Theo Tổ chức Du lịch Thế giới, năm 2018 thế giới có 1,4 tỉ người đi du lịch (tăng 5,5% với 2017) và chi tiêu 1.451 tỉ USD (tăng 4,4% với 2017).
Các nước trong Top 5 về lượng khách đều tăng và thứ tự không thay đổi. Vẫn là Pháp (89,4 triệu); Tây Ban Nha (82,8 triệu); Mỹ (79,6 triệu); Trung Quốc (62,9 triệu), Ý (62,1 triệu). Mức tăng trưởng cao nhất của Top 5 là Trung Quốc 3,6%.
Từ vị trí thứ 6 - 10 có sự lật đổ ngoạn mục của hai đại diện châu Á. Thổ Nhĩ Kỳ, từ vị trí thứ 7 (2017) và bị Đức bám sát, đã tăng tốc, không chỉ bỏ xa Đức mà còn soán ngôi của Mehico, vươn lên vị trí thứ 6. Thái Lan xếp thứ 10 đã nỗ lực hoán đổi vị trí cho Anh, vươn lên hạng 9. Mức tăng trưởng cao nhất của Top 10 là 21,7% thuộc về Thổ Nhĩ Kỳ (2017 là 24,1%). Tiếp theo là Thái Lan với 8% (2017 là 9,1%).
Top 5 các nước châu Á-Thái Bình Dương lần lượt là Trung Quốc (62,5 triệu), Thái Lan (38,3 triệu), Nhật Bản (31,2 triệu), Hồng Kông (29,3 triệu), Malaysia (25,8 triệu). Mức tăng trưởng cao nhất của nhóm Top 5 là Nhật Bản 8,7% (2017 là 19,4%). Hai năm liền, du lịch Malaysia tăng trưởng âm. Năm 2018 là - 0,4% và 2017 là - 3%.
Đáng mừng nhất, lần đầu tiên, du lịch Việt Nam có tên trong Top 10 của châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam xếp thứ 8 (15,5 triệu), trên cả Hàn Quốc (15,3 triệu) và Singapore (14,7 triệu).
Mức tăng trưởng cao nhất của Top 10 nhóm thuộc về Việt Nam 19,9% (2017 là 29,1%). Với bảng xếp hạng này, Việt Nam chính thức lọt vào Top 3 của du lịch ASEAN, chỉ xếp sau Thái Lan và Malaysia.
Việt Nam đã nỗ lực bứt phá, dù mức tăng trưởng 2018 chưa được như kỳ vọng, nhưng vẫn là mơ ước của nhiều nước. Năm 2018 Hàn Quốc đã trỗi dậy mãnh liệt, từ tăng trưởng - 22,7% (do xung đột ngoại giao với Trung Quốc), đã tăng 15,1%.
Thông thường, tổng lượng khách tỉ lệ thuận với doanh thu. Nhưng trong nhóm dẫn đầu về tổng lượng khách, có sự đảo lộn lớn về doanh thu. Mỹ chỉ xếp thứ 3 về lượng khách nhưng tổng doanh thu 214,8 tỉ USD; gấp hơn 3 lần Pháp (67,3 tỉ USD), nước dẫn đầu về lượng khách.
Trong Top 10 thế giới, chỉ có Tây Ban Nha (thứ 2) và Đức (thứ 8) đều có cùng vị trí về lượng khách và doanh thu. Hai nước không có trong nhóm đầu về lượng khách nhưng có trong Top 10 doanh thu là Úc (thứ 7) và Nhật (thứ 9). Doanh thu du lịch năm 2018 của Nhật Băn tăng 20,5% dù lượng khách chỉ tăng 8,7%.
Trung Quốc lần đầu tiên góp mặt trong Top 10 doanh thu thế giới (thứ 10) dù lượng khách xếp thứ 4. Lượng khách vào Trung Quốc hơn gấp đôi Nhật Bản (62,9 triệu so với 31,2 triệu) nhưng doanh thu Trung Quốc lại không cao hơn Nhật (41,1 tỉ USD và 40,4 tỉ USD).
Năm thứ 2, Thái Lan xếp thứ 4 thế giới về doanh thu (63 tỉ USD) dù lượng khách xếp thứ 9. Anh xếp thứ 5 về doanh thu dù lượng khách xếp thứ 10. Thổ Nhĩ Kỳ và Mehico có tên trong Top 10 lượng khách nhưng không có trong Top 10 doanh thu, bì bị Úc và Nhật soán ngôi.
Ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chỉ có Nhật Bản (thứ 3) và Ấn Độ (thứ 7) có chung thứ hạng về lương khách lẫn doanh thu. Trung Quốc dẫn đầu lượng khách nhưng xếp thứ 4 doanh thu; sau các nước Thái Lan, Úc, Nhật. Malaysia xếp thứ 5 lượng khách nhưng thứ 9 doanh thu. Đặc biệt Úc, không có trong Top 10 lượng khách của châu Á – Thái Bình Dương nhưng xếp thứ 2 doanh thu khu vực và thứ 7 thế giới.
Việt Nam xếp thứ 8 về lượng khách nhưng không có trong Top 10 doanh thu của khu vực.
Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, năm 2018, tổng doanh thu du lịch Việt Nam là 620.000 tỉ đồng, tương đương 28 tỉ USD. Số liệu này không được Tổ chức Du lịch Thế giới thừa nhận.
Xếp thứ 10 doanh thu của châu Á-Thái Bình Dương là Hàn Quốc (15,3 tỉ USD).
Chi tiêu của du khách các nước cũng có nhiều thay đổi. Vài năm gần đây, du khách Trung Quốc đã bỏ xa Mỹ và Đức để giành quán quân. Năm 2018, du khách Trung Quốc chi 277 tỉ USD (gần 20% của thế giới dù số lượng khách chỉ 10%). Xếp sau là Mỹ 144 tỉ USD, Đức 94 tỉ USD, Anh 76 tỉ USD.
Không có trong Top 10 lượng khách và doanh thu du lịch thế giới, nhưng các nước Nga, Canada, Hàn Quốc lại góp mặt trong Top 10 chi tiêu lần lượt là 35 - 33 - 32 tỉ USD.
Sáu tháng đầu nằm 2018, du khách quốc tế vào Việt Nam gần 8,5 triệu; tăng 7,5%. Những thành tựu mà du lịch Việt Nam nỗ lực đạt được rất đáng khen ngợi. Tuy nhiên so với tiềm năng, với qui mô dân số thì rõ ràng vẫn còn tụt hậu. Việt Nam vượt qua Singapore về lượng khách nhưng dân số Singapore chưa tới 6 triệu (bằng 1/16 Việt Nam).
Quan trọng hơn là làm sao để Việt Nam chen vào Top 10 doanh thu của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Lượng khách phải song hành với doanh thu thì mới bền vững. Xin nhấn mạnh, Thái Lan chỉ xếp thứ 9 về lượng khách nhưng xếp thứ 4 về doanh thu du lịch của thế giới.
Du lịch Thái Lan vẫn là ngôi sao sáng trên bầu trời du lịch thế giới. Việt Nam là ngôi sao mới nổi ở ASEAN và châu Á. Cuộc đua marathon du lịch vẫn trường kỳ. Chậm chân hoặc không biết phân phối sức đều có thể tụt hậu.
Năm 1987, Việt Nam bắt đầu hội nhập với ASEAN. Cả thể thao và du lịch lúc đó gần đội sổ. Hơn 30 năm sau, thể thao Việt Nam, nhất là bóng đá, đã đối đầu ngang ngửa Thái Lan. Du lịch chậm hơn nhưng cũng có những tiến bộ khích lệ. Chưa chen được vào Top 10 thế giới như Thái Lan thì phải vào Top 10 châu Á-Thái Bình Dương, cải thiện thứ hạng về lượng khách; đặc biệt là phải có tên trong Top 10 doanh thu.
Rất nhiều việc phải làm. Rất nhiều thứ cần mọi người chung tay góp sức.
*Bài viết phản ánh quan điểm tác giả Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tours, UV.BCH Hiệp hội Lữ hành Việt Nam.
Vũ Bích Ngọc
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn