Nhà tự nổi theo mực nước
Nguyễn Minh Hoàng cho biết tuổi thơ của mình cũng như những đứa trẻ vùng đồng bằng sông Cửu Long gặp rất nhiều khó khăn khi phải cùng gia đình chạy lũ, chống lũ. Chứng kiến sự lo lắng của người dân khi chỉ có thể ngồi nhìn căn nhà chìm trong lũ, Hoàng đau đáu ước muốn giúp người dân quê mình thoát khỏi tình cảnh này.
Dự án táo bạo
Thầy Nguyễn Ngọc Long Giang, Trưởng phòng Quản lý khoa học và hợp tác quốc tế Trường ĐH Xây dựng Miền Tây, nhìn nhận: “Đây là một dự án rất táo bạo, vì Hoàng đang làm một mô hình rất mới ở VN. Tôi đánh giá cao vì những hiệu quả mà dự án này có thể mang đến cho người dân vùng lũ. Không những thế, nó còn phù hợp với xu hướng của hiện nay là lối sống xanh, sạch”.
Hoàng nói: “Từ những khó khăn và điều kiện sinh sống không an toàn của người dân vùng lũ, em đã tạo ra nhà lưỡng cư có thể sống trên cạn và sinh hoạt bình thường khi nước lũ dâng lên. Điều em mong muốn là dự án sẽ giải quyết những khó khăn và thật sự giúp người dân phần nào giảm đi nỗi lo mùa nước nổi cũng như hiện tượng nước biển dâng ngày càng nghiêm trọng”.
Theo thiết kế của Hoàng, căn nhà có thể ở trên cạn như bình thường, nhưng khi nước nổi thì căn nhà dâng lên theo mực nước và trở về vị trí ban đầu khi nước rút.
“Các thùng phuy nhựa sẽ đặt dưới kết cấu sàn nhà cùng với hệ thống trượt nổi được thiết độc đáo sẽ giúp căn nhà nổi lên an toàn và đơn giản, vận hành dễ dàng, rất phù hợp với người dân vùng đồng bằng sông nước”, Hoàng tự hào. Dựa theo định luật lực đẩy Archimedes, nhà sẽ nổi lên nhờ thể tích phuy nhựa mà người dân không cần phải tốn chi phí nào để tác động khi vận hành. Người dân vẫn có thể an tâm sinh hoạt trong căn nhà khi nước lên như bình thường mà không cần phải di dời.
Theo Hoàng, căn nhà được xây dựng bằng khung thép lắp ráp, vách bao che căn nhà sử dụng panel (vật liệu xây dựng mới) với độ bền và tuổi thọ cao. Bên cạnh đó còn kết hợp với vật liệu bỏ đi, được tháo dỡ từ công trình cũ như cửa gỗ lá xách, tôn và thép hộp.
“Mô hình mình đang thử nghiệm sử dụng cửa lá xách gỗ từ công trình cũ, vừa rẻ mà chất lượng gỗ rất tốt. Vì dự án hướng đến mô hình kiến trúc sống xanh, sạch nên mình tận dụng cửa lá xách bỏ đi. Ưu điểm của cửa này là thông gió tự nhiên rất tốt sẽ hạn chế sử dụng quạt hay điều hòa”, Hoàng lý giải.
Chính vì tận dụng được nguồn vật liệu rẻ nên căn nhà được xây dựng với chi phí thấp và đáp ứng được nhu cầu của người dân vùng lũ.
Bên cạnh đó, mô hình nhà nổi lưỡng cư này còn được thiết kế không gian trồng rau sạch ngay trên mái nhà. “Em dùng thép hộp làm khung chịu lực và dùng lưới B40 trải lên mái nhà, sau đó dùng các thùng trồng hoa dự trữ đất để trồng rau mà không ảnh hưởng đến tôn lợp mái. Không những thế, giàn trồng rau này còn giúp giảm bức xạ mặt trời để căn nhà mát hơn. Công tác thu hoạch rau sẽ dễ dàng nhờ có thang lên mái. Với độ dốc mái 15%, việc đi lại trên mái nhà sẽ an toàn hơn”, Hoàng cho biết.
Cũng theo Hoàng thì giải pháp trồng rau sạch trên mái nhà không những giúp tăng thu nhập kinh tế mà còn cung cấp nguồn thực phẩm nông nghiệp cho mỗi gia đình, vì khi lũ lụt thường kéo dài từ 3 - 4 tháng nên người dân không trồng trọt được.
Hiện dự án đang được xây dựng nhà mẫu thử nghiệm tại xã Thanh Mỹ, H.Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Hoàng tâm huyết: “Tương lai em mong muốn dự án có thể được nhân rộng ra khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng như cả nước. Bởi dù dự án chỉ đang trong giai đoạn gần hoàn thành nhưng đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ người dân”.
Với những điểm cộng đạt được, dự án của Hoàng đã xuất sắc giành được giải nhì tại cuộc thi Khởi nghiệp CIC 2018 do Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ĐH Quốc gia TP.HCM phối hợp với Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM tổ chức.
Nữ Vương
Nguồn tin: http://trelangkienviet.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn