Là một tập hợp gồm 45 bài phê bình và chuyên luận, “Sự trở lại của sân khấu”: “cập nhật về nghệ thuật sân khấu giai đoạn 5 năm gần đây(2018 – 2023), đã phần nào phản ánh chân thật sinh động cuộc phấn đấu trở lại giầu nghị lực sáng tạo của nền sân khấu nước nhà cùng những bài học đáng giá về sự thành công và cái chưa thành công trong cuộc trở lại “Cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu”(Lời giới thiệu của NXB SK). Cuốn sách có thể tạm chia ra: Viết về các tác giả kịch bản, đạo diễn, diễn viên, nhà quản lý sân khấu giỏi – 21 bài; Viết về kịch bản, đêm diễn, vở diễn – 18 bài; Viết về Hội diễn, các địa phương có thành tựu sân khấu và chuyên luận về thể loại – 6 bài.
Nhìn qua đây, có thể thấy tác giả vẫn luôn quan tâm, bao quát mọi vấn đề của đời sống sân khấu, nói rộng ra là giá trị văn hóa, trong đời sống tinh thần của con người Việt Nam đương đại. Mọi nhận xét đánh giá đã kịp thời, phân định ngay sự đúng sai, tốt xấu, tích cực và tiêu cực, thành tựu và hạn chế…, để kịp thời phát huy, điều chỉnh mà vươn tới. Việc làm ấy, tự nó cũng cho thấy bản lĩnh, cùng cái Tầm và cái Tâm của người cầm bút. Tôi thiển nghĩ, hiện nay chúng ta rất cần những chuyên gia văn hóa vừa thông thạo nghề nghiệp, vừa biết định hướng – định tính và định lượng giỏi như thế. Qua đây thấy, cây bút Nguyễn Thế Khoa thật dồi dào năng lượng, kiên định và bền bỉ vì sự trở lại và phát triển bền vững của sân khấu nước nhà.
Cho nên, đọc Nguyễn Thế Khoa nói chung và “Sự trở lại của sân khấu” nói riêng, người thưởng thức bình thường, hay người nghiên cứu chuyên sâu đều có thể tìm thấy ở đấy những điều mới mẻ, thú vị và tâm đắc. Đây là biểu hiện và cũng là yêu cầu rất cao cần phải có của một cây bút có quan điểm tư tưởng – thẩm mỹ chuẩn mực và riêng biệt; kiến thức chuyên sâu mà đa diện; sự từng trải dầy dặn, cùng năng lực cảm thụ và tài hoa chữ nghĩa.
Những đỉều như thế, dường như ở bài nào cũng bắt gặp. Xin dừng lại ở vài ba ví dụ. Nhân khi bàn về vở diễn “Lá thư thứ 72” – thành công mới về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh trên sân khấu” của sân khấu Lệ Ngọc, tác giả đã có lời bàn thuyết phục về sự cần thiết “hơn bao giờ hết” phải có “sự khám phá, phát hiện, thể hiện thật chân thật, toàn diện, sâu sắc, hấp dẫn hình tượng Hồ Chí Minh trên sân khấu”. Theo ông, đây thực sự là đóng góp tốt nhất“đưa tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh thấm sâu vào đời sống con người Việt Nam hiện nay, có tác dụng thiết thực bồi dưỡng lý tưởng đạo đức, nền tảng văn hóa, đấu tranh ngăn chặn các cơn lũ tham nhũng tiêu cực, mất dân chủ, bất công đang tràn lan làm băng hoại đất nước, khôi phục niềm tin của Nhân dân ta vào sự nghiệp đổi mới và phát triển của đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, một Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện”. Đúng là chỉ có các tình huống, xung đột và hành động kịch, sự hóa thân của diễn viên vào nhân vật, thành hình tượng nghệ thuật trên sân khấu, thì sức hấp dẫn, sự cảm hóa, giáo dục và lan tỏa mới mạnh mẽ. Với ánh sáng tư tưởng và quan niệm đúng đắn ấy, Nguyễn Thế Khoa đã khẳng định nhiều nỗ lực của tác giả kịch bản, Ban lãnh đạo Sân khấu Lệ Ngọc, đạo diễn, các bộ phận sân khấu và nhất là các diễn viên – đặc biệt là NS Văn Hải vào vai Bác Hồ. Vị lãnh tụ bằng xương bằng thịt như đang sống lại, hiện về: “vĩ đại mà bình thường, giản dị, nghiêm minh mà nhân ái bao dung, cương trực mà sâu sắc tinh tế”. Người rung động và chở che, giải cho nỗi oan khốc của một phận người! Tấm lòng nhân hậu, nhân văn và đạo đức cách mạng ấy của Bác có sức truyền cảm, lay động và giáo dục sâu xa, làm thổn thức con tim biết bao khán giả trong mỗi đêm diễn.
Nhưng cũng từ vở diễn – đêm diễn này, dù rất mực cảm tình, thán phục, nhưng Nguyễn Thế Khoa không vì thế mà không mạnh dạn góp 3 ý kiến, thẳng thắn mà chân tình và sâu sắc. Tất cả chỉ với ước muốn “Với tính thời sự nóng bỏng và chiều sâu nhân văn của “Lá thư thứ 72”, hi vọng tác phẩm sẽ được phổ biến rộng rãi và có sức sống lâu bền”.
Không chỉ phát hiện và giúp cho khán giả hiểu được cái mới, cái hay trong các vở diễn, cùng tài hoa của các tác giả kịch bản của ngày hôm nay: “Đi xem “Chuyện tình Khau vai”, nghĩ về tác giả Nguyễn Thế Kỷ”, “Mưa đỏ” thành công từ tình yêu và lòng biết ơn”, “Một vở Kiều hay, sáng tạo, hiện đại trên sân khấu rối”…mà trong vốn cổ rất quen thuộc, tác giả cũng đem lại cho người đọc những cảm thức lý thú, ý vị sâu xa. Ông như một con người khác, không phải là nhà quản lý, không phải giọng văn “quan phương”, hoặc một nhà báo; mà là một nhà phê bình am tường mọi khía cạnh, thấu tỏ từng chi tiết và và hành động kịch, nhập thân vào mỗi lời ăn tiếng nói, mỗi nỗi niềm tâm trạng của nhân vật, hoặc của diễn viên. Mỗi lần viết về những vở Tuồng cổ, Nguyễn Thế Khoa lại mang tới cho người đọc những rung cảm thẩm mỹ và hiểu biết bất ngờ, mới lạ. “Ngũ hổ bình Liêu” và nghệ thuật diễu nhại thiên tài”, “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo – con người hãy sáng suốt”, thậm chí là viết về thơ ca và quan niệm sống cùng những đóng góp riêng của ông giáo làng Nguyễn Diêu, tác giả vừa có những thông tin tư liệu mới, vừa khai thác, bình luận và khẳng định vẻ đẹp đa diện của đối tượng được nghiên cứu. Điều đặc biệt luôn chi phối ngòi bút của ông là: từ trong vốn cổ, hoặc con người xưa cũ ấy, có điều gì cần cho chúng ta ngày hôm nay và muôn mai. Đấy chính là giá trị riêng độc đáo và trường tồn, như những vì sao li ti mà lung linh trong thiên hà. Đồng thời đó cũng là tâm nguyện của nhà nghiên cứu – nhà quản lý rất có Tâm với sự nghiệp nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc. Ví như về Nguyễn Diêu, ông chiêm nghiệm ra rằng: hãy sống trong ung dung tự tại và thanh sạch, chọn cho mình một lối chơi thanh tao “xoay non nước lại mà chơi với người”. Thật là “cõi tiên” bất khả lay chuyển, là mảnh đất của niềm đam mê sáng tạo và tận hiến. Ở vở tuồng “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo”, nhà phê bình thấu tỏ tiếng tru gào đau đớn hối hận, bẽ bàng của một người mất ngàn năm công phu tu luyện mới từ cáo được làm người. Thế mà vì nhẹ dạ cả tin, lỡ lầm, đắm chìm trong mây mưa khoái lạc, để mất “ngọc người”, nàng lại phải trở về với kiếp cáo. Hỡi con người, đời không sao sạch bóng những Tiết Giao (như là tà phái), và nếu không luôn dọn mình tu thân, “khắc kỉ phục lễ”, cuồng si với những lạc thú, tham tục, thì chuyện sa ngã không phải của riêng ai. Đừng trách lưỡi gươm của Võ Tam Tư là quá ư bạc bẽo…Người đọc luôn tìm được những phân tích sâu sắc và bài học giáo dục thấm thía như thế qua ngòi bút của tác giả ở nhiều vở kịch và nhân vật sân khấu.
Cây bút Nguyễn Thế Khoa luôn đem đến cho bạn đọc tư liệu và cảm thức mới mẻ, đáng tin; những khoái cảm thẩm mĩ mê đắm, cùng những tri thức hữu dụng. Đồng thời, ông tự thể hiện là một trái tim đôn hậu, cái nhìn chất chứa đầy trân quý để nâng đỡ và khích lệ tài năng. Dù rằng nói về các tác giả kịch bản, đạo diễn, diễn viên, nhà quản lí sân khấu, kịch bản, vở diễn, đêm diễn, hội diễn; hay địa phương có hoạt động sân khấu nổi bật, hay thể loại cải lương có tuổi đời chưa dài lắm trong lịch sử sân khấu Việt Nam, bên cạnh những đánh giá khách quan, khoa học, trung thực, luôn thấy có một Nguyễn Thế Khoa trìu mến, ân tình và trân quý mọi giá trị, tài năng. Ông không phải “đóng kịch” với ai. Cái lai lịch trường đời và nghề nghiệp cho ông kinh nghiệm; sự thấu tỏ, chia sẻ; cùng tài năng và bản lĩnh để nói thật, để nâng giấc những giá trị – nhất là với gì còn trẻ trung và mới mẻ. Ngẫm ra cho đến lúc này, ngoài những “gạo cội”, những vở diễn từng lừng vang trong quá khứ được Nguyễn Thế Khoa ca ngợi, thì những ai, những gì của đương đại được ông quan tâm, khẳng định đều đang phát huy và tỏa sáng. Không có nhãn quan nhạy bén và sự tinh anh của người thạo nghề, lại thiếu bản lĩnh và uy tín, không thể phát hiện và ủng hộ cái mới được đâu. Đấy là bài học cho những người làm quản lý sân khấu nói riêng và văn hóa – nghệ thuật nói chung.
Về phương diện này, chúng ta khâm phục và cảm động trước “con mắt xanh” của ông qua các bài về: “NSND Thúy Mùi đạo diễn chèo”, “Các đạo diễn mới ở Nhà hát Kịch Việt Nam”, “Khi đạo diễn biết tạo đất cho diễn viên tỏa sáng”, “Lệ Ngọc và chuyện không tưởng của sân khấu Việt Nam”, “Nghệ sỹ Văn Hải với nghiệp sân khấu”, “Trần Lực và giấc mơ sân khấu”, “Nhớ Anh Tú, nhớ kịch thơ”…Ở đây, ngoài sự cần mẫn đi và viết, còn có sự nhạy cảm, nhạy bén của nhà báo vừa rất thạo nghề, vừa tinh thông chuyên ngành sân khấu và nhiều loại hình nghệ thuật khác. Có thế mới nhận xét, đánh giá chuẩn xác, thuyết phục; kịp thời “gạn đục khơi trong” những điều mới mẻ, thậm chí còn dưới dạng thử nghiệm, biến “Điều không thể đã thành có thể”.
Các vở diễn mới, các địa phương có sự kiện sân khấu, hoặc hoạt động nổi bật. lọt vào “tầm ngắm” và mạch bút của Nguyễn Thế Khoa, được ông khên chê đều yên tâm cả. Chê những gì cần rút kinh nghiệm ngay, để tốt đẹp hơn lên; khen để vững tin mà tiếp bước. Tất cả đều nhằm cổ vũ cho những gì “Chân Thiện Mỹ”. Có thể theo “Cải lương Sài Gòn về Thủ đô” xem các vở diễn, các tài năng đạo diễn và diễn viên phương Nam thể hiện tài hoa và được đồng bào hồ hởi đón nhận ra sao trên đất Bắc. Người viết cũng mừng vui, vì qua nghệ thuật cải lương Sài Gòn, “ cải lương hai miền Nam Bắc đã đến gần nhau hơn bao giờ hết”. Cũng như, cải lương nói riêng và sân khấu nước nhà khi ấy nói chung, đang trong bước chuyển mình “Cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu”…
Các bài viết “Sân khấu ngoài công lập nhìn từ Liên hoan sân khấu Thủ đô”, “Nhà hát dân ca Nghệ An và “Đường đua trong bóng tối”,“Vài cảm nhận từ Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế lần thứ IV”, “Hai điều thấy được được từ Liên hoan sân khấu Thủ đô”, “Về Thái Bình xem vở chèo “Kì Đồng Nguyễn Văn Cẩm”…rất đáng để các nhà quản lý sân khấu và văn hóa nghệ thuật tìm đọc lắng nghe và thực hành trong chức trách của mình.
Nhân đây, tôi xin có đôi lời về bài “Hải Phòng, nơi sân khấu trở lại thời hoàng kim”. Thú thực, tôi bắt gặp ở đây sự “trúng khẩu đồng từ”. Nhiều lần rất muốn cất lời bầy tỏ niềm rung động, hãnh diện và lòng biết ơn với những ai đã có công lao khiến cho các đoàn nghệ thuật Hải Phòng thức dậy, nghệ sỹ có đất sống, cánh của Nhà hát sáng đèn để biểu diễn; từ đây có tuyền hình trực tiếp qua sóng HTV và nhiều đài địa phương liên kết khác. Nhưng tôi không đủ lời để nói, và nói không thuyết phục như ông Nguyễn Thế Khoa. Chứng kiến cả một chặng đường dài long đong èo uột của Hải Phòng, từng lừng danh là đất của sân khấu và nhiều loại hình nghệ thuật khác, bây giờ thấy sự nhộn nhịp trở lại, bảo sao không vui mừng phấn khởi! Qua bài viết của tác giả, mới hay: mọi tiềm năng, tiềm lực và tiềm tàng gì chăng nữa của sân khấu, hay của văn hóa nghệ thuật, phải có nơi thể hiện, có đất sống. Sân khấu mà không sáng ánh đèn thì hoàng kim cũng vụt tắt. Ông trân quý và biết ơn lãnh đạo thành phố Hải Phòng đã vươn tầm mở hướng; động viên cổ vũ các cơ quan quản lý chuyên môn, các đoàn nghệ thuật, các cá nhân nơi thành phố Cảng đã tìm những bước đi thích hợp để sân khấu Hải Phòng trở lại thời kì hoàng kim. Nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; tính ưu việt của sự thụ hưởng toàn dân và bầu khí quyển văn hóa, như là một thứ sản phẩm OCOP, là từ đó mà ra. Ôi, giá mà mỗi địa phương đều nỗ lực tìm món ăn tinh thần tuyệt ngon này cho toàn dân, miễn học phí cho học sinh các cấp, tặng thưởng cao nhất nước cho thầy trò có giải học sinh giỏi quốc tế như ở Hải Phòng, mà nhà báo Nguyễn Thế Khoa đã nêu, thì an dân biết bao nhiêu. Chả phải nhiều lời, dân vẫn quý tin…
Kết lại cuốn sách, tác giả có công trình nghiên cứu 53 trang in “Kịch bản cải lương qua 100 năm lịch sử”. Qua đây, người đọc hiểu thêm một phương diện tài năng, tài hoa nữa của Nguyễn Thế Khoa. Ông là một nhà nghiên cứu uyên bác, mà chuyên luận này rất công phu, “vừa vững vàng về lí luận vừa giầu thực tiễn”. Người nghiên cứu chuyên sâu về thể loại có thể tin cậy như giáo khoa, giáo trình.
Với tất cả sự thận trọng, khách quan và trân trọng, đọc xong “Sự trở lại của sân khấu”, đều thấy công phu lao động bền bỉ, không ngơi nghỉ của nhà văn – nhà báo – nhà quản lý Nguyễn Thế Khoa. Ở đâu và trên cương vị nào, ông cũng có những thành tựu. Một số giải thưởng cho các công trình, cuốn sách đã trao cho ông là sự ghi nhận trân quý đó. Xin chúc mừng với thành công mới này và ta có quyền kì vọng hơn nữa ở ông.
Đinh Thiên Hương
Nguồn tin: https://vanhienplus.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn