Thanh toán không dùng tiền mặt: 5 trở ngại khó khắc phục ở khu vực nông thôn

Thứ năm - 15/12/2022 03:53
Tại Việt Nam, thanh toán không dùng tiền mặt từng bước được người dân lựa chọn thay cho hình thức chi trả truyền thống. Song vẫn còn bất cập và hạn chế, nhất là với những vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.

5 thách thức trong triển khai thanh toán không dùng tiền mặt

Chia sẻ tại Tọa đàm trực tuyến "Giải pháp tăng cường dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 13/12, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN Phạm Anh Tuấn cho biết, dưới sự định hướng của Chính phủ, sự quan tâm của NHNN, các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo đã được quan tâm và đạt được kết quả nhất định.

Cụ thể, tính đến cuối tháng 9/2022, đã có 2,34 triệu tài khoản mobile money, trong đó có 1,62 triệu tài khoản mở ở khu vực nông thôn, hải đảo, chiếm 69,23%. Hiện 3 đơn vị được cung cấp thí điểm phát triển kinh doanh mobile money đã thiết lập hơn 82.200 điểm giao dịch kinh doanh. Về tổng số đơn vị chấp nhận thẻ, hiện nay có hơn 14.500 đơn vị chấp nhận thẻ. Đây là lợi thế rất tốt để phục vụ việc thanh toán không dùng tiền mặt. Có khoảng 15 triệu giao dịch mobile money với tổng giá trị gần 950 tỷ đồng.

Các vị khách mời tham gia Tọa đàm trực tuyến "Giải pháp tăng cường dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa"

Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Lý giải tình trạng này, ông Phạm Anh Tuấn đưa ra 5 thách thức đang gặp phải.

Thứ nhất là thói quen, tâm lý sử dụng tiền mặt, tâm lý e ngại khi tiếp nhận công nghệ mới, e ngại về an toàn an ninh khi sử dụng thanh toán trực tuyến.

Thứ hai, mạng lưới chi nhánh và cơ sở hạ tầng thanh toán của các tổ chức cung ứng dịch vụ đa phần tập trung ở khu vực đô thị. Còn ở khu vực nông thôn, mặc dù cũng phát triển, nhưng tốc độ phát triển chưa được như kỳ vọng.

Thứ ba, một số sản phẩm dịch vụ thanh toán không bằng tiền mặt chưa được thiết kế theo hướng hướng tới khách hàng, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng khu vực nông thôn, do đó chưa phát huy được tối đa dịch vụ.

Thứ tư, cơ sở pháp lý cho hoạt động ngân hàng đại lý hiện vẫn đang trong giai đoạn thí điểm. Trong thời gian tới, NHNN sẽ trình các bộ ngành liên quan để trình các nghị định liên quan đến thanh toán không dùng tiền mặt.

Thứ năm là vấn đề về tội phạm công nghệ cao phát triển ngày càng nhiều, dẫn đến tâm lý e ngại sử dụng dịch vụ, đặc biệt đối với những người dân ở nông thôn, khu vực vùng sâu vùng xa do kiến thức công nghệ thông tin còn hạn chế.

Làm gì để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt?

Ông Phạm Anh Tuấn cho biết, đối với khu vực nông thôn, để thúc đẩy các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước đang dự kiến một số nội dung. Trong đó, sẽ tập trung triển khai các giải pháp để đa dạng các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, cụ thể là phát triển các đại lý thanh toán tại vùng sâu, vùng xa.

Với nội dung đại lý thanh toán, dự kiến Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét để tiếp tục gia hạn việc thí điểm, trên cơ sở đó sẽ rà soát, xây dựng cơ sở pháp lý vững chắc cho việc chính thức triển khai.

Từ góc độ đơn vị được NHNN định hướng, chỉ đạo xây dựng hạ tầng thanh toán bán lẻ cho ngân hàng và dần kết nối các đơn vị khác ngoài ngân hàng, ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh toán quốc gia (NAPAS) cho biết, sắp tới NAPAS theo đúng định hướng chuyển đổi Chính phủ số, kinh tế số của Chính phủ là triển khai các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trên kênh thanh toán số.

“Ngoài việc phát triển thanh toán trên mobile, dịch vụ Tap to phone, làm sao để khách hàng sử dụng điện thoại như một phương tiện thanh toán trực tiếp tại các điểm bán hàng, thì NAPAS, dưới sự chỉ đạo của NHNN, tham gia tích cực vào việc triển khai dịch vụ mở tài khoản an sinh xã hội, chuyển tiền thanh toán an sinh cho toàn hệ thống ngân hàng”, ông Long cho biết.

Thanh toán không dùng tiền mặt mang lại nhiều tiện ích (Ảnh minh họa)

Về phía các ngân hàng, ông Đinh Quang Dân, Phó Trưởng Ban Khách hàng cá nhân Agribank kiến nghị về vấn đề pháp lý. Ông Dân mong muốn, NHNN cho phép một cơ chế đưa mô hình đại lý vào, có thể đại lý làm đa nhiệm, hay mô hình mã hoá nhiều tầng, từ đó tạo hệ thống thống nhất để cung cấp sản phẩm tốt nhất cho người dân.

Còn theo ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Chủ tịch Chi hội thẻ Hiệp hội Ngân hàng, kiêm Phó Tổng Giám đốc Sacombank, các đơn vị còn cần cùng nhau số hóa bởi đây là công việc không thể riêng lẻ, từ việc kết nối với NAPAS hay các tổ chức trung gian thanh toán khác, hay những tổ chức thẻ, Mobile Money, các công ty Fintech… để phát triển được ngày càng nhiều điểm thanh toán nhỏ lẻ, khuyến khích người dân sử dụng thanh toán.

Đồng thời, đề nghị có thể xem lại mức phí ưu đãi đối với khu vực vùng nông thôn hoặc miễn giảm thuế, ưu đãi thuế đối với các đại lý chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt. 

Thuý Ngà

Nguồn tin: https://giadinhonline.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây