Cần phân biệt khái niệm "công nghiệp du lịch" và "du lịch công nghiệp". Công nghiệp du lịch là nói về sự chuyên nghiệp và kỹ nghệ kinh doanh của ngành du lịch. Có người bảo, Việt Nam chưa có công nghiệp du lịch và chủ yếu là dịch vụ du lịch.
Trong khi đó, du lịch công nghiệp là một loại hình du lịch, giống như du lịch văn hoá, du lịch thể thao, du lịch sinh thái hay du lịch nông nghiệp. Trong khi các loại hình du lịch khác, trong đó có du lịch tâm linh đang "đồng khởi", du lịch công nghiệp vẫn sơ khai.
Công bằng mà nói, dù không ai chỉ đạo, một số nơi đã vận dụng tự tổ chức du lịch công nghiệp để kinh doanh và tuyên truyền như các thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Yaly.
Các doanh nghiệp như Cầu Đất Farm ở Lâm Đồng, Gốm sứ Minh Long ở Bình Dương hay Lâu đài rượu Vang ở Bình Thuận làm du lịch công nghiệp tự phát để tiếp thị và bán sản phẩm. Tương đối bài bản là các khu nông nghiệp sinh thái VinEco của Vingroup.
Trong báo cáo tổng kết của ngành du lịch, từ trung ương đến địa phương và chương trình đào tạo, đều chưa có loại hình du lịch công nghiệp.
Cách đây hơn 10 năm, trong một chuyến đi thực địa do Tổng cục Du lịch Thái Lan tổ chức, tôi được đến tham quan trại nuôi bò sữa. Khách được xem phim, tham quan dây chuyền công nghệ vắt bò sữa qua cửa kính cường lực, trải nghiệm lao động, dùng thử và mua sản phẩm. Ai cũng thích thú.
Họ bảo “So với bò sữa Long Thành ở Việt Nam, nông trại này chẳng là gì cả, nhỏ bé gấp mấy lần về mọi mặt”. To lớn để làm gì. Bò sữa Long Thành chỉ biết làm trạm dừng để bán sản phẩm cho khách nội địa. Các điểm dừng của Thái Lan trong các chương trình du lịch mua sắm hiện nay đều khai thác loại hình này cực tốt.
Du khách đi Đài Loan, đoàn nào cũng ghé lò bánh dứa nướng, một đặc sản địa phương được sản xuất theo công nghệ. Khách được xem phim, hướng dẫn làm bánh và tự nướng. Trong lúc chờ bánh chín thì tham quan dây chuyền làm và nướng bánh, ăn thử và mua sản phẩm. Ai cũng vui vẻ móc túi mua hàng khệ nệ kèm mấy chiếc bánh tự làm được gói trang trọng. Một cách tiếp thị giản đơn mà hiệu quả.
Tôi liên tưởng đến hãng bánh pía Tân Hoa Viên ở Sóc Trăng, to và hiện đại hơn nhiều lần, cũng chỉ bằng lòng với trạm dừng, cho khách nội địa ăn thử và bán bánh. Nghe đâu Tân Hoa Viên cũng đang chuẩn bị mở du lịch tâm linh với bánh pía.
Năm 1987, tôi được Thành Đoàn cử đi tu nghiệp ở Cộng hòa Dân chủ Đức (Liên bang Đức ngày nay). Cuối tuần, nhà trường thường tổ chức cho học viên đến nhà máy tham gia lao động. Vừa có thêm thu nhập, vừa hiểu hơn những dây chuyền sản xuất tiên tiến và góp phần quảng bá cho sản phẩm.
Ở Hàn Quốc, du lịch công nghiệp đã có chiến lược phát triển từ những năm 1970.
Gần chục năm trước, dù chưa làm du lịch, dược sĩ Nguyễn Văn Bé (Ba Phèn) khi xây dựng nhà máy dược liệu sạch Mộc Hoa Tràm đã dùng kính cường lực làm vách ngăn. Tầm nhìn của ông đã phát huy hiệu quả khi Khu du lịch Cánh đồng bất tận với các dịch vụ tắm rừng dược liệu, tham quan nhà máy trở thành đặc sản của Long An hiện nay.
Mô hình của Cầu Đất Farm, Gốm sứ Minh Long, Lâu đài Rượu Vang Sea Link, Eco Farm của Vingroup… rất cần được hoàn thiện thêm và nhân rộng.
Các nhà máy sản xuất như Vinamilk, Vissan, rau củ và trái cây xuất khẩu, sản xuất ô tô và phụ tùng, lắp ráp ti vi – điện thoại – máy tính, sản xuất linh kiện điện tử, vật dụng tiêu dùng; các nhà máy ở khu công nghệ cao… đều là những tài nguyên cực kỳ phong phú cho du lịch công nghiệp.
Ngoài lợi ích to lớn về kinh tế, du lịch công nghiệp dành cho học sinh, sinh viên còn là những đợt hoạt động ngoại khóa kỳ thú và hướng nghiệp thiết thực. Đặc biệt là truyền lửa đam mê khoa học kỹ thuật, giúp thế hệ trẻ vững tin vào tương lai. Đây cũng là cơ hội quảng bá và bán hàng hiệu quả và ít tốn tiền tiếp thị. Không chỉ cho khách nội địa mà cả khách nước ngoài.
Liên kết vốn là thuộc tính của công nghiệp du lịch. Đây là một trong những khâu yếu nhất của du lịch Việt Nam. Bên cạnh đó là tầm nhìn và tư duy từ quản lý ngành đến chủ các doanh nghiệp. Nếu các chủ doanh nghiệp có tầm nhìn như ông Ba Phèn thì du lịch công nghiệp Việt Nam đã có diện mạo khởi sắc.
Đã đến lúc phải thay đổi triệt để tư duy du lịch. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, liên quan đến nhiều ngành khác. Do vậy đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ và phối hợp nhịp nhàng, từ việc tạo ra sản phẩm, marketing, bán và không ngừng hoàn thiện sản phẩm. Tự thân ngành du lịch không thể phát triển loại hình này được.
Thay vì chạy theo du lịch tâm linh biến tướng với nhiều hệ lụy khôn lường thì nên tập trung phát triển du lịch công nghiệp như các nước tiên tiến. Du lịch tâm linh biến tướng chỉ phát triển ở những nước có nhiều vấn nạn xã hội và cuộc sống lạc hậu. Rất cần những chính sách cụ thể để khuyến khích loại hình du lịch này. Trước mắt là bổ sung nội dung du lịch công nghiệp vào chương trình đào tạo của các trường du lịch.
Chủ các doanh nghiệp đặc thù, nếu có điều kiện, khi xây dựng nhà máy cần tính toán việc tham gia loại hình du lịch công nghiệp như một kênh tiếp thị, quảng bá và bán sản phẩm. Từ việc làm phim tư liệu, phòng chiếu phim, thiết kế ốp kính phòng sản xuất đến không gian trải nghiệm, phòng trưng bày và bán sản phẩm. Điều này giúp các công ty lữ hành xây dựng sản phẩm, bổ sung du lịch công nghiệp vào ngân hàng chương trình du lịch mới.
Đại học Văn hóa TP. HCM đang biên soạn bộ quy chuẩn “Du lịch Công nghiệp và các dịch vụ liên quan” theo chuẩn ISO13810 và đây sẽ là nền tảng để loại hình này định hình và phát triển bền vững.
Đất nước sẽ đi lên bằng công nghiệp chứ không phải bằng tâm linh.
Chậm còn hơn không. Biết đâu ta lại “đi sau về trước” thiên hạ?
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn