Tối 20-1, Tổng cục Hải quan đã thông tin về việc Công ty cổ phần công nghệ Việt Á của Phan Quốc Việt nhập khẩu khoảng 3 triệu kit test nhanh trong vòng 3 tháng từ Trung Quốc với tổng trị giá gần 65 tỷ đồng và tiếp tục điều tra 7 công ty có liên quan.
Theo Tổng cục Hải quan, thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải thông tin về kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á. Liên quan đến hoạt động nhập khẩu của công ty này, Tổng cục Hải quan thông tin như sau:Các mặt hàng nhập khẩu chính của công ty này trong 5 năm từ 2017-2021 gồm:
Thứ nhất, bộ thành phẩm que test nhanh để xét nghiệm định tính kháng nguyên virrus SARS-CoV-2, chủng loại: Novel Coronavirus 2019-nCoV Antigen Test (Colloidal Gold), mới 100% được công ty này nhập khẩu từ Trung Quốc từ tháng 9 đến tháng 12-2021 là 3 triệu kit, giá khai báo 0,955 USD/kit (khoảng 21.560 đồng/kit), với tổng trị giá là 64,68 tỷ đồng.
Thứ hai là nguyên liệu hóa chất, chất thử, phụ kiện, dụng cụ, máy móc dùng trong phòng thí nghiệm, nguyên liệu sản xuất sinh phẩm chuẩn đoán xét nghiệm (nhập khẩu liên tục trong 5 năm 2017-2021) từ nhiều quốc gia khác nhau.
Theo Tổng cục Hải quan rà soát, Công ty cổ phần công nghệ Việt Á có tổng kim ngạch nhập khẩu trong 5 năm 2017-2021 là 286 tỷ đồng. Trong đó, que test nhanh thành phẩm, hóa chất, chất thử, chất chuẩn dùng trong phòng thí nghiệm là gần 162 tỷ đồng (gồm 64,68 tỷ đồng que thử thành phẩm, 74 tỷ đồng hóa chất, chất thử, chất chuẩn dùng trong phòng thí nghiệm và 23 tỷ đồng dụng cụ dùng trong phòng thí nghiệm) và 123 tỷ đồng máy móc, thiết bị các loại phục vụ việc xét nghiệm, nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.
Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xác minh, điều tra 7 công ty có liên quan đến Việt Á, bao gồm: Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu kỹ thuật - Technimex, Công ty cổ phần vật tư khoa học Biomedic, Công ty cổ phần kỹ thuật và sinh học ứng dụng Việt Nam, Công ty TNHH thiết bị khoa học Lan Oanh, Công ty TNHH thương mại Việt Hoàng Long, Công ty TNHH thiết bị khoa học sinh hóa Vina, Công ty cổ phần công nghệ TBR.
Văn Phúc
Nguồn tin: https://www.sggp.org.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn