Những ngân hàng nào sẽ được nới room tín dụng?

Thứ sáu - 01/07/2022 06:37
VCBS đánh giá, các ngân hàng có hệ số CAR cao và mô hình quản trị rủi ro tốt như MBB, VCB, TCB, VPB, ACB, TPB, MSB,.. sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao hơn trung bình ngành trong dài hạn.

Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) vừa có báo cáo phân tích về ngành ngân hàng. Theo đó, tín dụng toàn hệ thống ghi nhận mức tăng trưởng 8,04% tính tới thời điểm cuối tháng 5, cao hơn đáng kể so với mức tăng trưởng 4,67% cùng kỳ năm 2021 nhờ nhu cầu vốn tăng cao sau dịch bệnh. Nhu cầu tín dụng hiện tại ở mức tích cực và kỳ vọng đạt 14% cho cả năm 2022.

Cũng theo VCBS, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang xem xét nới room tăng trưởng tín dụng cho nhiều ngân hàng: Do room tín dụng cấp đầu năm ở mức tương đối thấp, nhiều ngân hàng đã chạm hạn mức tín dụng ban đầu ngay từ cuối Q1 và đang chờ được NHNN nới room. VCBS kỳ vọng các ngân hàng này sẽ được cấp bổ sung room tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn đầu quý III năm 2022.

Các tiêu chí xét duyệt tín dụng có thể kể đến, như mức độ dồi dào VCSH (hệ số CAR), năng lực quản trị rủi ro (thể hiện qua việc tuân thủ các chuẩn mực Basel II, Basel III, IFRS 9,…), mức độ hỗ trợ NHNN thực hiện nhiệm vụ chính trị xã hội (miễn giảm lãi suất và phí, cơ cấu lại các TCTD,…).


Việc nới room tín dụng được nhiều ngân hàng kỳ vọng trong thời gian tới. (Ảnh: Thanhnien.vn)

VCBS đánh giá, các ngân hàng có hệ số CAR cao và mô hình quản trị rủi ro tốt như MBB, VCB, TCB, VPB, ACB, TPB, MSB,.. sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao hơn trung bình ngành trong dài hạn. Trong thời gian tới, các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc TCTD yếu kém (MBB và VCB) sẽ có lợi thế về tăng trưởng tín dụng so với các ngân hàng khác.

Ở chiều ngược lại, các ngân hàng trong diện cảnh báo có tỷ trọng cho vay các lĩnh vực rủi ro như đầu cơ bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… có thể bị hạn chế room tăng trưởng tín dụng ở mức vừa phải hơn để bảo đảm hạn chế rủi ro hệ thống.

Về triển vọng của ngành ngân hàng trong thời gian tới, VCBS cho rằng, nhu cầu tín dụng duy trì tích cực, tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt 14 – 16% năm 2022, được hỗ trợ bởi nền kinh tế hồi phục sau dịch bệnh, và tiếp đó gói hỗ trợ lãi suất 2% tương ứng với dư nợ khoảng 2 triệu tỷ đồng phân bổ trong 2022 và 2023.

NIM có thể đi ngang hoặc điều chỉnh giảm nhẹ trong 2022 do lãi suất huy động chịu áp lực tăng và CASA tăng chậm lại. Các yếu tố hỗ trợ NIM có thể kể đến như dư nợ bán lẻ và hoạt động tài chính tiêu dùng tăng trưởng tốt; lãi dự thu phục hồi sau thời gian hỗ trợ; tỷ lệ LDR và tỷ lệ cho vay trung dài hạn của ngành vẫn ở mức thấp.

Cũng theo VCBS, tình hình nợ xấu và nợ tái cơ cấu cải thiện nhờ sự phục hồi của nền kinh tế. Nợ xấu dự báo sẽ tăng lên khi Thông tư 14 hết hiệu lực vào cuối tháng 6/2022. Tuy nhiên, áp lực dự phòng được giảm thiểu khi các ngân hàng đã tăng cường bộ đệm dự phòng đối với các khoản nợ tái cơ cấu lên cao hơn mức quy định 30% trong bối cảnh nguồn thu nhập dồi dào.

Với các yếu tố này, VCBS duy trì dự báo tích cực đối với lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng trong năm 2022. Tuy nhiên, mức độ tích cực sẽ giảm dần trong nửa cuối năm 2022 và năm 2023, đặc biệt trong năm 2023 sẽ có sự phân hóa rõ rệt về triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng.

“Chúng tôi đánh giá triển vọng đầu tư cổ phiếu ngành ngân hàng đang ở mức phù hợp thị trường, với mức định giá xấp xỉ mức trung bình 5 năm. Các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt và tốc độ tăng trưởng vượt trội so với ngành sẽ vẫn nằm trong nhóm có thể xem xét đầu tư trong dài hạn, bao gồm: MBB, VPB, BID, VCB, TCB, ACB, MSB, STB”, báo cáo của VCBS cho hay.

Kim Ngân

Nguồn tin: https://giadinhonline.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây