TP.HCM phát triển chuỗi cung ứng với các địa phương phía Bắc và Bắc Trung bộ

Thứ hai - 27/03/2023 00:03
Sự phát triển của TP.HCM luôn gắn liền với sự phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương trên cả nước trong đó có địa phương ở phía Bắc và Bắc Trung Bộ.

Chiều 24-3, tại TP Vinh (Nghệ An), UBND TPHCM đã tổ chức Hội nghị kết nối giao thương với 9 địa phương phía Bắc và Bắc Trung bộ, gồm: Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.

Quang cảnh hội nghị (Ảnh: Báo Nghệ An)

TP.HCM có vai trò quan trọng với các địa phương

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh khẳng định, việc tổ chức hội nghị kết nối giao thương giữa TP.HCM với các tỉnh có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội các địa phương.

Cũng tại đây, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, nhấn mạnh: “Hội nghị có sự hiện diện đông đủ của các tập đoàn, của hệ thống bán lẻ hàng đầu của Việt Nam tại TP.HCM. Điều đó khẳng định sự quan tâm sát sao của lãnh đạo TP trong việc thúc đẩy các hoạt động kết nối cung cầu, xây dựng chuỗi cung ứng hàng hóa. Đây là một trong những nội dung quan trọng của chương trình hợp tác phát triển kinh tế, xã hội giữa TP.HCM với các địa phương phía Bắc và Bắc Trung Bộ”.

“Các bạn doanh nghiệp ở các tỉnh cần gì với chuỗi cung ứng? Cần gì để đưa hàng hóa của mình vào thị trường?. Các doanh nghiệp ở TP.HCM có mong muốn gì, định hướng gì? Có những giải pháp gì để chia sẻ cộng đồng doanh nghiệp các tỉnh, để các bạn ở các tỉnh có được sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường và có được chiến lược cho các sản phẩm. Các bạn cần chính quyền TP, tỉnh hỗ trợ gì cho các bạn?”, ông Hoan gợi mở.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu (Ảnh: Báo Nghệ An)

Tại hội nghị, cộng đồng doanh nghiệp các tỉnh mong muốn đưa sản phẩm vào TPHCM, đồng thời nêu lên những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.

Nhiều đại biểu cho rằng, một số khâu thủ tục đăng ký sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, việc nâng sao cho từng sản phẩm còn rườm rà, mất nhiều thời gian. Thị phần ở một số nước có tiềm năng vẫn còn bỏ ngỏ do chưa có cơ chế hợp lý trong giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Giá một số nguyên liệu còn ở mức cao, dẫn đến khả năng cạnh tranh giá thành sản phẩm còn hạn chế.

Đẩy mạnh kết nối trực tuyến

Qua trao đổi, các đại biểu cho rằng, việc phát triển sản phẩm chất lượng đòi hỏi phải có sự tâm huyết, công sức rất lớn của người sản xuất. Tuy nhiên, để được người tiêu dùng chấp nhận lại là một vấn đề rất khó khăn. Nhất là trong bối cảnh kinh tế thị trường chúng ta đang phải cạnh tranh quyết liệt với nhiều nhà đầu tư khác. Cạnh tranh giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp phân phối với các doanh nghiệp khác, giữa sản phẩm với sản phẩm, cạnh tranh trong nước và quốc tế.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, nhìn nhận: "Qua ngày hôm nay, chúng ta thấy một kênh phân phối mới rất có tiềm năng đó chính là sàn thương mại điện tử. Doanh nghiệp cung ứng tiếp cận được khách hàng với chi phí tương đối thấp. Sản phẩm đi từ làng từ xã lên, nhưng ra thị trường phải đi từ thương mại điện tử rồi từng bước tiếp cận qua siêu thị", ông Hoan nêu.

Các hệ thống phân phối TP. Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp cung ứng của 9 tỉnh bắt tay hợp tác phát triển (Ảnh: Báo Nghệ An)

Trong thời gian tới, để hoạt động kết nối giao thương giữa TP.HCM và các tỉnh đạt hiệu quả, ông Võ Văn Hoan đề nghị Sở Công thương TP.HCM tiếp tục phối hợp với các địa phương nâng cao hiệu quả chương trình kết nối.

Trong đó, cần tập trung vào bốn nhiệm vụ cơ bản:

Thứ nhất, đẩy mạnh kết nối trực tuyến, phát huy các giải pháp thương mại điện tử trong kết nối giao thương tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp gặp gỡ trao đổi, chia sẻ cả hai môi trường, môi trường trực tiếp và trực tiếp. Trong đó, cần đẩy mạnh kết nối đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, thiết lập kênh phân phối trực tuyến và định hướng xuất khẩu những hàng hóa đặc trưng của địa phương.

Thứ hai là phải chủ động nắm bắt xu hướng tiêu dùng, nhu cầu thị trường để định hướng sản xuất phù hợp, sản xuất theo nhu cầu thị trường, theo tín hiệu thị trường và góp phần nâng cao giá trị của các chuỗi cung ứng.

Thứ ba là đẩy mạnh các kết nối theo từng chuyên đề, theo nhóm sản phẩm của từng địa phương.

Thứ tư, đẩy mạnh các giải pháp hoàn thiện chuỗi cung ứng hiệu quả, hỗ trợ các doanh nghiệp có năng lực đầu tư, xây dựng các chuỗi cung ứng. Đặc biệt là xây dựng nguồn nguyên liệu, cơ sở sơ chế, chế biến, kho trữ sau thu hoạch.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đề nghị các địa phương có giải pháp chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhất là ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, nuôi trồng. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp có điều kiện tham gia hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại tại các địa phương lớn, trong đó có TP.HCM.

Thảo My

Nguồn tin: https://giadinhonline.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây