Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam, Báo Điện tử Chính phủ có cuộc trao đổi với ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT – một doanh nghiệp đi lên từ nguồn vốn là tinh thần sáng tạo, tiên phong và khát vọng.
35 năm sau, FPT trở thành một trong những doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam và trở thành tập đoàn toàn cầu khi có chi nhánh, văn phòng tại 29 quốc gia với gần 70.000 nhân sự, hoạt động trong 3 lĩnh vực công nghệ, viễn thông, giáo dục. Đặc biệt, trong năm 2022, FPT đã vượt mốc 1 tỷ USD doanh thu ký mới từ thị trường nước ngoài.
Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, ông có thể gửi thông điệp gì đến cộng đồng doanh nhân Việt trong bối cảnh hiện nay?
Ông Trương Gia Bình: Tôi rất thông cảm với các doanh nghiệp, hiện tại đang là thời điểm khó nhất. Chưa bao giờ các bạn khó như hôm nay. Nhưng chúng ta chảy cùng dòng máu Việt Nam, dòng máu kiên cường, bất khuất. Chúng ta sẽ đồng hành cùng Chính phủ vượt mọi khó khăn.
Đầu tiên, chúng ta phải vượt qua chính mình với bàn tay khối óc của chính mình. Chúng ta sẽ đứng dậy, tiến bước và tăng tốc. Mọi việc rồi sẽ ngày càng tốt, chúng ta sẽ càng có nhiều cơ hội. Chúng ta có quá nhiều điều kiện và chúng ta chỉ cần vượt qua giai đoạn thử thách này thì chúng ta sẽ đến với cơ hội rất lớn.
Tôi chúc các bạn nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam, hãy giữ cảm xúc, đoàn kết, gắn bó, yêu thương. Chúng ta sẽ giữ lấy nụ cười trên môi và trong lòng luôn giữ một tinh thần sắt đá để vươn lên, để lập những chiến công cho chính các bạn, cho doanh nghiệp các bạn và cho đất
Thưa ông, hiện nay Chính phủ đang thúc đẩy rốt ráo lĩnh vực công nghệ thông tin, tạo điều kiện cho doanh nghiệp công nghệ thông tin phát triển. Là một doanh nghiệp đi lên từ nguồn vốn từ tinh thần tiên phong, khát vọng lớn để trở thành doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về công nghệ, vậy theo ông, các doanh nghiệp hiện nay cần làm gì để tận dụng cơ hội này, để bứt phá hơn nữa trong lĩnh vực chuyển đổi số quốc gia?
Ông Trương Gia Bình: Tôi may mắn được đi cùng đoàn của Thủ tướng Chính phủ sang thăm nhiều quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số trên thế giới. Trong đó, tôi ấn tượng nhất là Estonia, một nước rất nghèo, không có tài nguyên, không có nền kinh tế nên Thủ tướng đầu tiên của nước này đã chọn công nghệ thông tin làm điểm tựa. Đến hôm nay, nguyên Thủ tướng Đức, Tổng thống Mathun, đăng ký là công dân nước đó. Từ số không, họ đã vươn lên thành nền kinh tế hiện đại để các nước khác noi theo. Đó cũng là tấm gương cổ vũ cộng đồng doanh nghiệp Việt.
Chúng ta sẽ định vị mình với thế giới như thế nào? Câu trả lời vẫn là khoa học, công nghệ, chuyển đổi số.
Chính phủ đưa ra chương trình chính phủ số, kinh tế số, xã hội số là chính sách rất đúng đắn, chuẩn xác. Nó sẽ làm người dân Việt Nam hạnh phúc hơn, làm các doanh nghiệp tăng trưởng cao hơn và làm cho Chính phủ quản lý hiệu quả hơn.
Các thành tựu trong những năm gần đây ở nước ta vô cùng ấn tượng, điển hình là Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Tôi nghĩ hiếm một quốc gia nào trên thế giới làm với tốc độ như chúng ta.
Việc này mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp, khi tất cả chúng ta đều tương tác bằng số thì chúng ta có rất nhiều dữ liệu, có thể tiến hành tự động hóa nhanh hơn.
Tôi hy vọng Việt Nam là nước đi sau những sẽ rất dễ có cơ hội về trước.
Để nắm bắt được cơ hội như ông vừa chia sẻ, cộng đồng doanh nghiệp Việt cần phải chuẩn bị những gì, thưa ông?
Ông Trương Gia Bình: Đây là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Những cuộc cách mạng sẽ đổi đời các dân tộc, sẽ thay đổi nhân loại. Đấy là cơ hội của thời gian. Chúng ta phải nắm bắt cơ hội, trong đó quan trọng nhất là nhận thức. Nhận thức của lãnh đạo, doanh nghiệp và người dân. Chúng ta hãy bắt đầu từ những thành công rất cụ thể thì sức lan tỏa sẽ vô cùng nhanh.
Có ý kiến cho rằng, thúc đẩy kinh tế số, chuyển đổi số và công nghệ thông tin nói chung thì vai trò của con người, nguồn nhân lực là tiên quyết. FPT luôn chú trọng đào tạo và học tập. Vậy ông có thể chia sẻ thêm về kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực trong tương lai của FPT?
Ông Trương Gia Bình: 20 năm trước, chúng tôi quyết định đi ra nước ngoài bằng trí tuệ Việt Nam. Chúng tôi "mở rộng bờ cõi trí tuệ" của đất nước. Khi đó chúng tôi chẳng có gì. Chúng tôi không có người, chưa có kiến thức mà chỉ có một khát vọng.
Đầu tiên năm 1999, chúng tôi mở Trung tâm Lập trình viên quốc tế Apptech ở Sài Gòn và Hà Nội. Hôm nay, nhiều bạn học Aptech thời đó, giờ đã trở thành lãnh đạo doanh nghiệp, ký hợp đồng trăm triệu USD cho Việt Nam. Và suốt nhiều năm vừa qua, nhà nước đã rất nỗ lực tăng cường đào tạo ngành công nghệ thông tin nhưng chưa bao giờ đủ vì nhu cầu phát triển luôn cao hơn thực tiễn. Chúng ta đã tăng trưởng đến quy mô 1 triệu người làm công nghệ thông tin nhưng vẫn chưa đủ.
Mỹ quyết định hợp tác với Việt Nam để làm chip. Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu về vi mạch và bán dẫn.
Hiện tại, chúng tôi có mời những tiến sĩ đang giảng dạy trong các trường đại học ở Nhật Bản về Việt Nam, chúng tôi cũng muốn mời Việt kiều Mỹ về Việt Nam và mong muốn mời những giáo sư, tiến sĩ giỏi đang ở Việt Nam tham gia giảng dạy, đào tạo nhân lực. Mục tiêu đào tạo này không chỉ tập trung nhu cầu vi mạch bán dẫn, không chỉ đào tạo nhân lực cho các công ty Việt Nam đang sản xuất vi mạch, không chỉ đầu tư nước ngoài liên quan vi mạch mà chúng tôi quyết định đầu tư vào giáo dục đào tạo để cung ứng người cho thế giới.
Như ông vừa chia sẻ, chúng ta có rất nhiều cơ hội. FPT cũng đã chuẩn bị những kế hoạch và hành động để tiếp tục mở rộng bờ cõi trí tuệ của FPT trên bờ cõi thế giới. Vậy FPT có đề xuất, kiến nghị gì với Chính phủ về cơ chế chính sách để FPT tiếp tục làm tốt việc của mình, thưa ông?
Ông Trương Gia Bình: Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới từng nói: Trên cái áo của chúng ta có số lượng vi mạch, con chip lớn hơn số lượng con chip chúng ta đã dùng suốt đời mình. Thế giới sẽ trở nên thông minh hơn và thông minh hơn nữa nhờ con chip.
Các quốc gia đã chào mời như thế nào các tập đoàn làm chip đến quốc gia của họ. Thứ nhất, nguyên thủ quốc gia của họ trực tiếp đi mời. Thứ hai, họ bỏ tiền tài trợ cho đầu tư.
Tôi nghĩ rằng, trước tiên chúng ta hãy mời bằng trái tim mình. Thực lòng chúng ta mong muốn họ đến. Chúng ta sẽ giúp đỡ họ trong mọi phương diện. Nếu chúng ta có một trái tim, khát vọng thì sẽ chào mời bằng cách tạo môi trường khuyến khích nhất. Đấy là thể hiện mong muốn của chúng ta.
Mình khát vọng thì phải chứng minh rằng mình cũng đồng hành với bạn. Bạn không chỉ cần đất, nước, điện mà bạn cần cả nguồn nhân lực. Điều này nhiều quốc gia không làm được.
Với Việt Nam, bằng trái tim, ưu đãi và nguồn nhân lực – chính là 3 lời mời của chúng ta đối với tất cả ngành công nghiệp chip trên thế giới. Tôi tin rằng, nếu chúng ta làm và làm quyết liệt thì sẽ trở thành một trong những quốc gia hiện đại nhất.
Ông đánh giá như thế nào về sự đồng hành của Chính phủ cũng như cơ quan chức năng với cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nhân nói riêng thời gian vừa qua?
Ông Trương Gia Bình: Sự kiện Chính phủ quyết định lấy ngày 13/10 hàng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam, thể hiện sự tôn trọng, tình cảm dành cho cộng đồng doanh nghiệp. Trong cuộc gặp gỡ Thủ tướng Chính phủ ngày 11/10 vừa rồi, tôi và cộng đồng doanh nghiệp đã cảm ơn Chính phủ, Đảng, Nhà nước… để chúng tôi có 50 năm hòa bình, có kế sinh nhai, từ nghèo khó đến phát triển, đến vươn tầm thế giới. Tất cả đều có sự đồng hành của Chính phủ.
Chúng ta có rất nhiều khó khăn và ở đâu cũng gặp khó khăn. Khi đó, Chính phủ muốn tháo gỡ để giúp doanh nghiệp thành công. Đó là tinh thần xuyên suốt trong bao nhiêu năm qua, nhất là sau đổi mới của nước ta.
Đặc biệt, trong thời kỳ đại dịch COVID-19, chúng ta gặp muôn vàn khó khăn chồng khó khăn, đơn hàng không có, người mắc bệnh, giãn cách xã hội, công ăn việc làm càng khó khăn, nhưng Việt Nam đã tỏa sáng là một trong những quốc gia tăng trưởng với tốc độ cao, làm cả thế giới ngạc nhiên. Đó là lòng biết ơn của chúng tôi với Chính phủ.
Cột mốc 1 tỷ USD doanh số xuất khẩu phần mềm là mốc son một công ty có thể làm được. Nếu 100 công ty cũng làm được thì sao? Đó là cơ hội rất lớn cho đất nước. Chúng ta là một đất nước nông nghiệp và đã vươn ra thế giới bằng trí tuệ Việt Nam. Ngay cả nông nghiệp Việt Nam cũng có hàm lượng trí tuệ trong đó. Đấy là sản xuất thông minh, hữu cơ, trình độ cao.
Chúng ta có thể tự hào với thế giới, ngoài việc Việt Nam đứng đầu một số ngành xuất khẩu như: gạo, hồ tiêu, cà phê… thì Việt Nam còn đứng thứ hai sau Ấn Độ về xuất khẩu phần mềm.
Và chúng ta sẽ có thể sánh vai với các cường quốc năm châu ở lĩnh vực này. Đấy là điều thực sự chúng tôi – cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam biết ơn Chính phủ.
FPT luôn tiên phong, là cánh chim đầu đàn trong cộng đồng công nghệ với những thành quả tích cực. Đồng thời, các hoạt động an sinh xã hội cũng được Tập đoàn luôn quan tâm và triển khai bằng cả trái tim với mong muốn chấp cánh khát vọng cho cộng đồng người Việt. Xin ông chia sẻ thêm về những hoạt động này của FPT?
Ông Trương Gia Bình: Chúng tôi đã sống qua thời kỳ gian khó, được nhà nước cho đi ăn học. Ngay từ ngày đầu thành lập, chúng tôi đã viết trong tầm nhìn của mình: FPT mong muốn bằng nỗ lực trong sáng tạo, bằng khoa học công nghệ để góp phần hưng thịnh quốc gia. Tức là một trong những mục tiêu hàng đầu là góp phần hưng thịnh đất nước để ngày nào đó như Bác Hồ mong muốn là sánh vai với cường quốc năm châu. Vì vậy, thành công của FPT luôn gắn liền với những hoạt động biết ơn đối với đất nước, đối với người dân từ rất sớm.
Khi đại dịch COVID-19 xảy ra, chúng tôi không chần chừ khi quyết định chi 20 tỷ đồng tiền mặt để hỗ trợ các "chiến sĩ áo trắng" trên tuyến đầu chống dịch căng thẳng nhất.
Khi nghe thông tin có hàng nghìn trẻ mồ côi do COVID-19, chúng tôi cũng đã quyết định nuôi dạy 1000 em đến tuổi trưởng thành, học đến tiến sĩ. Trong năm học niên khóa 2023-2024 này, đã có 400 em theo học tại Trường Hy Vọng. Có nhiều em không ngủ, hy vọng trong đêm tối bố mẹ sẽ về thăm. Tuy nhiên, rất phấn khởi, các em đã từng bước vượt qua đau thương của chính mình.
Ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trẻ em đi lại qua cầu khỉ rất nguy hiểm, chúng tôi đã quyết định xây cầu để các em đi an toàn hơn. Hiện nay, chúng tôi đã xây dựng 330 cây cầu và liên tục xây cầu để các em đi lại an toàn hơn. Đồng thời, bà con cũng có thể đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi hơn.
Chúng tôi cũng đã xây những ngôi trường mới. Trong 35 năm qua, chúng tôi đã vận động các cuộc chạy để hỗ trợ tiền xây dựng trường cho các em học sinh.
Trân trọng cảm ơn ông!
Hiền Minh (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn