Sắp được lùi hạn nộp nhiều loại thuế, doanh nghiệp tạm yên tâm dòng tiền trước mắt
Bộ Tài chính vừa hoàn tất các dự thảo nghị định lùi hạn nộp nhiều loại thuế quan trọng và tiền thuê đất cho doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh.
Do đây là các giải pháp cấp bách cần ban hành ngay để kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp và các đối tượng chịu tác động trong giai đoạn khó khăn nên Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép Nghị định hiệu lực kể từ ngày ký.
Với thuế giá trị gia tăng (VAT) của doanh nghiệp từ tháng 3-5/2022 và quý I/2022, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn 6 tháng; thuế của tháng 6 và quý II sẽ gia hạn 5 tháng; thuế của tháng 7 gia hạn 4 tháng và gia hạn 3 tháng với thuế VAT của tháng 8.
Tổng số thuế giá trị gia tăng nằm trong diện gia hạn khoảng 53.300-54.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, số thu ngân sách năm 2022 không giảm do doanh nghiệp vẫn phải nộp trước 31/12 năm nay.
Với hộ, cá nhân kinh doanh, Bộ đề xuất gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân chậm nhất là 31/12 năm nay. Số thuế được gia hạn khoảng hơn 15.300 tỷ đồng và số thu ngân sách không bị giảm.
Bộ Tài chính cũng đề nghị gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp để tạo điều kiện hỗ trợ vốn trong giai đoạn hiện nay. Cụ thể, dự thảo trình gia hạn tạm nộp thuế của quý I, quý II kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022. Thời gian gia hạn là 3 tháng. Ước tính số thuế thu nhập doanh nghiệp được chậm nộp khoảng 51.000-52.000 tỷ đồng.
Thuế tiêu tụ đặc biệt phải nộp của tháng 6,7, 8 và tháng 9 đối với ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước cũng được lùi hạn nộp tới 20/11 năm nay.
Đối với tiền thuê đất, thuê mặt nước, thời hạn nộp tiền thuê hàng năm là 2 kỳ (kỳ thứ nhất nộp 50%, chậm nhất ngày 31/5; kỳ thứ hai nộp đủ phần còn lại, chậm nhất ngày 31/10).
Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị gia hạn nộp tiền thuê đất, thuê mặt nước của kỳ thứ nhất trong 6 tháng, tới 31/11 năm nay. Dự kiến số tiền thuê đất, mặt nước được gia hạn khoảng 3.500-3.700 tỷ đồng.
Việc giãn hoãn nộp thuế áp dụng cho doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh thuộc nhiều ngành nghề sản xuất, kinh doanh như nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt; sản xuất trang phục; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế); vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống; giáo dục và đào tạo; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; hoạt động kinh doanh bất động sản...
PAN vào bước cuối để thâu tóm toàn bộ Bibica
Công ty cổ phần Tập đoàn PAN vừa thông báo đăng ký chào mua 7,7 triệu cổ phiếu, tương đương 41,06% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của CTCP Bibica. Giá chào mua 71.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn giá tham chiếu của cổ phiếu BBC bình quân 60 phiên (từ 27/10/2021 đến 19/1/2022) là 65.098 đồng/cổ phiếu. Ước tính, giá trị thương vụ lên đến gần 550 tỷ đồng.
PAN Group đang là công ty nắm quyền chi phối 58,94% cổ phần tại Bibica. Nếu đợt chào mua thành công, PAN Group sẽ hoàn thành thâu tóm 100% doanh nghiệp bánh kẹo này. Tập đoàn thực phẩm dự kiến sẽ hoàn thiện chuỗi sản xuất, cung ứng và duy trì hoạt động theo kế hoạch kinh doanh của Bibica đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua.
Tập đoàn PAN góp mặt trong cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp bánh kẹo có lịch sử gần 30 năm này đầu năm 2015. Trước thời điểm đó, Lottle từng mong muốn sở hữu hoàn toàn Bibica cùng mong muốn đổi tên doanh nghiệp, xem Bibica là công ty con thực hiện gia công sản phẩm, không phát triển thị phần và thương hiệu vốn có.
Lãnh đạo Tập đoàn cho biết, trong các năm qua luôn theo đuổi mục tiêu trở thành công ty hàng đầu khu vực về nông nghiệp và thực phẩm, khởi đầu từ Việt Nam và sẽ mở rộng trên toàn khu vực, nhờ chiến lược phát triển hữu cơ, mua lại và hợp nhất các công ty hoạt động hiệu quả, minh bạch và quản trị tốt trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm.
PAN Group tập trung vào 3 mảng kinh doanh lớn gồm nông nghiệp, thực phẩm và phân phối hàng tiêu dùng. Trong đó, Bibica là mảnh ghép quan trọng trong chiến lược 3F (Feed – Farm – Food) khi tham gia vào ngành thực phẩm. Với cơ cấu tập trung, Bibica sẽ dễ dàng hơn trong việc thống nhất các đường lối chính sách, định hướng phát triển và phê duyệt đầu tư dự án.
Vietnam Airlines tạm dừng khai thác đường bay đến Nga
Vietnam Airlines thông báo tạm dừng khai thác đường bay giữa Hà Nội – Moskva từ ngày 25/3/2022 để làm rõ vấn đề bảo hiểm.
Theo đó, trong thời gian xem xét, làm rõ các thủ tục, yêu cầu và quy định liên quan đến vấn đề bảo hiểm phương tiện và hoạt động khai thác bay đến Nga, Vietnam Airlines thông báo tạm dừng khai thác đường bay giữa Hà Nội – Moskva từ ngày 25/3/2022 cho tới khi có thông báo mới.
Vietnam Airlines rất lấy làm tiếc vì tình huống bất khả kháng này. Các hành khách bị ảnh hưởng sẽ được hỗ trợ hoàn vé hoặc đổi vé miễn phí sang các chuyến bay khác khi đường bay được phục hồi.
Vietnam Airlines đang nỗ lực làm việc với các cơ quan liên quan để có thể khôi phục hoạt động khai thác đường bay Nga trong thời gian sớm nhất. Hãng khuyến nghị hành khách thường xuyên theo dõi và cập nhật thông tin trong các thông báo tiếp theo.
Trước khi đưa ra quyết định nói trên, Vietnam Airlines đang khai thác đường bay thường lệ giữa Hà Nội và Moscow (Nga) với tần suất 1 chuyến/tuần.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, chiến sự Nga-Ukraine xảy ra đã kéo theo việc EU, Mỹ, Anh, Canada đóng cửa bầu trời với Nga bao gồm cả việc cất/hạ cánh và bay qua không phận các nước này. Nga cũng có các động thái tương tự với các quốc gia nói trên.
Điều này đã gây ảnh hưởng trực tiếp lên hành khách, các hãng hàng không và làm tăng chi phí bay thậm chí của cả các hãng hàng không không tham gia cấm vận do máy bay phải thay đổi lộ trình khai thác, phát sinh các vấn đề bảo hiểm, thanh toán, dự phòng rủi ro...
Ghế quá nóng, Thuduc House lại công bố Chủ tịch mới
HĐQT Công ty Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House) lại vừa có công bố mới về vị trí Chủ tịch HĐQT. Lần này, cái tên trên ghế nóng là ông Dương Ngọc Hải.
Ông Hải là Phó chủ tịch HĐQT, đảm nhận vị trí Chủ tịch kể từ ngày 22/3, thay thế cho ông Lữ Minh Sơn vừa xin từ nhiệm kể từ 14/3, tức chỉ sau hơn 1 tháng được bổ nhiệm tạm thời.
Ôgn Dương Ngọc Hải chỉ vừa tham gia HĐQT Thuduc House từ tháng 12/2021, sau khi được bổ nhiệm vào chức vụ Phó chủ tịch HĐQT.
Như vậy, chỉ chưa đầy 2 tháng nhưng Thuduc House đã có tới 2 lần thay đổi vị trí lãnh đạo cao nhất của Công ty.
Biến động nhân sự cấp cao diễn ra trong bối cảnh Công ty vướng phải nhiều lùm xùm truy thu thuế. Trước đó ngày 25/11/2021, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam với ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng, nguyên Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc và ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh – nguyên Thành viên HĐQT và kiêm Phó Tổng Giám đốc của Công ty.
Kết thúc năm 2021, Thuduc House lỗ kỷ lục hơn 715 tỷ đồng, đây là năm thứ 2 liên tiếp báo lỗ của doanh nghiệp này, cũng là Thuduc House xảy ra nhiều sự cố liên quan đến thuế và nhiều nhân sự bị tạm giam.
Cổ đông muốn dự đại hội đồng cổ đông quá đông, Địa ốc Hoàng Quân xin hoãn họp
Công ty cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân vừa có văn bản giải trình về việc hoãn tổ chức ĐHĐCĐ cũng như hủy bỏ danh sách cổ đông chốt quyền tham dự đại hội vào ngày 7/2/2022.
Theo Công ty, do chỉ còn khoảng 6 ngày đến kỳ họp thì các thành viên Ban lãnh đạo, Ban tổ chức bị nhiễm COVID-19 và lây chồng chéo nhau.
Đồng thời, số lượng cổ đông hiện đã tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ và vượt xa số lượng dự kiến, Hoàng Quân cho biết sẽ ảnh hưởng đến công tác tổ chức. Do đó, Công ty xin hoãn lại kỳ họp ĐHĐCĐ năm nay và sẽ sắp xếp lại hội trường đủ sức chứa.
Sau khi HQC thông báo sẽ dời thời gian tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2022, đang có thông tin nhóm cổ đông sở hữu 10% vốn của Công ty đã có động thái phản đối và yêu cầu phải tổ chức ĐHĐCĐ bất thường trong vòng 30 ngày. Mục đích của cuộc họp này là nhằm thông qua các nội dung đã công bố trong chương trình họp trước đó, đồng thời bầu lại thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát.
Trước đó vào ngày 12/03, một nhóm cổ đông cũng đã có công văn gửi đến HĐQT Công ty cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân đề nghị bầu bổ sung thành viên HĐQT cho nhiệm kỳ 2020-2024.
Khánh An tổng hợ
Nguồn tin: https://baodautu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn