Sáng 19/11, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin về phòng vệ thương mại cho các cơ quan báo chí trực tiếp tại Hà Nội và hình thức trực tuyến tại TP. HCM.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Tiến trình hội nhập thương mại tự do đã giúp chúng ta thay đổi căn bản thể chế kinh tế nói riêng và nền kinh tế nói chung. Xuất nhập khẩu của Việt Nam đã gia tăng mạnh mẽ, trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải đối diện với việc cạnh tranh nhập khẩu hàng hóa. Đó là hệ quả tất yếu của việc mở cửa nền kinh tế. Song, chúng ta sẵn sàng cạnh tranh bình đẳng với các thị trường trên thế giới.
Với mong muốn cung cấp những kiến thức, thông tin bổ ích về các cơ hội mà các Hiệp định thương mại tự do (FTA), phòng vệ thương mại (PVTM), tại Hội nghị, Bộ Công Thương đã thông tin về những chính sách PVTM, thực tiễn ứng phó và sử dụng công cụ PVTM,...
Việc tăng cường thông tin truyền thông từ các cơ quan báo chí sẽ giúp cho người dân, doanh nghiệp hiểu rõ hơn về chính sách pháp luật PVTM, phòng, chống bán phá giá trong quá trình thực thi các FTA như hiện nay.
Biện pháp PVTM được áp dụng khi hàng hóa gia tăng đột biến, áp dụng các biện pháp chống bán phá giá. Biện pháp PVTM luôn song hành cùng với tiến trình hội nhập quốc tế. Công cụ PVTM giúp chúng ta bảo vệ được chống áp phá giá.
Theo các chuyên gia đánh giá, thời gian qua, PVTM được xem là công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các ngành sản xuất nội địa, trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều FTA như hiện nay. Vì thế, việc sử dụng và ứng phó các biện pháp PVTM ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới, các vụ việc PVTM gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ ngày càng nhiều hơn với tính chất phức tạp gia tăng.
Ở chiều ngược lại, một số ngành sản xuất trong nước cũng phải chịu áp lực từ việc gia tăng nhập khẩu, do các tác động mở cửa thị trường và cần đến những công cụ chính sách về PVTM để bảo vệ lợi ích của ngành.
Theo ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, mặc dù trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, tác động không nhỏ tới Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) nhưng thương mại xuất nhập khẩu của Việt Nam sang EU và ngược lại đều tăng trưởng hơn 18% so với khi hiệp định chưa có hiệu lực.
So với thời điểm trước khi có FTA, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang các nước ASEAN đã tăng hơn 9 lần, Trung Quốc tăng 15 lần, Hàn Quốc tăng 6 lần, Ấn Độ tăng 5,2 lần Nhật bản tăng 3 lần… Với EVFT, trong 7 tháng đầu năm 2021 kim ngạch XNK đạt 32,4 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020.
Với các Hiệp định mới như CPTPP, 7 tháng đầu năm 2021, tổng thương mại hai chiều giữa Việt Nam và thị trường các nước đạt 52 tỷ USD, FTA - Vương quốc Anh trong 6 tháng đạt 3,29 tỷ USD…
Sau khi Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại tự do cũng cho thấy có rất nhiều thách thức mới, đòi hỏi Việt Nam có sự chuẩn bị kỹ hơn với những giải pháp cụ thể và mạnh mẽ để có thể khai thác tốt hơn các cơ hội mà Hiệp định tự do mang lại.
Quá trình tham gia các Hiệp định tự do thế hệ mới đặt ra nhiều rủi ro và thách thức, vì vậy chúng ta cần có những biện pháp để bảo hộ PVTM. Đặc biệt, tại các nước đang phát triển cần tăng cường bảo hộ để bảo vệ và phát triển “chuỗi cung ứng” sau đại dịch Covid-19
Thuý Ngà
Nguồn tin: https://giadinhonline.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn