Ngày Thầy thuốc Việt Nam - 27/2: Cảm động chuyện y, bác sĩ hiến máu tình nguyện

Thứ tư - 26/02/2020 21:49
Như thường lệ, thời điểm sau Tết lượng máu tại các bệnh viện rất khan hiếm không đủ cho nhu cầu điều trị của các bệnh nhân. Năm nay, cộng thêm ảnh hưởng dịch Covid-19 nên tình trạng khan hiếm máu càng trở nên trầm trọng. Tại các bệnh viện, các y, bác sĩ vừa phải chống dịch vừa tích cực tham gia hiến máu tình nguyện, góp phần bổ sung đơn vị máu để điều trị cho bệnh nhân.
Hình ảnh bác sĩ hiến máu tình nguyện.
Hình ảnh bác sĩ hiến máu tình nguyện.

Chống dịch nhưng đừng quên đi hiến máu

Tại thời điểm hầu hết các trường cho học sinh nghỉ học, các cơ quan, doanh trại cũng lo ứng phó phòng, chống dịch bệnh cộng với sau kỳ nghỉ Tết nên hầu như các kế hoạch hiến máu đều bị đình lại. Từ đó nguồn máu dự trữ tại ngân hàng máu thiếu trầm trọng, ảnh hưởng đến việc điều trị, cứu các bệnh nhân. 

Trước tình hình này, thông điệp "Phòng tránh nCoV, đừng quên đi hiến máu" bắt đầu được chia sẻ rộng rãi. Hàng nghìn người đã vượt mưa gió, vượt qua những lo ngại về virus Corona tới hiến máu tại các điểm hiến máu tình nguyện.

Theo Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, riêng trong 5 ngày sau kêu gọi (5 – 10/2), Viện đã tiếp nhận 9.888 đơn vị máu. Trong khi 13 ngày trước đó (từ 23/1 đến 4/2): Viện chỉ tiếp nhận được tổng cộng 875 đơn vị máu. Đến sáng 11/2/2020, lượng máu dự trữ của Viện là 10.395 đơn vị máu, trong đó nhóm A chỉ là 1.200 đơn vị (12%).

Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng máu rất cao và bị thiếu hụt trong gần 3 tuần nên vẫn rất cần sự tiếp tục chung tay của các cơ quan, đơn vị và cộng đồng (đặc biệt là những người có nhóm máu A) với người bệnh trong những ngày tiếp theo.

Để thể hiện tinh thần đoàn kết cùng cả nước chung tay đẩy lùi dịch Covid-19 cũng như chống chọi với tình trạng khan hiếm máu, tại Hà Nội, nhiều bệnh viện liên tục kêu gọi mọi người bao gồm cả nhân viên y tế triển khai hiến máu tình nguyện để góp phần bổ sung lượng máu cứu chữa cho bệnh nhân.

Hưởng ứng lời kêu gọi, sáng 19/2 đã có gần 200 cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện Xanh Pôn đăng ký hiến máu trong chương trình “Từ trái tim đến trái tim” và ngay từ 8h sáng đã có rất đông người đến tham gia hiến máu.

Trước đó, ngày 7/2, tại hội trường lớn, nhà P, Bệnh viện Bạch Mai, rất nhiều bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế, sinh viên Trường Cao đẳng Y Bạch Mai, người nhà bệnh nhân và người dân đã đến để hiến máu. Trong những ngày đầu của đợt phát động (ngày 6 và 7/2), chương trình đã thu được trên 500 đơn vị máu.

Cũng trong ngày 7/2, Phòng khám Đa khoa Quốc tế Thu Cúc (216 Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội), Công đoàn bệnh viện phối hợp cùng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương và các đơn vị thành viên hệ thống y khoa và thẩm mỹ Thu Cúc đã tổ chức hoạt động hiến máu tình nguyện thu hút khoảng 1.000 cán bộ, nhân viên cùng người thân và người nhà bệnh nhân đang điều trị tại cơ sở y tế của Thu Cúc.

Tất cả vì bệnh nhân

Nói về vấn đề hiến máu cứu người của y, bác sĩ, PGS.TS Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết: “Người thầy thuốc không chỉ trực tiếp chữa bệnh, cứu người, mà qua nghĩa cử hiến máu cao đẹp còn gián tiếp chữa bệnh, cứu người. Ngày hội hôm nay khiến tôi cảm thấy xúc động và trân trọng hơn tấm lòng, hành động của cán bộ, nhân viên bệnh viện, những người đã biết sống quan tâm tới cộng đồng. Nghĩa cử cao đẹp của những tấm lòng nhân ái trong bệnh viện đã góp phần lan tỏa tình cảm yêu thương, sẻ chia, tình người ấm áp giữa cơn khủng hoảng thiếu máu sau Tết”.

Theo GS.TS Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, mỗi ngày, trung tâm phẫu thuật ngoại khoa mổ khoảng 250 bệnh nhân, trong đó có 25-30 trường hợp cấp cứu, hầu hết là bệnh nhân tai nạn giao thông bị chấn thương, hoặc đa chấn thương phức tạp cần truyền lượng máu rất lớn, số còn lại là mổ phiên (mổ được xếp lịch trước).

 GS.TS Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức trong một lần hiến máu.
 GS.TS Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức trong một lần hiến máu. 

Với mổ phiên, lượng máu có thể được dự tính và chuẩn bị từ trước, nhưng với cấp cứu thì không. Có những bệnh nhân cấp cứu do vỡ gan, lượng máu cần truyền trong một lần có thể lên tới hơn 10 đơn vị. Để có con số này, bệnh viện cần huy động tới hàng chục người hiến máu mới đủ: "Mỗi ngày chúng tôi cần tới hơn 200-250 đơn vị máu. Có những trường hợp mổ cấp cứu phải huy động cộng đồng, người nhà, thậm chí có ca không thể mổ ngay lập tức vì không có đủ máu"- ông Giang nói.

Tại Bệnh viện Việt Đức, mỗi khi có đợt phát động hiến máu, hàng trăm y, bác sĩ, nhân viên y tế của bệnh viện đều đến trước 7 giờ sáng để hiến máu trước khi bước vào ngày làm việc căng thẳng. Lãnh đạo Khoa Phẫu thuật cấp cứu tiêu hoá Bệnh viện Việt Đức  chia sẻ, có hôm ông có 2 ca mổ phiên. Trước giờ mổ, ông vẫn tranh thủ đến viện sớm để hiến máu tình nguyện.

Bác sĩ Trịnh Tú Tâm công tác tại Bệnh viện Việt Xô cho biết, hầu hết các cán bộ nhân viên đều tích cực tham gia hiến máu. Tuy nhiên, để cân bằng số lượng người làm việc và  số lượng người hiến máu trong các đợt phát động trong năm, phía bệnh viện đã chia ra nhiều đợt để luôn có đủ số lượng người phù hợp.

Với thông điệp sẻ chia yêu thương, trao niềm hy vọng, chung tay khắc phục tình trạng khan hiếm máu, mang lại hy vọng sống cho người bệnh, các thầy thuốc không chỉ làm tốt công tác chuyên môn tay nghề để chăm sóc người bệnh mà bất kể khi nào bệnh nhân cần họ cũng luôn sẵn sàng san sẻ những giọt máu của chính mình cho bệnh nhân. 

 

Bích Vân

Nguồn tin: https://baophapluat.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây