kiếm thêm thu nhập.
“Dành dụm được hơn 400 triệu đồng, tôi đang lên kế hoạch để mua được 1 căn hộ 1 – 2 phòng ngủ, tiện ích cơ bản, giá khoảng 2,2 tỷ trở xuống trong vòng 5 năm tới. Chắc chắn sẽ phải mua trả góp, vay mượn người thân, chịu áp lực kiếm tiền trả nợ bởi nếu đợi đủ tiền mới mua thì chẳng bao giờ làm được”, Mai tâm sự.
Cũng ấp ủ giấc mơ được cầm trên tay “cuốn sổ hồng” của riêng mình, anh Đức Hòa (28 tuổi, trọ tại quận 7, TP Hồ Chí Minh) hiện tại đang nhắm đến các căn hộ 1 phòng ngủ khoảng 40m2, không cách trung tâm quá xa. Không có sự hỗ trợ từ gia đình, anh phải làm cùng lúc 2-3 công việc để hiện thực hóa ước mơ mua nhà.
“Thu nhập không cao nên tôi dự tính khi nào tích cóp được khoảng 50% giá trị căn hộ mới mua nhà, tránh việc gồng gánh cả vốn lẫn lãi ở mức cao. Mỗi tháng, tôi đang cố gắng tiết kiệm khoảng 70% mức thu nhập, ưu tiên các chi tiêu cơ bản. Cuộc sống hiện tại dù không được thoải mái nhưng vẫn phải chịu khó chắt bóp, chẳng lẽ cứ mãi ở nhà thuê”, anh Hòa cho hay.
Theo Báo cáo tâm lý người tiêu dùng bất động sản đầu năm 2022 của Batdongsan.com.vn, Việt Nam là nước có tỉ lệ người dân dự định mua nhà cao nhất Đông Nam Á. Mua nhà thành phố đã trở thành mục tiêu phấn đấu của nhiều người, nhất là những gia đình trẻ rời quê lập nghiệp. Tuy nhiên vào thời điểm “đất nóng”, mua nhà hay ở thuê sẽ phù hợp hơn đang là lựa chọn khó khăn của nhiều gia đình trẻ.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, người trẻ sống ở đô thị không nhất thiết phải có nhà bằng được nếu tài chính chưa vững vàng. Khi nào họ tích luỹ được trên một nửa giá trị căn hộ và khoản thu nhập ổn định, được gia đình hỗ trợ thì mới nên tính tới chuyện mua nhà. Lúc này, người trẻ cũng có nhiều lựa chọn hơn, dễ dàng mua được những căn hộ có vị trí, tiện ích, dịch vụ thuận lợi.
Trong trường hợp "ngân sách" chỉ ở mức dưới 30% giá trị căn hộ, thu nhập thiếu ổn định hay chưa có khoản dư để trả góp, chuyên gia cho rằng, nên cân nhắc bài toán mua nhà, ít nhất là trong giai đoạn từ năm 2022 đến giữa năm 2023. Lãi suất ngân hàng được dự báo sẽ tăng từ nay đến cuối 2023, sẽ rất rủi ro nếu dùng đòn bẩy tài chính quá cao và phải trả cả 1 đồng vốn, 2 đồng lãi trong nhiều năm.
Đơn cử như Ngân hàng BIDV, chỉ riêng mức lãi suất ưu đãi hiện tại là 7,5% - 8,2% cho những năm đầu tiên đã cao hơn từ 1,3 - 1,8%/năm so với chương trình mà nhà băng này công bố vào tháng 1, chỉ ở khoảng 6,2 - 6,4%/năm.
Thực tế, đã có hiện tượng người trẻ vay trả góp mua nhà đang phải âm thầm cắt lỗ vì không chịu nổi gánh nặng tài chính khi lãi suất được thả nổi.
Ngược lại, với những bạn trẻ đã có tài chính vững vàng và mua để phục vụ nhu cầu ở thực thì thời điểm mua không quan trọng. Các bạn có thể xuống tiền ngay tại thời điểm này. Tất nhiên, hãy quan tâm kỹ đến tính pháp lý của dự án và nhu cầu ở lâu dài của bản thân. Việc thị trường lên xuống sẽ không quá ảnh hưởng nếu bạn sử dụng tài chính tự có, và không có nhu cầu mua đi bán lại căn hộ trong thời gian ngắn để thu lời.
Ghi nhận tại hầu hết các báo cáo liên quan, giá căn hộ tại các đô thị lớn đang tăng phi mã, với mức tăng trung bình từ 15-20% trong hai năm trở lại đây. Riêng tại Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội, nhiều dự án chung cư chứng kiến mức tăng kỷ lục từ 400 – 700 triệu đối với căn hộ hai phòng ngủ từ 2020 – 2022.
Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho rằng, các hộ gia đình, cá nhân có khả năng dành dụm được khoảng 8 - 12 triệu đồng/tháng đang phải giải quyết một bài toán khó khi giá bán căn hộ trung cấp 2 phòng ngủ hiện cao hơn khoảng trên dưới 20 lần so với thu nhập trung bình của họ.
Bùi Tam
Nguồn tin: https://giadinhonline.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn