Nhóm năng lượng điện
Giới chuyên gia nhận định, nhóm doanh nghiệp thuộc ngành nghề phòng thủ sẽ có sự tăng trưởng vượt trội. 5 tháng đầu năm, sản lượng tiêu thụ điện trong nước đã tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, đầu tàu tăng trưởng là năng lượng gió với sản lượng tăng 480% trong tháng 5 và 382% trong 5 tháng. Huy động nhóm thủy điện cũng cải thiện 48% trong tháng 5 và 27% trong 5 tháng.
Nhóm dầu khí
Cũng thuộc ngành nghề phòng thủ, nhóm dầu khí dự kiến sẽ tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong 6 tháng cuối năm.
Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) đánh giá, nguồn cung thiếu hụt từ Nga là nhân tố chính tạo áp lực tăng giá dầu thô thế giới ở hiện tại. Giá dầu tăng mạnh là một cơ hội với nhóm cổ phiếu này, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp dịch vụ, phân phối và chế biến dầu khí.
Trong nửa cuối năm, giá dầu được dự báo sẽ tiếp tục leo cao, có thể đạt trung bình 107 USD/thùng, trong bối cảnh nguồn cung từ OPEC+ không đủ để bù đắp phần thiếu hụt từ cuộc chiến Nga – Ukraine.
Nhóm bán lẻ
Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Chứng khoán VNDirect, cho rằng đây là nhóm ngành được hưởng lợi từ việc nền kinh tế bình thường trở lại sau đại dịch, có tăng trưởng mạnh và kỳ vọng duy trì đến cuối năm.
Theo phân tích của Mirae Asset Việt Nam, trong nửa đầu năm 2022, tổng doanh thu bán lẻ đạt xấp xỉ 2.174 tỷ đồng (tăng 11,4% so với cùng kỳ), trong đó, quý II/2022 đạt 1.112 tỷ đồng (tăng 17,3%). Tác động của lạm phát đối với doanh thu bán lẻ nói chung vẫn chưa đáng kể vì mức độ tăng giá các mặt hàng thiết yếu (có tỷ trọng lớn trong rổ tính chỉ số CPI) là chưa lớn.
Nhóm thủy sản
Lợi nhuận sau thuế 2022 của nhóm doanh nghiệp thuỷ sản được dự báo bứt phá, với mức tăng trưởng 123% so với năm 2021. Tuy nhiên, FiinGroup nhận định, giá cổ phiếu thuỷ sản đã hấp thụ câu chuyện lợi nhuận đột phá.
Thời gian tới, một số yếu tố bất lợi cần lưu ý bao gồm: Xuất khẩu tôm/cá thịt trắng vào Mỹ có thể chững lại do nhu cầu hạ nhiệt và tồn kho tăng; giá xuất khẩu dự kiến giảm do nguồn cung từ các nước khác như Ấn Độ, Indonesia, Ecuador tăng lên (đối với tôm) và dư thừa cung nguyên liệu trong nước trong 3-4 tháng tới (đối với cá tra).
Nhóm cảng biển
Trong nửa đầu năm, khối lượng thông quan cảng biển ước đạt 371 triệu tấn, tăng 1,8% so với cùng kỳ. Khối lượng container thông quan ước đạt 12,8 triệu TEU, tăng 0,5%. Hoạt động thông quan container duy trì mức tăng trưởng dương. Trong nửa đầu năm 2022, tổng giá trị xuất nhập khẩu ước đạt 371 tỷ USD, tăng 16,8%.
Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) đánh giá, kết quả kinh doanh của phần lớn các doanh nghiệp cảng biển sẽ duy trì tích cực trong năm nay nhờ tăng trưởng sản lượng từ các cảng mới và cải thiện hiệu suất hoạt động tại các cảng hiện hữu.
Nhóm dệt may
Trong tháng 6 và 6 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam ước đạt 3,65 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ và 18,7 tỷ USD, tăng 21,6%.
Do sự dịch chuyển đơn đặt hàng hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam, hầu hết công ty sản xuất hàng may mặc trong nước cho biết đã kín đơn hàng đến quý III/2022, thậm chí, có doanh nghiệp đã ký đơn hàng đến quý IV/2022. Đây cũng là tín hiệu tốt cho thấy triển vọng tăng trưởng của nhóm ngành này trong năm 2022.
Tuy nhiên, chi phí gia tăng khiến biên lợi nhuận giảm, đi cùng với định giá cổ phiếu không còn thấp, do vậy nhà đầu tư cần thận trọng khi đầu tư nhóm ngành này.
Nhóm ngân hàng
Trong 6 tháng đầu năm 2022, tín dụng đã tăng trưởng mạnh mẽ cùng với đà phục hồi của nền kinh tế, đồng thời lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát. Các ngân hàng thương mại có thể sẽ được cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm nay, nhất là khi áp lực lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt.
Vì vậy, Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, cổ phiếu ngân hàng là một trong những nhóm cổ phiếu tiềm năng cao trong nửa cuối năm 2022, đặc biệt là nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân.
Đồng quan điểm, chuyên gia phân tích VNDirect cũng cho rằng, ngân hàng sẽ được hưởng lợi trong môi trường lãi suất nhích lên.
Nhóm bất động sản
Xét về dài hạn, thị trường bất động sản vẫn có nhiều dư địa tăng trưởng nhờ quá trình đô thị hóa nhanh (bất động sản nhà ở) và làn sóng đầu tư FDI vào Việt Nam (bất động sản khu công nghiệp). Đối với lĩnh vực bất động sản công nghiệp, Bình Dương và Long An là 2 điểm sáng với các dự án thu hút sự quan tâm lớn của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp.
Với giai đoạn nửa cuối năm 2022, VCBS khuyến nghị, nhà đầu tư nên ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp bất động sản đang ở chu kỳ bán hàng chứ không phải ở giai đoạn triển khai dự án.
Bùi Tam
Nguồn tin: https://giadinhonline.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn