Nhớ hương mùi già ngày Tết

Thứ ba - 17/01/2023 21:31
“Sáng mùng 1 Tết, khi cả nhà thức giấc, vẫn thấy thơm ngát mùi nước lá mùi vương vất khắp nhà. Mẹ tôi nói, ngoài việc dùng để nấu nước tắm, nên rửa mặt để lấy may, đón những điều tốt đẹp. Những ngày đầu năm rét buốt, ngửi mùi thơm ngan ngát của mùi già tỏa ra đã thấy tinh thần tỉnh táo, sảng khoái đến lạ thường”, chị Nguyễn Kim Dung (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết.

Với nhiều người, Tết không phải chỉ là khoảng thời gian quây quần, sum họp với gia đình mà còn là lúc để thưởng thức hương vị Tết. Một trong những hương vị mà cho đến nay vẫn là tiềm thức, là nỗi nhớ của nhiều thế hệ, đó chính là hương mùi già ngày Tết. Nước lá mùi không ngào ngạt, không quá ngát, mà nhẹ nhàng lan tỏa, vảng vất, quấn quýt chảy vào không gian, đánh thức cảm xúc của con người ta, làm người ta thấy nhớ…

Người ở miền Bắc không để mùi già ăn, mà để nấu nước tắm, rửa mặt, xông người. Có người nói tắm lá mùi già vào ngày tất niên để thân thể sạch sẽ mà nghênh đón Xuân sang. Cũng có nơi, ngay ngày đầu năm mới, vừa mở mắt ra là y như rằng người ta phải lập tức lo ngay một nồi nước rau mùi cho già trẻ lớn bé trong gia đình rửa mặt, rửa tay… để có cơ hội tiếp nhận thêm nguồn năng lượng dồi dào giúp họ bổ sung thêm niềm khát vọng vươn tới những ước mơ, hoài bão của một năm mới, mùa Xuân mới.

Ảnh minh họa

Thế nào đi nữa, tắm lá mùi vẫn là một phong tục đẹp, rất riêng của người miền Bắc mỗi độ Xuân về. Bó mùi già mang về được người ta rửa sạch, cho nguyên cả bó vào nồi nước lớn, bắc lên bếp, để rồi từ lúc trong nồi nhả khói tới khi nước sôi sùng sục, mùi thơm cảm giác như đã bay khắp nhà. Vừa nấu xôi, cắm hoa, bóc bánh chưng làm cỗ vừa hít hà mùi thơm ấy chẳng gì dễ chịu bằng.

Hiện nay, cuộc sống đã có nhiều thay đổi, cách đón Tết cũng giản đơn đi nhiều, nhưng phong tục tắm tất niên bằng nước lá mùi vẫn được giữ gìn. Một năm chỉ có một lần vào những ngày cuối năm, người ta lại được đắm mình trong hương thơm rất riêng của lá mùi già. Hương mùi già chỉ thoảng trong ngày Tết thôi, nhưng cho người ta nhớ mãi, mùi ấy chính là mùi của quê hương, mùi của Tết… Mùi hương ấy không thể phôi pha dẫu năm tháng có thể xóa nhòa cả một thời tuổi trẻ. Mùi hương ấy ăn sâu vào tâm thức con người.

Ảnh minh họa

Và một mùa xuân nữa lại về, những ngày cuối năm, phố phường Hà Nội lại xuất hiện những gánh mùi già với hương thơm đầy lưu luyến. Những chiếc xe đạp cũ mèm, hoen gỉ chở phía sau những bó mùi sậm xanh, có hoa trắng muốt hoặc quả li ti đi ngang qua phố, cồng kềnh, nhưng lại nhẹ tênh. Những mớ mùi già mỏng xíu, buộc hờ bằng mấy cọng rơm, theo những chiếc xe cọc cạnh len lỏi trong chộn rộn phố phường, tỏa thứ hương ngọt dịu, quyến luyến.

Thảo Nhi

Nguồn tin: https://giadinhonline.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây