Xăng dầu trong nước vừa có lần tăng giá thứ 6 liên tiếp và được niêm yết ở mức giá xăng E5 RON92 không cao hơn 31.117 đồng/lít; xăng RON 95-III không cao hơn 32.575 đồng/lít; dầu diesel 0.05S không cao hơn 29.020 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 27.839 đồng/lít; dầu mazut không cao hơn 20.357 đồng/kg.
Với mức giá này xăng dầu đang lập kỷ lục không ai mong muốn kéo theo mức giá tăng chóng mặt ở mọi dịch vụ vận tải.
Tài xế xe ôm công nghệ chật vật “kiếm cơm”
Những tưởng sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nhiều xe ôm công nghệ sẽ được quay trở lại với công việc hàng ngày của mình. Thế nhưng trớ trêu thay, việc giá xăng “nhảy múa” liên tục từ đầu năm đến nay đã khiến nhiều tài xế phải “bỏ cuộc”.
Trên đường Phạm Hùng, đoạn gần Bến xe Mỹ Đình (Hà Nội), hàng loạt tài xế xe ôm công nghệ mỏi mòn chờ khách do người qua bến đìu hiu.
Ngồi lặng lẽ ở một gốc cây gần Bến xe, ông Nghĩa (60 tuổi, quê Thanh Hóa) với khuôn mặt trầm buồn đang nhìn dòng người lướt qua. Ông cho biết, giá xăng tăng mấy ngày gần đây khiến cho việc chạy xe ôm hàng ngày của ông trở nên khó khăn hơn.
“Một mình thuê trọ gần Bến xe Mỹ Đình, ngoài mẹ già, tôi còn phải lo cho con ở quê đang học trung học. Khách thì chẳng thấy đâu mà giá xăng thì tăng mạnh quá nên nghề chạy xe ôm trở nên chật vật”, ông Nghĩa than thở.
Mỗi ngày ông Nghĩa đều dậy sớm, chạy xe từ 5 giờ 30 phút sáng cho đến 10 giờ đêm. Theo ông Nghĩa, trước nếu chạy xe chăm chỉ còn cho thu nhập kha khá nhưng bây giờ giá xăng tăng cao khiến nguồn thu chẳng được bao nhiêu.
“Trước xăng chưa đến 20.000 đồng/lít, giờ lên 32.000 đồng/lít, tăng 1,5 lần trong khi tăng giá chạy xe thì khách chê đắt, không đi. Thu nhập của tôi giảm rõ rệt”, ông Nghĩa bày tỏ.
Cùng chung nỗi lo “mùa xăng tăng giá”, Nguyễn Văn Hải (22 tuổi, sinh viên năm cuối một trường Đại học tại Hà Nội) cho biết, Hải chạy thêm Grab để tự lo phí sinh hoạt, học tập và phụ giúp gia đình. Song niềm vui được chạy xe trở lại chưa được bao lâu thì đã bị “tụt hứng” bởi giá xăng tăng chóng mặt.
“Giá xăng tăng cao, chăm chỉ chạy cả ngày, dầm mưa dãi nắng cũng không lãi được bao nhiêu, em đang tính chuyển công việc khác, chứ làm kiểu này không trụ nổi”, Hải nói.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Biên (Đan Phượng, Hà Nội) cho biết: “Trước ngày xăng điều chỉnh tăng giá, tôi cũng đã phải tranh thủ đi đổ đầy bình. Giá xăng tăng ảnh hưởng rất nhiều đến thu nhập. Mỗi lần chở khách tôi đều phải cố gắng tìm đoạn đường gần nhất và tập trung nhất để không chạy quá quãng đường”. Anh Biên cũng cho hay, ảnh hưởng từ đại dịch lẫn giá xăng tăng đã khiến không ít tài xế phải chuyển nghề vì “kiếm cơm” không đủ.
Xe khách lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”
Chung hoàn cảnh với các xe ôm công nghệ, nhiều doanh nghiệp vận tải khách ở Hà Nội cũng đang lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.
Các nhà xe tại Bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) cho biết thời gian qua họ phải “gồng gánh” vì giá vé vận tải đứng im, còn giá xăng dầu liên tục tăng. Bên cạnh đó, kể từ sau dịp lễ 30/4 và 1/5 lượng hành khách cũng giảm đáng kể, nhiều doanh nghiệp vận tải đang đứng ngồi không yên vì nguy cơ lỗ nặng sau mỗi chuyến xe.
Chị Nguyễn Thanh Hiền, chủ xe khách tuyến Hà Nội - Việt Trì (Phú Thọ) kể, có hôm xe xuất bến chỉ lác đác có 2-3 hành khách. Những ngày cuối tuần đông khách hơn nhưng cũng không quá 50% số ghế.
“Xăng thì tăng lên mà khách khứa lại không có ai đi, chạy chán lắm”, chị Hiền buồn rầu tâm sự.
Tương tự, nhà xe Trường Giang chạy tuyến Hà Nội - Sơn La cũng đang gồng mình bù lỗ để duy trì 5 chuyến xe mỗi ngày. Đại diện nhà xe trên cho biết, giá xăng, dầu liên tục “leo thang” khiến giá vé không chạy đua kịp.
“Giá xăng dầu mỗi ngày mỗi lên trong khi giá vé không tăng mà nếu có tăng cũng không kịp với giá xăng dầu. Không thể cứ mỗi lần xăng dầu tăng giá nhà xe lại tăng giá vé. Bởi giá vé cao cũng tội cho người dân có nhu cầu đi lại. Tôi chỉ mong Nhà nước có biện pháp nào đó bù lỗ để giá xăng dầu bình ổn trở lại, để doanh nghiệp cũng được ổn định”, đại diện nhà xe bày tỏ.
Giá xăng dầu tăng cao liên tục đang ảnh hưởng đến nhiều chi phí hoạt động khác của các nhà xe. Hầu hết các nhà xe đều đứng trước nguy cơ thu không đủ chi sau khi trừ các chi phí cầu đường, ăn uống, bến bãi, xăng dầu.
Nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách vì thế đang rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, bởi nếu tăng giá vé để chạy đua với giá xăng thì càng mất khách, còn giữ mức giá cũ thì lỗ nặng.
Kim Ngân
Nguồn tin: https://giadinhonline.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn