Kịch bản nào cho 2 doanh nghiệp còn lại trong vụ đấu giá đất Thủ Thiêm?

Thứ hai - 14/02/2022 20:50
Sau khi 2 nhà đầu tư trả giá cao nhất xin "dừng cuộc chơi", kịch bản cho 2 lô đất còn lại tại Thủ Thiêm được dự báo không mấy khả quan.

Sau thời gian khuynh đảo thị trường địa ốc và cổ phiếu bất động sản, vụ đấu giá đất Thủ Thiêm tiếp tục làm nóng dư luận khi 2 nhà đầu tư trả giá cao nhất là Công ty Ngôi Sao Việt – đơn vị trả 2,45 tỷ đồng/m2 cho lô 3-12 và Công ty Bình Minh – đơn vị trả 1 tỷ đồng/m2 cho lô 3 – 9, lần lượt xin bỏ cọc, tạm dừng thực hiện dự án.

Dư luận đang đặt ra câu hỏi liệu 2 nhà đầu tư còn lại tại vụ đấu giá đất Thủ Thiêm có nối gót bỏ cọc

Như vậy, đến hiện tại chỉ còn 2 đơn vị là Công ty CP Dream Republic trúng lô 3 – 5 với giá 593 triệu đồng/m2 và Công ty CP Sheen Mega trúng đấu giá lô 3-8 với 467 triệu đồng/m2.
Theo quy chế, trong vòng 30 ngày kể từ ngày cơ quan thuế ban hành thông báo thu, doanh nghiệp trúng đấu giá phải đóng lệ phí trước bạ và nộp 50% tiền sử dụng đất. Trong vòng 60 ngày tiếp theo, các đơn vị trúng đấu giá phải nộp 50% tiền sử dụng đất còn lại.

Song được biết hiện đã hết thời hạn 30 ngày kể từ khi Cục Thuế thành phố thông báo, 2 doanh nghiệp còn vẫn chưa thực hiện nộp 50% tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ.
Thông tin từ Cục Thuế TP HCM, do còn 2 doanh nghiệp chưa thực hiện nộp theo thông báo lần 1 và chưa có thông báo bỏ cọc, Cục Thuế sẽ thực hiện đôn đốc để thu tiền từ doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp cố tình không thực hiện nộp thì cơ quan thuế mới cưỡng chế bằng các biện pháp như phong tỏa tài khoản ngân hàng, thu hồi bên thứ 3, hóa đơn.

Ngoài ra, với doanh nghiệp thực hiện nộp tiền trúng đấu giá đất muộn hơn so với quy định và quy chế đấu giá, khi thực hiện nộp, cơ quan thuế sẽ tính thêm tiền chậm nộp theo quy định là 0,03%/ngày.

Tuy nhiên, dư luận cũng đặt ra câu hỏi liệu kịch bản nào sẽ xảy ra với 2 doanh nghiệp trên khi cả 2 vẫn đang rất kín tiếng.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, đại diện một doanh nghiệp bất động sản cho biết, kể cả 2 doanh nghiệp còn lại đấu giá xấp xỉ 500 triệu đồng/m2 đất thì bài toán thực hiện dự án tại đây vẫn không khả thi. Vị này cho biết, với Thủ Thiêm, tiềm năng trong tương lai là rất lớn, song đấy là tầm nhìn 5 năm – 10 năm hay thậm chí 20 năm.

Mặt khác, nhìn từ câu chuyện hậu đấu giá, mặt bằng giá mới đã được thiết lập, cổ phiếu bất động sản cũng được phen phi mã, không loại trừ khả năng những nhà đầu cơ hoặc những đơn vị liên quan đã được hưởng lợi quá lớn khi các cổ phiếu tăng phi mã. Và cũng có giả thiết các đơn vị liên quan đã kiếm được món lợi khổng lồ, cao hơn nhiều lần so với khoản tiền cọc bị mất khi đấu giá.

“Dù kết quả cuối cùng bỏ cọc hay không vẫn phải chờ 2 doanh nghiệp còn lại lên tiếng, nhưng kịch bản bỏ cọc không phải không có khả năng” – vị này cho biết.

Giá nhà Thủ Thiêm có thể lên tới 500 - 600 triệu đồng/m2 nếu 2 lô đất còn lại được triển khai dự án

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) cũng phân tích, với lô 3 - 5 có giá trúng đấu giá 3.820 tỉ đồng với đơn giá 592 triệu đồng/m2 đất ở là quá cao. Do tòa nhà chỉ cao 10 tầng và chỉ có 76 căn hộ nên cấu thành giá đất bình quân của mỗi căn hộ lên đến khoảng 47,16 tỉ đồng/căn.

Cộng với chi phí đầu tư xây dựng bình quân khoảng 2,3 tỉ đồng/căn, ông Châu cho rằng, dự án chỉ có 76 căn hộ và 600m2 sàn thương mại (quy đổi thành tổng 81 căn hộ), có thể “dự đoán” giá bán bình quân căn hộ của dự án này có thể lên đến khoảng 80 tỉ đồng/căn. Theo đó, đơn giá sàn căn hộ ở mức trên dưới 666 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm VAT), cao hơn giá thị trường hiện nay từ 3,3-4,4 lần.

Với cách tính tương tự, giá bán căn hộ Lô 3-8 vào khoảng 510 triệu đồng/m2, cao hơn giá thị trường hiện nay từ 2,5-3,4 lần. Với giá bán trên, các căn hộ sẽ chỉ dành cho giới siêu giàu.
“Nếu nhà đầu tư trúng đấu giá không nhằm “mục đích khác” và thực sự đầu tư dự án nhà ở thương mại cao cấp tại Thủ Thiêm thì có thể đã quá kỳ vọng vào “thị trường tương lai” trong 5-8 năm tiếp theo” – ông Châu nhận định.

Liên quan đến thông tin này, ông Huỳnh Phước Nghĩa, chuyên gia tư vấn cao cấp tại Công ty GIBC cho rằng thông tin bỏ cọc của các doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm không gây bất ngờ bởi số tiền trúng đấu giá là một con số khá lớn trong bối cảnh hệ thống ngân hàng vẫn đang siết việc cho vay bất động sản.

Huy động đủ số tiền nói trên cũng không dễ. Hơn nữa, bản thân các công ty trên chỉ mới thành lập với số vốn khá ít ỏi, nên sau khi 2 doanh nghiệp bỏ cọc, họ cũng có thể sẽ “suy nghĩ” lại, nhất là về khả năng tạo ra lợi nhuận như thế nào của khu đất đó.

"Giả sử cả 2 doanh nghiệp còn lại đều bỏ cọc cũng không gây thiệt hại gì với TP.HCM. Về thị trường, các lô đất ở Thủ Thiêm vẫn có sức hấp dẫn rất cao. Các lô đất đó nếu đem ra tổ chức đấu giá lại sẽ nhanh chóng tìm được nhà đầu tư mới" - vị chuyên gia này khẳng định.

Diệu Hoa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây