Chiều 14/12, chương trình “Dấu ấn Techfest và Whise 2021” trong khuôn khổ Chuỗi sự kiện Ngày hội Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc gia Techfest Việt Nam 2021 lần thứ 7 được tổ chức tại Hà Nội, kết nối trực tuyến với các điểm cầu tại Đà Nẵng, TP.HCM, các địa phương và quốc tế. Đây là sự kiện tâm điểm nằm trong chuỗi hoạt động được tổ chức từ tháng 9/2021 đến tháng 12/2021 do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp cùng UBND TP.HCM, Bộ Ngoại giao cùng nhiều đơn vị.
1,3 tỷ USD đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo năm 2021
Phát biểu khai mạc sự kiện, Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, Techfest quốc gia được tổ chức vào cuối năm là dịp để tổng kết, đánh giá, báo cáo lãnh đạo Chính phủ về các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trong cả nước diễn ra trong năm và để được lắng nghe chỉ đạo về định hướng phát triển trong các năm tiếp theo.
Theo Bộ trưởng, việc thay đổi để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 đã trở thành điều kiện tất yếu của cuộc sống trong trạng thái bình thường mới. Trong bối cảnh đó, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cung cấp những giải pháp mới, công cụ hiệu quả cho việc phòng và chống đại dịch, đồng thời, cũng được ứng dụng mạnh mẽ vào cuộc sống để kiến tạo và phát triển môi trường “bình thường mới”.
“Trong bối cảnh bình thường mới, các sáng kiến, giải pháp, dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo càng phải thể hiện được vai trò tiên phong trong giải quyết những vấn đề của kinh tế - xã hội trên nền tảng phát huy tính tự chủ, sáng tạo, đổi mới của Việt Nam, mà đại diện thế hệ trẻ”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nêu rõ.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN, năm 2021, mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng nguồn tài chính đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam lại tăng cao chưa từng thấy trước đó. Hơn 1,3 tỷ USD đã được ghi nhận đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (cao nhất từ trước tới nay).
Trong hệ sinh thái, sự tham gia của các chủ thể ngày càng tích cực và đã có sự tăng trưởng tốt về số lượng, cụ thể, hiện có khoảng hơn 1.000 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó có 202 khu làm việc chung; 217 quỹ đầu tư/nhà đầu tư; 79 cơ sở ươm tạo; 40 tổ chức thúc đẩy kinh doanh;...
Bộ trưởng Bộ KH&CN cũng cho biết, Việt Nam đang từng bước hình thành các mạng lưới liên kết, thúc đẩy dòng chảy của tri thức, của công nghệ trong và ngoài nước. Một Mạng lưới hỗ trợ và phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam và Mạng lưới các Hội trí thức kiều bào hỗ trợ đổi mới sáng tạo và thương mại hóa công nghệ đã được thiết lập.
“Đây là những tiền đề quan trọng để mở rộng Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, để kết nối ngày càng hữu cơ hơn, hiệu quả hơn với các hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo khác trong khu vực và thế giới”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đổi mới sáng tạo chuyển từ trạng thái “đóng” sang “mở”
Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đã đi được chặng đường 5 năm từ khi Đề án Hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia được ban hành. Đây là thời điểm để tăng tốc, đẩy mạnh liên kết các nguồn lực trong và ngoài nước nhằm tạo ra động lực cho sự phát triển.
“Hệ sinh thái không chỉ là môi trường, mà phải trở thành bệ đỡ cho sự phát triển của các thành phần, là nơi kết nối nguồn cung và nguồn cầu về đổi mới sáng tạo”, Bộ trưởng nêu rõ.
Để làm được điều này, Bộ trường Huỳnh Thành Đạt cho rằng, hệ sinh thái cần có sự thay đổi tư duy trong xây dựng và phát, từ “đóng” sang “mở”. Mở rộng liên kết, hợp tác, khai thác nguồn lực lẫn nhau giữa các thành phần trong hệ sinh thái. Các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cũng cần chủ động, tích cực trở thành đối tác với các chủ thể trong hệ sinh thái, thay vì chỉ là đối tượng nhận hỗ trợ.
Cùng với đó, tăng cường và phát triển hoạt động liên kết trong mạng lưới kết nối khởi nghiệp quốc gia. Kết nối các nguồn lực trong nước, quốc tế; thu hút chuyên gia, người Việt Nam thành công ở nước ngoài tham gia hỗ trợ, đầu tư cho Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.
Bộ trưởng cũng mong muốn các doanh nghiệp, tập đoàn, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội tăng cường đặt hàng, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp khởi nghiệp, thúc đẩy phát triển thị trường sản phẩm đổi mới sáng tạo.
Năm 2021, Việt Nam xếp thứ 44 về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu. Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam xếp hạng 59/100 quốc gia. Hệ sinh thái TP.HCM tăng 46 bậc, xếp vị trí 179; Hà Nội tăng 5 bậc lên vị trí 191 Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá xếp thứ 3 trong nhóm 3 hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo năng động nhất khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia và Singapore.
Từ đầu năm đến nay, Việt Nam ghi nhận 88 thương vụ đầu tư với tổng giá trị hơn 1,3 tỷ USD và nhiều lĩnh vực công nghệ tạo dấu ấn lớn như công nghệ giáo dục, công nghệ y tế. Việt Nam hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Trong đó, có 3 doanh nghiệp được định giá trên 1 tỷ USD (VNG, VNPAY, MOMO) và 11 doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD. Đây cũng là một năm thành công của các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech, Thương mại điện tử, Food & Beverage, Games và Blockchain.
Vân Anh
Nguồn tin: https://vov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn