Một số doanh nghiệp bảo hiểm làm ăn ra sao sau 6 tháng?

Thứ năm - 14/07/2022 01:04
BMI và PGI là những doanh nghiệp bảo hiểm đầu tiên hé lộ kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022.

Theo đó, Tổng công ty bảo hiểm Bảo Minh (HoSE: BMI) ước tính doanh thu phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm 6 tháng đầu năm tăng 14,5% so với cùng kỳ, đạt 2.832,2 tỷ đồng.

Tuy nhiên, doanh thu đầu tư trong kỳ chỉ đạt 122,3 tỷ đồng, doanh thu cho thuê nhà bất động sản đạt 6,16 tỷ đồng, giảm lần lượt 11,3% và 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả, 6 tháng đầu năm, Bảo Minh ước tính thu về 171,4 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 14,6% và hoàn thành 50,4% kế hoạch đề ra. Trong đó, riêng quý 2, doanh nghiệp ghi nhận cả doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh, với mức tăng 85,5% và 33% so với quý 2/2021.


Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm bị ảnh hưởng bởi thị trường chứng khoán

Tính chung 6 tháng đầu năm, Tổng công ty bảo hiểm Petrolimex (Pjico, HoSE: PGI) ước doanh thu 1.877,6 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ 2021 và hoàn thành 51% kế hoạch HĐQT giao. Trong đó, doanh thu bảo hiểm xe cơ giới đạt 754,5 tỷ đồng, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu nghiệp vụ Hàng hải là 388,1 tỷ đồng, tăng 36,7%. Ngoài ra, nghiệp vụ cháy nổ, tài sản, hỗn hợp và hàng không ghi nhận doanh thu 511,7 tỷ đồng, tăng 16,6% so với cùng kỳ 2021.

Tuy doanh thu tăng, Pjico chỉ thu về 150,7 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 25,3% so với cùng kỳ, đạt 60,3% kế hoạch cả năm.

Trước đó, SSI Research từng dự báo kết quả lợi nhuận quý 2/2022 của hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm sẽ suy giảm. Theo phân tích của các chuyên gia, mặc dù lãi suất tăng nhưng tỷ lệ bồi thường tại các công ty bảo hiểm sẽ quay lại mức bình thường và lợi nhuận từ đầu tư cổ phiếu sẽ không còn thuận lợi như 2021.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán sụt giảm so với đầu năm, các doanh nghiệp bảo hiểm có thể sẽ phải trích lập dự phòng cho các khoản đầu tư cổ phiếu làm ảnh hưởng đến lợi nhuận ròng.

Thực tế, hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm đều có đầu tư cổ phiếu. Năm 2021, đầu tư cổ phiếu chiếm từ 2% - 9% tổng danh mục đầu tư và chiếm 10% - 46% lợi nhuận đầu tư của các công ty bảo hiểm niêm yết trên sàn chứng khoán.

Năm 2022, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm cho thấy sự thận trọng với kế hoạch lợi nhuận năm, xuất phát từ chính các yếu tố mà SSI Research đã nhận định. Ví dụ, Tổng CTCP bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC) đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến giảm 13,4% so với năm 2021. Với Tổng CTCP bảo hiểm Bưu điện (PTI), mức giảm lợi nhuận trước thuế theo kế hoạch sẽ giảm 20,9%, đạt 260 tỷ đồng. Hoặc với Tổng CTCP bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI), lợi nhuận trước và sau thuế dự kiến giảm lần lượt 17,26% và 11,25% so với năm 2021, đạt 911 tỷ đồng và 773 tỷ đồng.

Ngược lại, một số doanh nghiệp vẫn khá lạc quan với tăng trưởng lợi nhuận, như bảo hiểm Quân đội (MIC) lên kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận tối thiểu 35%, còn bảo hiểm Hàng không (VNI) muốn đạt mức lợi nhuận sau thuế gấp 4 lần so với 2021.
 

Kim Ngân

Nguồn tin: https://giadinhonline.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây