Bất ngờ với chất lượng tài sản BB Group của ông Vũ Quang Bảo

Thứ tư - 06/04/2022 22:47
Tiền và tương đương tiền rất thấp, tỷ trọng của các khoản phải thu trong tổng tài sản rất cao, nợ ngắn hạn vượt xa tài sản ngắn hạn… là những điểm đáng chú ý trong bức tranh tài sản năm 2021 của Công ty Cổ phần BB Group.
Bất ngờ với chất lượng tài sản BB Group của ông Vũ Quang Bảo

Chân dung BB Group

Với người Thái Bình, làng Mẹo (tức làng Phương La), xã Thái Phượng, huyện Hưng Hà, là một địa danh vô cùng nổi tiếng, bởi nơi đây là quê hương của rất nhiều doanh nhân tên tuổi, những đại gia tầm cỡ, là “ngôi làng tỷ phú” của “quê hương năm tấn”.

Trong số các đại gia xuất thân làng Mẹo, ông Vũ Quang Huy và hai người con Vũ Quang Hội, Vũ Quang Bảo là những doanh nhân lừng danh nhất, vì đã sáng lập và phát triển nên Bitexco – một trong những tập đoàn tư nhân hàng đầu Việt Nam, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như năng lượng và bất động sản.

Tại Bitexco, ông Vũ Quang Hội là người kế vị cha mình, làm Chủ tịch HĐQT. Chức Tổng giám đốc được giao cho ông Vũ Quang Bảo. Tuy nhiên, ngoài vị trí tại Bitexco, ông Vũ Quang Bảo cũng đã kịp có cho mình một cơ nghiệp riêng, đó là BB Group.

BB Group là tập đoàn có quy mô khá lớn với nhiều đơn vị thành viên, hoạt động trong các lĩnh vực: bất động sản, công nghiệp khí, khai khoáng, xây dựng, hàng tiêu dùng. Trong khuôn khổ bài viết này, VietnamFinance chỉ đề cập tới pháp nhân Công ty Cổ phần BB Group – doanh nghiệp hạt nhân của tập đoàn BB Group.

Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần BB Group (từ đây gọi tắt là BB Group) được thành lập tháng 4/2017, đóng trụ sở tại tháp The Manor, đường Mễ Trì, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh bất động sản.

Tại năm thành lập, BB Group có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, do 3 cổ đông góp vốn: Vũ Quang Bảo (65%), Vũ Thị Thu Hằng (15%) và Nguyễn Tự Huy (20%). Ông Vũ Quang Bảo làm Chủ tịch HĐQT, người đại diện theo pháp luật. Ông Bảo sinh năm 1970, đăng kí địa chỉ thường trú ngay tại tòa tháp The Manor.

4 năm sau ngày thành lập, BB Group có màn tăng vốn đầu tiên, lên 1.000 tỷ đồng vào tháng 8/2021. Điều bất ngờ là chỉ trong 4 tháng sau đó, công ty liên tiếp tăng vốn, với mỗi đợt tăng vốn thêm 1.000 tỷ đồng, lần lượt vào tháng 10 và tháng 12/2021, đưa vốn điều lệ công ty chạm mốc 3.000 tỷ đồng vào cuối năm 2021.

Màn tăng vốn ngoạn mục này không phải ngẫu nhiên diễn ra, nó có quan hệ khá lớn tới bức tranh tài sản của công ty này.

Thấy gì trong bức tranh tài sản của BB Group?

Dữ liệu cho thấy, tại ngày 31/12/2021, tổng tài sản của BB Group là 8.674 tỷ đồng, tăng 49% so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn là 3.163 tỷ đồng, tài sản dài hạn là 5.511 tỷ đồng, lần lượt tăng 69% và 39% so với đầu năm.

Điểm đáng chú ý nhất trong bức tranh tài sản của BB Group là các khoản phải thu. Cụ thể, các khoản phải thu ngắn hạn đạt 3.158 tỷ đồng, tăng 73%; các khoản phải thu dài hạn đạt 1.487 tỷ đồng, giảm 27% (so với đầu năm). Tổng giá trị các khoản phải thu là 4.645 tỷ đồng, chiếm tới 53,5% tổng tài sản. Năm trước đó (2020), tỷ trọng của các khoản phải thu còn lên tới 66,2%.

Thuyết minh cho thấy các khoản phải thu chiếm tỷ trọng 10% trở lên trong tổng phải thu gồm: Công ty Cổ phần BB Power Holdings 830 tỷ đồng, Công ty Cổ phần BB Land Holdings 182 tỷ đồng.

Việc để các khoản phải thu chiếm tới hơn một nửa tổng tài sản cho thấy chất lượng tài sản của BB Group đang ở tình trạng kém lành mạnh.

Một điểm nhấn khác trong bức tranh tài sản là khoản đầu tư vào công ty con đạt giá trị 3.988 tỷ đồng, tăng gấp đôi đầu năm, chiếm 46% tổng tài sản. Điều này thể hiện cho vai trò “công ty đầu tư” của BB Group trong toàn bộ hệ sinh thái. Việc gia tăng đầu tư tài chính dài hạn này đã giúp cho bức tranh kinh doanh của BB Group có điểm đột phá trong năm 2021 (sẽ được nói tới ở bài sau).

Về nguồn vốn, tại ngày kết thúc năm 2021, nợ phải trả của BB Group là 5.717 tỷ đồng, tăng 3,6% so với đầu năm. Nợ ngắn hạn là 5.193 tỷ đồng, nợ dài hạn là 524 tỷ đồng.

Cơ cấu nợ phải trả như trên của BB Group đã ngay lập tức cho thấy điểm yếu của doanh nghiệp này khi nợ ngắn hạn vượt xa tài sản ngắn hạn (5.193 tỷ đồng/3.163 tỷ đồng). Nợ ngắn hạn gấp 1,6 lần tài sản ngắn hạn khiến hệ số khả năng thanh toán ngắn hạn - biểu thị cho khả năng chuyển đổi tài sản thành tiền để thanh toán nợ ngắn hạn cho doanh nghiệp - trở nên rất thấp.

Xét cơ cấu nợ ngắn hạn của BB Group, khoản “phải trả ngắn hạn khác” có giá trị lớn nhất, đạt 3.317 tỷ đồng; theo sau là nợ vay ngắn hạn, đạt 1.753 tỷ đồng (tăng gấp 2,2 lần so với đầu năm).

Xét cơ cấu nợ dài hạn, nợ vay dài hạn đạt 413 tỷ đồng, giảm nhẹ 4% so với đầu năm. Như vậy, tổng giá trị nợ vay của BB Group là 2.166 tỷ đồng, tăng 79% so với đầu năm.

Tình trạng nợ vay tăng vọt như trên có quan hệ rất lớn tới sự gia tăng của các khoản phải thu của công ty (sẽ được nói tiếp trong bài sau).

Vốn chủ sở hữu của BB Group tại ngày kết năm 2021 đứng ở mức 2.957 tỷ đồng, tăng gấp 9,6 lần so với đầu kỳ, nhờ màn tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng đã nói ở phần trên.

Với vốn chủ sở hữu thấp hơn vốn điều lệ, dễ dàng nhận ra BB Group đang lỗ lũy kế 42,7 tỷ đồng.

Hệ số nợ của BB Group tại ngày kết năm 2021 là 1,9 lần, mức tương đối cao. Dù vậy, so với năm 2020, hệ số nợ đã được cải thiện rất lớn. Năm 2020, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của BB Group lên tới 18 lần.

Ái Châu Tử

Nguồn tin: https://vietnamfinance.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây