Như Nhadautu.vn đã đưa tin, ngày 29/12/2021, CTCP Chứng khoán Globalmind Capital (Globalmind Capital) đã công bố báo cáo giao dịch chuyển nhượng cổ phần của cổ đông, trong đó cho biết các ông Huỳnh Đăng Khoa và Lê Minh Quang đã bán ra tổng cộng 14,6 triệu cổ phần, tương đương 95,032% vốn điều lệ.
Trong khi đó, CTCP Uniben (Uniben) - pháp nhân có nhiều liên hệ tới nhóm chủ Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (UpCom: VIB) đã mua vào 3,48 triệu cổ phần, trở thành cổ đông lớn của Globalmind Capital với tỉ lệ sở hữu 22,5% vốn điều lệ.
Việc giới chủ VIB xuất hiện tại Globalmind Capital được kỳ vọng sẽ giúp công ty này khắc phục những bất cập và ổn định hơn trong hoạt động kinh doanh. Ở chiều ngược lại, GMC sẽ là mảnh ghép tài chính đầy tiềm năng giúp đại gia Đặng Khắc Vỹ hoàn thiện hệ sinh thái.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán bùng nổ cả về điểm số lẫn thanh khoản, không chỉ riêng Globalmind Capital, trong vài năm trở lại đây, các CTCK khác cũng đã bước vào cuộc tái cấu trúc đi kèm với "thay máu" cổ đông.
Chuyển trụ sở chính từ TP.HCM ra Hà Nội, tăng mạnh vốn điều lệ lên 268,8 tỷ đồng – đó là những động thái đáng chú ý của CTCP Chứng khoán ASC (ASCS) sau những chuyển động lớn trong cơ cấu cổ đông vào tháng 6/2021.
Cụ thể, ngày 16/6/2021, ông Nguyễn Công Tuấn (SN 1983) đã nhận chuyển nhượng 3,65 triệu cổ phần, trở thành cổ đông chi phối tại ASCS với tỉ lệ sở hữu 65,29% vốn điều lệ. Cùng ngày, ACSC cũng đón thêm một cổ đông lớn khác, là ông Nguyễn Tiên Phong (SN 1978) với tỷ lệ sở hữu 21,86%.
Sau loạt chuyển động lớn trong cơ cấu cổ đông, nhóm chủ mới ở ASCS đã ghi dấu ấn khi bầu ông Nguyễn Công Tuấn lên làm Chủ tịch HĐQT đồng thời chuyển trụ sở về tòa nhà 89 Láng Hạ, quận Đống Đa. Đây chính là nơi toạ lạc của tòa tháp VPBank Tower - trụ sở chính của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Lưu ý rằng, Ban kiểm soát mới nhiệm kỳ 2021 – 2026 của ASCS cũng có sự góp mặt của nhiều thành viên thuộc nhóm VPBank.
Trong năm 2021, CTCP Chứng khoán Quốc gia (NSI) cũng chứng kiến nhiều biến động ở thượng tầng. Theo đó, sau khi hoàn tất đợt phát hành 13 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu để tăng mạnh vốn điều lệ từ 170 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng vào tháng 4/2021, NSI đã có thêm một cổ đông lớn là Công ty TNHH Cappella Group, được thành lập vào tháng 7/2015 bởi ông Phương Hữu Việt (cựu Chủ tịch VietABank).
Trong khoảng thời gian sau đó, từ tháng 5 – 7/2021, chiếc ghế Chủ tịch HĐQT NSI đã lần lượt được chuyển giao từ ông Nguyễn Hải Dương sang ông Hồ Anh Dũng, rồi được trao cho ông Hoàng Lê Sơn. Cùng với đó, trụ sở NSI cũng được chuyển về cùng nơi với trụ sở chính của VietABank tại toà Samsora Premier số 105 Chu Văn An, phường Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội.
Tại Chứng khoán KS, tên trước đây là Chứng khoán Việt Nam Gate Way, diến biến đổi chủ xảy ra hồi cuối năm 2020 và đầu năm 2021. Việc đổi tên diễn ra vào tháng 3/2021, khi xuất hiện cổ đông lớn nhất là bà Trần Thị Thu Hằng - người từng là Tổng giám đốc Sunshine Group, hiện là Chủ tịch Kienlongbank (với ngân hàng số KS Bank) nhận sở hữu hơn 51% cổ phần.
Tương tự, Chứng khoán Đà Nẵng (DSC) cũng tiến hành đổi chủ từ cuối năm 2020 khi xuất hiện 3 cổ đông cá nhân lớn nắm giữ 75% vốn của doanh nghiệp này là ông Nguyễn Đức Anh (25%), Nguyễn Thị Thu Hà (25%) và Tạ Văn Mạnh (25,0%). Các cổ đông này sau đó cũng đã được bầu vào thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017 – 2022, riêng ông Nguyễn Đức Anh được bổ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT.
Hậu "thay máu", DSC đã phát hành riêng lẻ 94 triệu cổ phiếu chào bán cho các nhà đầu tư, nhằm tăng vốn điều lệ gấp 16 lần, từ 60 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng. Sau thương vụ này, CTCP Đầu tư NTP chính thức trở thành cổ đông lớn nhất của DSC khi nắm giữ lên tới 70% vốn điều lệ tương đương 70 triệu cổ phiếu, nắm quyền kiểm soát DSC. Đầu tư NTP do ông Nguyễn Đức Anh nắm 98% vốn, có trụ sở tại tầng 8, Thành Công Building (80 Dịch Vọng Hậu, Hà Nội).
Với CTCP Chứng khoán Thủ Đô (CASC), động thái đổi chủ của công ty này diễn ra từ cuối năm 2019 khi nhóm Gami dần rút vốn.
Cụ thể, sau khi được thành lập vào năm 2006, công ty chứng khoán này suốt nhiều năm sau đó được biết đến là thành viên Gami Group, từng do ông Nguyễn Tiến Dũng trực tiếp đảm trách vai trò Chủ tịch HĐQT. Tới đầu năm 2020, CASC có tân Chủ tịch HĐQT là ông Bùi Minh Kết. Ông Kết đồng thời cũng là Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Năng lượng Thành Nguyên, thành viên của Bamboo Capital Group (Mã CK: BCG).
Đến ngày 16/8/2021 CASC có một cổ đông lớn mới là Công ty TNHH VIG Growth (VIG Growth), sau khi công ty này nhận chuyển nhượng 10,2 triệu cổ phần CASC, tương đương 34,09%VĐL.
Dù vậy, chỉ 2 tuần sau khi trở thành cổ đông lớn, VIG Growth đã gấp rút chuyển nhượng toàn bộ cổ phần CASC cho ông Nguyễn Đình Ngôn. Cùng với đó, CTCP Bamboo Financial Corp (BFC) – thành viên BCG cũng hoàn tất việc nhận chuyển nhượng 6 triệu cổ phần, tương đương với 20% vốn điều lệ CASC.
Đến tháng 11/2021, CASC xuất hiện thêm một tay chơi mới là bà Giáp Thị Phương (SN 1986) sau khi cá nhân này nhận chuyển nhượng hơn 3,748 triệu cổ phần, tương đương với 12,5% vốn điều lệ. Không có nhiều thông tin về bà Giáp Thị Phương, chỉ biết rằng trước khi trở thành cổ đông lớn của CASC, bà Phương là một nhân viên của công ty này.
Trước đó, vào ngày 27/5/2020, chỉ một ngày sau khi tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2020, CTCP Chứng khoán Alpha (APSC) cũng ghi nhận sự thay đổi lớn trong cơ cấu cổ đông.
Theo đó, bà Nguyễn Hồng Hạnh và ông Nguyễn Quốc Hùng đã chuyển nhượng tổng cộng 3,35 triệu cổ phần, tương đương 57,26% vốn điều lệ của Chứng khoán Alpha khi đó, cho 6 nhà đầu tư cá nhân khác. Trong đó có ông Đinh Tuấn Anh và bà Lưu Hồng Huệ, 2 cá nhân này lần lượt là Phó Giám đốc Ban tài chính và Phó Giám đốc ban kinh doanh của Hoàng Minh Group.
Cùng với việc thay đổi cơ cấu cổ đông, nhân sự cấp cao của công ty này cũng biến động mạnh khi ông Nguyễn Hoàng Nam (sinh năm 1983) được bầu làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc thay cho ông Nguyễn Quốc Hùng (sinh năm 1963).
Tại nhiều công ty chứng khoán khác cũng có sự thay đổi lớn trong cơ cấu sở hữu, điển hình như Chứng khoán VDS hay VIG.
Cụ thể, sau ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 (AGM 2021), CTCP Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIG) đã đón thêm một cổ đông lớn La Mỹ Phượng. Từ ngày 15/9 – 16/9, bà Phượng đã liên tục gom mua thêm cả triệu cổ phiếu VIG, tăng mạnh tỉ lệ sở hữu từ 3,98% lên 7,09%.
Nữ cổ đông lớn của VIG La Mỹ Phượng là Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty 4 Oranges Co., Ltd - cái tên đứng sau những nhãn hiệu hàng đầu trên thị trường sơn Việt Nam như Mykolor, Spec, Sonboss, Expo.
Cuối tháng 11/2021, Hội đồng quản trị VIG trình cổ đông thông qua phương án phát hành 66 triệu cổ phần riêng lẻ, giá phát hành tối thiểu là 10.000 đồng/cổ phiếu. Đến ngày 8/12, VICS điều chỉnh tăng mức phát hành riêng lẻ từ 66 triệu cổ phần lên 115 triệu cổ phần, giá phát hành tối thiểu là 10.000 đồng/cổ phiếu.
Theo VIG, việc nâng giá trị phát hành là để tìm kiếm cổ đông chiến lược, nhà đầu tư chuyên nghiệp cho công ty có nguồn vốn đầu tư, kinh doanh để tái cấu trúc, đảm bảo tỷ lệ an toàn tài chính hoạt động và bổ sung nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán phái sinh. Nếu đợt phát hành này thành công, vốn điều lệ của VIG sẽ tăng từ 341 tỷ đồng lên gần 1.500 tỷ đồng, tương đương tăng 4 lần.
Với CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDS), từ ngày 10 – 14/6/2021, ông Nguyễn Hoàng Hiệp đã mua vào 17 triệu cổ phần, trở thành cổ đông lớn với tỉ lệ sở hữu 17% vốn điều lệ. Tính theo thị giá, số cổ phiếu mà ông Hiệp mua vào có giá trị lên tới 350 tỷ đồng. Đáng chú ý, trước giao dịch này, ông Hiệp không nắm giữ cổ phiếu VDS và cũng chưa từng được ghi nhận có mối quan hệ liên quan đến cổ đông nội bộ của công ty.
Cùng trong tháng 6/2021, CTCP Chứng khoán Asean (AseanSC) có báo cáo về kết quả chuyển nhượng cổ phần của cổ đông lớn.
Cụ thể, Công ty TNHH Đầu tư Tài chính và Thương mại Tấn Phát đã bán ra 22,9 triệu cổ phiếu, giảm tỉ lệ sở hữu từ 44,21% xuống còn 22,91% vốn điều lệ. Trong khi đó, Công ty TNHH Dịch vụ thương mại và sản xuất Thịnh Vượng, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Dịch vụ vui chơi giải trí Hà Nội đã mua vào lượng lớn cổ phần AseanSC, nâng tỉ lệ sở hữu lên lần lượt ở mức 11,58% và 13,3% vốn điều lệ.
Đến tháng 12/2021, Thịnh Vượng và Tấn Phát đã bán ra toàn bộ cổ phần tại AseanSC, bên nhận chuyển nhượng lần lượt là Công ty TNHH MTV Đầu tư Xây dựng và Thương mại Đức Thịnh và Công ty TNHH Phát triển dịch vụ thương mại Toàn Thắng. Đáng chú ý, cả 2 pháp nhân này đều thuộc hệ sinh thái của doanh nhân Nguyễn Thị Nga nên nhìn chung đây chỉ là động thái tái cơ cấu của nhóm chủ BRG.
Khánh An
Nguồn tin: https://nhadautu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn