Chán “chạy deadline”, nữ sinh 9X chi 5 tỷ học lái máy bay
Nói đến phi công, người ta hay nghĩ đến nghề nghiệp dành cho phái mạnh. Thế nhưng những năm gần đây, nhiều nữ phi công đã phá tan định kiến đó. Cô gái 9X Mạch Thị Thùy Khanh (SN 1996, ở TP.HCM) là một ví dụ điển hình.
Được biết, Thùy Khanh có mẹ công tác trong ngành hàng không. Năm 13 tuổi, Thùy Khanh từng mặc bộ đồ phi công nhí để biểu diễn ca khúc Anh phi công ơi ở Hội diễn nghệ thuật quần chúng của cơ quan mẹ. Có lẽ vì vậy mà tình yêu với nghề cầm lái máy bay đã “ngấm” vào Thuỳ Khanh lúc nào không hay.
Để mãi sau này khi trưởng thành, dù từng học Đại học Kiến Trúc, đi làm nhiều ngành nghề, cô vẫn không quên được khao khát được thành phi công. Cô nàng nhận thấy bản thân không thích làm những công việc phải mang việc về nhà, hay chạy deadline mỗi ngày. Khanh nghĩ mình cần thay đổi và có một công việc khác cho tương lai.
Chia sẻ với Dân trí về quyết định rẽ ngang táo bạo của mình, Thuỳ Khanh tâm sự: "Hành trình mình đến với nghề phi công ở cái tuổi lưng chừng, không biết đã được gọi là chín chắn chưa để đưa ra những sự lựa chọn và quyết định lớn lao như vậy.
Mình nhớ thời điểm đó là khi mình học năm ba đại học, bản thân cảm thấy không còn lửa đam mê với ngành đang học nữa nhưng cũng vì chọn phương án an toàn và không phụ lòng ba mẹ, mình vẫn tiếp tục và tốt nghiệp đại học. Đến lúc này mình mới yên tâm thay đổi hướng đi, mở ra một bước ngoặt lớn trong cuộc đời và đây là một quyết định không khiến mình hối hận.
Về gia đình, đã có một năm theo dõi mình hoàn thành năm cuối đại học nhưng một mặt vẫn chuẩn bị và tìm hiểu nhiều thông tin cho việc học phi công này. Ban đầu, cả nhà cũng chưa ủng hộ mình lắm, nhưng sau khi thấy được quyết tâm của mình, mọi người động viên mình hết sức".
Biết con gái trúng tuyển ngành phi công, mẹ của Khanh ngỡ ngàng. Bà chỉ nghĩ con mình thi thử cho vui, ai ngờ đậu thật. Nhưng ngay lập tức, vấn đề tài chính khiến mẹ Khanh suy nghĩ rất nhiều. Việc học để trở thành phi công sẽ tốn chi phí khoảng 200.000 USD (gần 4,6 tỷ đồng). Nhận thấy ý chí của cháu gái, ông ngoại và cậu của Khanh đã động viên, hỗ trợ một phần học phí cho cô.
Nhờ sự ủng hộ của mọi người mà ước mơ của cô được chấp cánh.
“Tôi không cho phép mình bỏ ngang”
Cùng như nhiều nữ phi công từng chia sẻ, con đường trở thành phi công thực sự không chỉ phải có một kinh tế vững mà còn phải trai qua đầy gian nan, thử thách.
Thuỳ Khanh tâm sự với Thanh niên, đã từng có nhiều học viên người Việt bỏ ngang vì không theo nổi nhưng cô không cho phép mình rơi vào trường hợp đó, bởi khoản tiền vay mượn quá lớn, niềm tin của ba mẹ đều đặt lên vai cô con gái nhỏ. Khanh tự “nắn” bản thân không được bỏ cuộc, tiến lên bằng bất cứ giá nào. Cô sống gói ghém, luôn đến trường mỗi ngày, không bỏ buổi bay nào.
“Chuyến bay đầu tiên trong đời là khi được ngồi trong khoang lái, cùng thầy bay lên cao, chân nhả thắng, tay được đẩy cần ga và bánh lái là tôi thấy mình đã có chọn lựa đúng đắn”, Khanh rưng rưng tâm sự.
Khanh nói rằng muốn làm phi công phải học nhiều thứ, rất khó như: tâm lý, luật, khí tượng, vật lý, kỹ thuật hàng không, sinh học cơ thể… Từ khi học, Khanh đã ý thức tầm quan trọng của người phi công trong chuyến bay. Bởi lẽ phía sau cô sẽ là hàng trăm người và toàn bộ ê kíp phục vụ. Cho nên học nghề phi công không được lơ là.
Về những khó khăn khi đi học phi công, Mạch Khanh tâm sự: "Với mình, vấn đề lớn nhất là tài chính. Thật sự học phí học phi công là một số tiền khổng lồ, không dễ mà có được. Đây là một sự đầu tư cũng khá rủi ro nhưng đi được hết đến cùng thì lại là thành quả ngọt ngào. Thế nên, nếu không có nền tảng kinh tế vững vàng thì việc đi học sẽ rất áp lực cho mọi người”.
Thành nữ phi công ở tuổi 25 kiêm YouTuber truyền cảm hứng cho giới trẻ
Sau 1 năm học tập, hiện tại Khanh đang là cơ phó huấn luyện của hãng Pacific Airlines. Cô còn là một YouTuber với những clip về cuộc sống khi đi du học, những trải nghiệm với máy bay và khám phá sân bay các nước. Những clip của Thuỳ Khanh đã truyền cảm hứng chọn ngành nghề tương lai cho nhiều bạn trẻ.
Là con gái lại làm một công việc khá vất vả, khi được hỏi về sự lo lắng trong vấn đề rủi ro khi bay, Khanh thể hiện sự mạnh mẽ của bản thân: "Mình là con người của công việc, khi đang làm việc thì sẽ chỉ tập trung vào những điều mình đang làm, không có thời gian nghĩ ở dưới đất nó sẽ như thế nào? Mình chỉ muốn số lần cất cánh bằng số lần hạ cánh là điều tuyệt vời rồi".
Minh Phương
Nguồn tin: https://giadinhonline.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn