Nguồn kiều hối chuyển về Việt Nam năm nay ước đạt 16,68 tỷ USD, chiếm khoảng 6,4% GDP, tăng nhẹ so với năm ngoái là 16 tỷ USD.
Trong hai thập kỷ qua, kiều hối chuyển về Việt Nam tăng đều, từ mức hơn 1,3 tỷ USD vào năm 2000 và chỉ giảm duy nhất vào năm 2009 do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu.
World Bank ước tính dòng kiều hối chảy về các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình (LMIC) đạt 551 tỷ USD năm 2019, tăng 4,7% so với năm ngoái. Mức kiều hối đã vượt qua con số viện trợ chính thức từ giữa những năm 1990 và đang trên đường vượt qua dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Dự báo lượng kiều hối toàn cầu sẽ đạt 574 tỷ USD vào năm 2020 và 597 tỷ USD vào năm 2021.
Tuy nhiên, World Bank cảnh báo những rủi ro đối với triển vọng trên, bao gồm tình trạng chống nhập cư tại nhiều quốc gia lớn như Mỹ, Nga, Nam Phi, các nước thuộc châu Âu cũng như chi phí chuyển tiền cao và các quy định tài chính nghiêm ngặt trong trung hạn.
Tính theo dòng kiều hối đồng USD, 5 quốc gia nhận lớn nhất thế giới được dự báo là Ấn Độ, Trung Quốc, Mexico, Philippines và Ai Cập. Tính theo tỷ lệ kiều hối/ GDP, năm người nhận hàng đầu sẽ là các nền kinh tế nhỏ hơn, bao gồm Tonga, Haiti, Nepal, Tajikistan và Cộng hòa Slovak.
Các yếu tố mang tính chu kỳ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của dòng kiều hối toàn cầu bao gồm tăng trưởng kinh tế tại các nước nguồn, giá dầu và sự thay đổi tỷ giá hối đoái.
Nền kinh tế và tình hình việc làm mạnh mẽ tại Mỹ sẽ giúp đẩy mạnh dòng tiền tới khu vực châu Mỹ Latin hay Caribê. Ngược lại, giá dầu yếu cho thấy sự tăng trưởng thấp hơn trong kiều hối từ Liên bang Nga đến các nước Trung Á và Đông Âu.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn