Công nhân điêu đứng khi sa bẫy ‘tín dụng đen’

Thứ năm - 16/06/2022 04:25
Không ít công nhân đã sập bẫy những lời mời gọi hấp dẫn như “lãi suất 0%”, “giải ngân nhanh 10 phút” hay “không cần thế chấp" của các hình thức "tín dụng đen".

Dạo một vòng quanh các xóm trọ gần các khu công nghiệp, nơi tập trung nhiều công nhân lao động, không khó để bắt gặp nhan nhản các tờ rơi, quảng cáo có nội dung “Cho vay lãi suất thấp”, “Trả góp lãi suất 0%” hay “Vay tiền không cần thế chấp”…

“Vay 10 triệu nhưng thực tế chỉ cầm về 9 triệu, 1 triệu là tiền lãi trong vòng 20 ngày. Chậm trả thì tính phạt một ngày 500 ngàn đồng. 15 ngày mà không đóng tiền thì lại đóng lại từ đầu”, một công nhân đang làm việc tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) cho biết.

Không chỉ cho vay trực tiếp, "tín dụng đen" hiện nay còn nở rộ khi núp bóng các ứng dụng vay tiền trực tuyến. Thủ tục vay thì vô cùng đơn giản, chỉ cần ảnh chụp chứng minh thư được giải ngân ngay một khoản tiền với những lời quảng cáo có cánh mà không cần gặp mặt hay ký kết bất kỳ giấy tờ vay nợ nào.

Trong khi đó, thu nhập bấp bênh, chủ yếu phụ thuộc vào tăng ca cùng hàng loạt khoản chi phí cho gia đình, con cái khiến những người công nhân đã trót dính bẫy "tín dụng đen" chìm trong vòng xoáy nợ nần.

Nếu không thanh toán được tiền gốc trong thời hạn cam kết thì số tiền sẽ ngày càng nhân lên, lãi mẹ đẻ lãi con khiến lãi suất thực sự có thể lên tới 90 – 100% mỗi tháng. Khi quá hạn trả nợ, họ bị chủ nợ hăm dọa, hoặc với hình thức vay online là nhắn tin, gọi điện khủng bố, thậm chí uy hiếp cả gia đình, bạn bè.

Việc gặp khó khăn khi tiếp cận các kênh cho vay chính thống là một trong những nguyên nhân khiến không ít công nhân lao đao với "tín dụng đen". (Ảnh: Báo Lao động)

Theo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, trước khi cho vay, các ứng dụng online thường duyệt hồ sơ bằng cách yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, địa chỉ, nơi làm việc cũng như yêu cầu quyền truy cập danh bạ điện thoại, các tài khoản mạng xã hội, chụp ảnh nhận diện… để thuận tiện cho việc đòi nợ. Khi khách hàng chậm trả lãi hay không thanh toán sẽ lập tức nhắn tin gọi điện đòi nợ đồng thời cả khách hàng và người thân, thậm chí đăng ảnh và bài viết xúc phạm lên mạng xã hội để đe dọa, gây áp lực.

Dữ liệu của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia ghi nhận, từ đầu năm 2022 đến nay, có hơn 2.624 người báo cáo lừa đảo qua cổng thông tin của đơn vị này. Trong đó, số lượng phản ánh về các ứng dụng tín dụng đen chiếm 30% số lượng cảnh báo về lừa đảo trực tuyến.

Còn Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết trong 3 năm qua, Bộ Công an đã xử lý 2.700 vụ việc với gần 5.000 đối tượng, khởi tố gần 2.000 vụ, trong đó gần 1.000 vụ cho vay nặng lãi. Đáng lưu ý, nhiều bị hại trong các vụ án này là công nhân.

Theo các chuyên gia tài chính, những hình thức cho vay nặng lãi có thể tồn tại và hoành hành vì đánh trúng tâm lý công nhân thường gặp khó khăn về tài chính và cần tiền ngay. “Trong khi việc tiếp cận vay vốn ngân hàng phải qua nhiều quy trình thì vay tín dụng đen thủ tục đơn giản và rất nhanh có tiền”, chị Thùy Dương, phụ trách Công đoàn của một công ty may mặc tại Hưng Yên cho hay.

Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay, hiện nay nhiều ngân hàng chưa có phòng giao dịch tại các khu công nghiệp. Do vậy, công nhân gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn vay. Để tháo gỡ, tổ chức công đoàn đã phối hợp cùng một số công ty tài chính tiêu dùng để phát triển mạng lưới bán lẻ ở khu công nghiệp.

 

Hoàng Liên  

Nguồn tin: https://giadinhonline.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây