Giá dầu lao dốc: Các gia đình thắt chặt chi tiêu?

Thứ sáu - 15/07/2022 00:42
Suy thoái kinh tế, lạm phát và dự báo thiếu hụt nguồn cung trong năm 2023 đã tạo ra sức ép đáng kể khiến giá dầu trên thị trường thế giới liên tục dao động.

Market Insider nhận định, việc giá dầu trượt dốc xuất phát từ áp lực cả phía cung và cầu trong thời gian gần đây.

Tại Trung Quốc, sự bùng phát trở lại của dịch Covid–19 đã khiến quốc gia này áp đặt các lệnh hạn chế ở ít nhất 6 thành phố, khiến nhu cầu về dầu suy giảm.

Trong khi đó, những lo ngại về suy thoái kinh tế tại Mỹ và châu Âu đang gia tăng khi cả 2 khu vực phải chịu lạm phát tăng vọt và mức lãi suất cao.

Theo James Knightley, Trưởng nhóm chuyên gia kinh tế quốc tế tại ING Financial Markets, cho biết đã có những dấu hiệu “dự kiến” về sự chậm lại của nền kinh tế Mỹ. Ông chỉ ra rằng, niềm tin của người tiêu dùng giảm sút và các công ty gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tuyển dụng nhân sự. Knightley cũng nói thêm rằng thậm chí ngay cả một cuộc suy thoái nhẹ cũng có thể “bóp nghẹt” sức chi tiêu.


Giá dầu dao động đã ảnh hưởng lớn đến các nền kinh tế, chi tiêu của người dân. (Ảnh: VTV.VN)

Tại châu Âu, các nhà phân tích tại ngân hàng Commerzbank nhận định, sự kết hợp giữa giá năng lượng cao và lãi suất tăng đang làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhu cầu dầu mỏ.

Bên cạnh đó, việc đồng USD tăng mạnh và giá đồng Euro giảm về mức ngang bằng USD được coi là một làn gió ngược đối với giá hàng hóa, khiến chúng trở nên đắt đỏ hơn đối với các quốc gia sử dụng các loại tiền tệ khác. Giá hàng hóa cao hơn và gián đoạn chuỗi cung ứng đang làm lạm phát thêm trầm trọng và bất ổn kinh tế gia tăng.

Mới đây, Quỹ tiền tệ quốc tế IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ còn 2,3% so với mức dự báo 2,9% và cắt giảm triển vọng năm 2023 của nước này xuống còn 1% so với ước tính 1,7% trước đó. IMF cảnh báo, mức lạm phát ước tính 8,8% trong tháng 6 của nước này sẽ gây ra “rủi ro hệ thống” cho nền kinh tế Mỹ và toàn cầu.

Những tín hiệu tiêu cực này góp phần đẩy triển vọng kinh tế toàn cầu đứng trước những bất an về suy thoái, bên cạnh xung đột Nga–Ukraine và đại dịch Covid–19. Ngân hàng Thế giới chốt dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 chỉ ở mức 2,9%, trong khi IMF dự báo tăng 3,6%. Tuy nhiên, các mức tăng trưởng này đều thấp hơn so với dự báo đã được công bố từ trước.

Một trong những lý do thúc đẩy giá dầu thô giảm khi OPEC cho biết, dự kiến nhu cầu dầu sẽ vượt cung khoảng 1 triệu thùng/ngày vào năm 2023 trong báo cáo triển vọng hàng tháng.

OPEC giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới ở mức 3,4 triệu thùng/ngày vào năm 2022, với tổng nhu cầu dự kiến đạt trung bình 100,3 triệu thùng/ngày. Trong dự báo cho năm 2023, OPEC cho biết tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới sẽ chậm lại, chỉ tăng 2,7 triệu thùng/ngày so với năm 2022.

Nhu cầu dầu thế giới dự kiến sẽ vượt quá mức trước đại dịch, nhưng chiến tranh Nga-Ukraine, những diễn biến liên quan đến đại dịch và áp lực lạm phát và việc không chú trọng đầu tư vào ngành năng lượng đều góp phần vào sự biến động giá dầu. Chẳng hạn, nguồn cung dầu mỏ từ Ả Rập Xê Út đã thấp dưới hạn ngạch của OPEC dù giá đạt gần kỷ lục.

“Ước tính công suất dự phòng liên tục giảm trong những tháng gần đây do OPEC + đã hoàn thành vượt mức các mục tiêu sản lượng của chính họ, bất chấp lời kêu gọi từ chính quyền Biden nhằm tăng nguồn cung để chống lại xăng tăng cao,” Tyler Richey, biên tập viên tại Sevens Report Research bình luận.

Bất chấp lo ngại về suy thoái kinh tế, một số cơ quan quản lý năng lượng đồng ý rằng tình trạng thắt chặt nguồn cung sẽ trở nên tồi tệ hơn. Giám đốc điều hành của IEA, Fatih Birol cho biết các quốc gia “có thể đã không chứng kiến điều tồi tệ nhất” của cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu trong khi dự báo của OPEC vào năm 2023 không cho thấy sự giảm bớt căng thẳng của thị trường. Hạn chế về nguồn cung, Mỹ đã hạ dự báo tăng trưởng sản lượng dầu đến năm 2023 với lý do lạm phát và thiếu lao động.

"Dầu thô Brent đã có những biên độ lên xuống trong ba trên sáu phiên giao dịch vừa qua, cho thấy thị trường giao dịch ngắn hạn diễn biến bất thường như thế nào... Có thể xảy ra nhiều đợt giảm giá hơn, điều này cũng dễ dàng như một đợt tăng mạnh", Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Oanda cho biết.

Bùi Tam

Nguồn tin: https://giadinhonline.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây