NGHĨA TÌNH NƠI KAZAN

Thứ ba - 24/10/2023 07:14
Hoàng hôn buông xuống, đứng trên Kremli Kazan nhìn xuống toàn cảnh thành phố như một thảm kim cương lấp lánh. Hai bên bờ sông Volga êm đềm có những ánh đèn của các phương tiện giao thông soi chiếu làm cho thành phố càng thêm nguy nga, lộng lẫy…
Thành phố Kazan về đêm

          Không rõ còn nơi nào trên thế giới đặt tên cho đường phố là “Phố Nhà báo” nữa không? Lấy tên một nhà báo đặt tên cho các con đường thì có nhiều ở các quốc gia, nhưng tên đường phố là “Phố Nhà báo” thì lần đầu tiên tôi chỉ thấy có ở Kazan – thành phố thủ phủ của Cộng hòa tự trị Tatarstan thuộc Liên bang Nga, là thành phố trung tâm kinh tế, chính trị, khoa học, giáo dục, văn hóa và thể thao lớn bậc nhất của nước Nga và nổi tiếng trên thế giới cùng với những bản sắc văn hóa độc đáo của người dân Tatar nơi đây…Ở ngay giữa con phố mang tên “Phố Nhà báo” này có một trung tâm thương mại lớn mang tên “Chợ Việt Nam”. Và từ đây, một cộng đồng người Việt với bao nghĩa tình gắn bó với Kazan, gắn bó với xứ sở Bạch Dương thân yêu!

Đoàn cán bộ, phóng viên Tạp chí Văn hiến Việt Nam tại Cung điện Kremli Kazan

Khi máy bay tiếp đất xuống Sân bay Quốc tế Kazan, xe đón và đưa chúng tôi chạy thẳng về phố Yamasheva Buiding 97 (phố Ямашева дом 97), nơi có “Trung tâm Thương mại giảm giá XL” mà trong tòa nhà đó có một số nhà hàng ăn uống của người Việt bán hàng. Chị Bùi Minh Cầm, quê ở phường Tiên Cát, Tp Việt Trì là công nhân ngành Dệt sang Kazan học tập và làm việc từ năm 1988, rồi sau ở lại Kazan sinh sống, chị có nhà hàng ăn ở trong Trung tâm thương mại này. Chị Cầm với hai chị bạn là Mai và Ngọc đã đợi chúng tôi ở nhà hàng. Chị Hoàng Thuý Mai quê ở Tp Thái Nguyên, còn chị Phùng Thị Ngọc ở Tp Hải Phòng, cũng đều là “chiến sĩ” ngành Dệt sang Kazan từ 1986 và 1988 rồi ở lại. Vui quá, hôm đó đúng vào ngày sinh nhật của chị Cầm! Chủ nhà vui vẻ, nồng nhiệt tiếp đón khách. Có lẽ sự xuất hiện của 7 anh em phóng viên từ Việt Nam sang là một món quà vừa bất ngờ, vừa “rất quí” trong ngày vui của chị em hương ở xa quê hương. Còn chúng tôi, khi biết hôm đó là sinh nhật của chị Cầm thì có chút bối rối, giá như biết trước để có một quà Việt Nam nho nhỏ thì sẽ ấm lòng người xa xứ biết chừng nào!... Sau bữa trưa và sinh nhật vui vẻ, chị Ngọc nói: “Đoàn cứ về khách sạn nghỉ ngơi cho đỡ mệt, khi nào đi tham quan thì gọi điện để bọn em hướng dẫn cho nhé!”.  

Các chị Hoàng Thúy Mai (bên trái), Bùi Minh Cầm (thứ 2 trái sang), Phùng Thị Ngọc (thứ 3 trái sang) và tác giả tại Điện Kremli Kazan

Đến 4 giờ chiều, chúng tôi rời khách sạn ở trung tâm thành phố để lên Cung điện Kremli Kazan – một công trình tuyệt mỹ được xây dựng từ năm 1485 đến 1495 và được tổ chức UNESSCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 2000. Nhớ lời chị Ngọc, tôi nói với cậu hướng dẫn viên gọi cho các chị, chỉ 15 phút sau chị Mai và chị chị Ngọc đã có mặt tại “Kremli Trắng” để dẫn chúng tôi đi tham quan toàn thể khu di tích vừa tuyệt đẹp vừa huyền bí này.

Nhà thờ trong Điện Kremli Kazan

Toàn bộ quần thể Kremli Kazan được xây dựng bằng đá trắng nguyên khối nên Cung điện còn có tên gọi là Kremli Trắng. Bên trong Cung điện có các di tích đặc sắc về kiến trúc như: Nhà thờ Blagoveshchenskii gồm 5 vòm và 6 cột xây dựng từ năm 1561 – 1562 do Postnik Yakovlev huyền thoại thiết kế và xây dựng; có Tháp nghiêng huyền bí được đặt tên theo tên Hoàng hậu cuối cùng của Kazan là Tháp Söyembikä; ở phía nam Kremli còn có Tháp Spasskaya là lối đi vào chính của Kremli, tuy nhiên lối vào này chỉ có phương tiện có giấy phép đặc biệt mới được đi vào… Nhà thờ Qol-Şärif được xây dựng bên trong pháo đài từ Thế kỉ 16; các phần còn lại là của Tu viện Đấng cứu thế; rồi Tòa nhà thủ hiến xây dựng từ 1843 – 1853 do Konstantin Ton thiết kế mà nay đang là Cung tổng thống Tatarstan. Cung điện này được cho là nằm trên khu vực của Cung điện cũ của các Hãn Vương. Ở giữa Cung Tổng thống với Tháp Söyembikä là Cung điện Nhà thờ được xây trên nền của nhà thờ Hồi giáo thời Trung cổ... Ngoài ra còn có một tháp là “Tháp Bí mật” được dùng để đi tới các giếng cung cấp nước bí mật của toàn pháo đài Kremli. Có khu Văn phòng Chính phủ và hệ thống Bảo tàng với rất nhiều hiện vật quí giá.

Một góc Điện Kremli Kazan

Trước khi đến Kazan, chúng tôi được giới thiệu đây là một trong những thành phố đẹp nhất nước Nga và Châu Âu... Hoàng hôn buông xuống, đứng trên Kremli Kazan nhìn xuống toàn cảnh thành phố như một thảm kim cương lấp lánh. Hai bên bờ sông Volga êm đềm có những ánh đèn của các phương tiện giao thông soi chiếu làm cho thành phố càng thêm nguy nga, lộng lẫy. Giữa những tòa nhà tráng lệ Cung điện Nông nghiệp nổi lên như một viên ngọc càng tôn thêm vẻ đẹp của thành phố lâu đời. Đứng ngắm toàn cảnh Kazan không thể không nghĩ đến giai thoại về sựn ra đời của thành phố này… Khi đội quân của Khan Mông Cổ thống lĩnh khắp nơi đã hỏi một thầy phủ thủy rằng: “Ở nơi nào đủ tốt để thành lập một thành phố mới?”. Thầy phù thủy khuyên: “Hãy đổ nước vào một cái vạc nhỏ (qazan – giống như cái chảo của Việt Nam) rổi thắp lửa dưới đó, đặt lên xe ngựa, thúc cho ngựa chạy, tới nơi nào vạc nước sôi lên thì hãy xây dựng thành phố ở đó”. Vậy là cái tên “Kazan” ra đời và Kazan còn có nghĩa là “Vạc sôi” – ngày nay, giữa công viên rộng lớn bên bờ dòng song Volga có biểu tượng cái Vạc to lớn là điểm nhấn và là khu vui chơi giải trí sầm uất của thành phố. Với bề dày hơn 1000 năm lịch sử, Kazan vẫn giữ được hầu hết nguyên vẹn nét rực rỡ của các công trình kiến trúc đồ sộ, đậm chất sử thi và trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn nổi tiếng của nước Nga và trên toàn Thế giới.

Cung điện Nông nghiệp ở thành phố Kazan

Đứng nghe chị Mai và chị Ngọc giới thiệu về Kazan, chúng tôi hiểu rằng với gần 40 năm sinh sống nơi đây thì Kazan không chỉ là quê hương thứ hai, mà nét đẹp văn hóa của vùng đất Tatarstan giàu truyền thống cùng hương vị đậm đà của những phong bánh Chak - Chak được làm từ bột mì, muối và mật ong đã thấm sâu trong tình cảm của các chị nói riêng và cộng đồng người Việt nơi đây nói chung.

Thăm bà con ở Chợ Việt Nam của Tp Kazan

Thăm “Chợ Việt Nam”, rồi ra ngoại ô thành phố, đến một ngôi làng có con đường Asylyar vào Số nhà 52 thăm một “chiến binh” quê ở Hưng Hà (Thái Bình) – anh Nguyễn Thế Tuần, sinh năm 1960, nguyên là chiến sĩ Đội xe của trường Sĩ quan 400 ở Sơn Tây, anh sang đây năm 1986 và đưa cả gia đình sang lập nghiệp. Vườn rau “rất Việt Nam” của anh lớn nhất cả vùng Tatarstan, cung cấp cho cả thành phố Kazan, nào bí, mướp, rau cải, su hào, su su, rau húng, rau mơ, hành lá… đủ cả. Anh nuôi cả chó, gà, ngỗng. Nhìn nông trại của anh tôi trộm nghĩ: “Nếu anh đào thêm cái ao nuôi cá, nuôi ba ba nữa, thì không khác nào anh đưa cả vườn quê Thái Bình sang Kazan”…

Một góc vườn nhà anh Nguyễn Thế Tuần ở nhà Số 52 đường Asylyar

Anh Nguyễn Thế Tuần cũng như chị Mai và chị Ngọc, họ lập nghiệp ở Kazan nhưng con cái đều đưa về quê hương để làm việc. Chị Phùng Thị Ngọc lấy chồng quê Quảng Trị, chị Ngọc và anh Nguyễn Văn Triều ở Kazan còn con cái ở Việt Nam, anh chị đầu tư về quê nội ở Quảng Trị hàng chục hecta rừng trồng cao su nên cứ đi đi về về. Chị Hoàng Thị Thúy Mai thì con cái đều làm việc ở Hà Nội, cũng hàng năm lại bay đi bay về… Thời gian ngắn không thể đi thăm hết được bà con trong cộng đồng người Việt ở Kazan, nhưng qua những câu chuyện, qua những gì nhìn thấy, thì bà con đồng bào mình ở đâu cũng vậy, cũng đoàn kết và gắn bó với quê hương, luôn hướng trái tim mình về cội nguồn đất Tổ.

Anh Nguyễn Thế Tuần trong khu vườn nhà

Trước khi chia tay, các chị đưa tôi đi hái một ít Táo để mang về Việt Nam làm kỉ niệm – một loại Táo quả rất nhỏ, bé hơn quả trứng chim Cút, nhưng quả nào cũng vàng ươm lóng lánh. Màu vàng lóng lánh ấy như muốn nói lên nghĩa tình của bà con người Việt mình nơi Kazan xa xôi…

Chợ Việt Nam nằn trên con phố tên là “Phố Nhà báo”
Hái táo trong làng ở ngoại ô Kazan
Một góc làng quê Asylyar
Các phóng viên trên đường phố

Kazan, tháng 10 – 2023

GIÀNG NHẢ TRẦN

Nguồn tin: https://vanhienplus.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây