Trước khi gây rúng động với vụ “lật kèo” phiên đấu giá đất Thủ Thiêm trị giá 24.500 tỷ đồng, Tân Hoàng Minh cũng đã khiến dư luận “dậy sóng” bởi những lùm xùm từ nhiều dự án trước đó.
Ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã khiến nhiều người "té ngửa" khi có tâm thư gửi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và nhiều quan chức về việc bỏ cọc đất Thủ Thiêm. Đáng chú ý, bỏ cọc là điều đã được dư luận dự báo từ trước khi Tân Hoàng Minh quyết định đưa ra mức giá không tưởng 24.500 tỷ đồng cho mảnh đất 3-12 ở Thủ Thiêm.
“Bỏ cọc” đất Thủ Thiêm, Lê Duẩn
Trong phiên đấu giá diễn ra ngày 10/12/2021, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh) đã thực sự tạo ra “quả bom” khiến giới truyền thông tốn không ít giấy mực khi trúng Lô đất 3-12 rộng 10.059,7 m² ở khu đô thị mới Thủ Thiêm với mức giá không tưởng là 24.500 tỷ đồng, gấp 8,3 lần giá chào (tương đương 2,43 tỷ đồng/m2 đất). Đây cũng là mức giá đất cao nhất TP HCM và lập kỷ lục tại thị trường Việt Nam.
Ngay sau khi thông tin được công bố, sự kiện này trở thành “thỏi nam châm” của dư luận. Rất nhiều ý kiến lo ngại rằng đây là cách “thổi giá” mà Tân Hoàng Minh đang áp dụng. Hầu hết đều cho rằng sau khi đưa giá bất động sản lên mặt bằng mới, Tân Hoàng Minh sẽ “bỏ cọc”.
Lo ngại này không phải không có cơ sở. Chỉ vài ngày sau phiên đấu giá “lịch sử”, nhiều chủ đất tại Thủ Thiêm đã rục rịch nâng giá nhà đất. Vì vậy, nhiều người lo ngại mức giá cao không tưởng này gây ra nhiều hệ luỵ hơn là số tiền khủng được nộp vào ngân sách Nhà nước.
Cũng đúng như dự báo của dư luận, mới đây, đích thân ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tân Hoàng Minh đã có tâm thư chia sẻ về việc… bỏ cọc đất Thủ Thiêm. Điều đó đã xảy ra như một sự thật hiển nhiên.
Không mấy người ngạc nhiên về quyết định "bỏ cọc", có chăng chỉ là ngạc nhiên trước “tâm thư” của ông Đỗ Anh Dũng. Trước đây, Tân Hoàng Minh cũng khiến dư luận đặt ra câu hỏi về việc “thổi giá” đất tại đường Lê Duẩn rồi bỏ cọc còn có căn nguyên nào sâu xa?.
Tháng 6/2015, Tân Hoàng Minh trúng thầu khu đất vàng diện tích 3.000m2 tại số 23 Lê Duẩn, quận 1 (TP.HCM) với mức giá 1.430 tỷ đồng (477 triệu đồng/m2). Đây được coi là mức giá rất cao trong một phiên đấu giá. Vì vậy, Tân Hoàng Minh cũng bị nghi ngờ “thổi giá”.
Không lâu sau đó, Tân Hoàng Minh đề nghị huỷ kết quả vì cho rằng đơn vị tổ chức có sai phạm về bước giá.
Tới tháng 6/20216, Tân Hoàng Minh đề nghị mua lại mảnh đất và sẵn sàng trả 260 tỷ đồng tiền phạt. Tháng 5/2017, Tân Hoàng Minh nhận đất và dự kiến khởi công trong quý 3/2017. Nhưng lại một lần nữa Tân Hoàng Minh “tiền hậu bất nhất” khi không thực hiện kế hoạch.
Năm 2019, Tân Hoàng Minh đã chuyển nhượng khu đất cho ngân hàng Techcombank.
Khách hàng "nổi giận" tại dự án D'Capitale
Tân Hoàng Minh được đánh giá là một trong số những đơn vị tiên phong trong phân khúc bất động sản siêu sang. Tuy nhiên, không lâu sau khi giới thiệu hàng loạt dự án với mức giá trên trời (ở thời điểm đó), Tân Hoàng Minh bỗng án binh bất động.
Tuy nhiên, khi kết thúc khủng hoảng kinh tế, Tân Hoàng Minh trở lại với hàng loạt dự án ấn tượng. Và vẫn như xưa, Tân Hoàng Minh trung thành với phân khúc siêu sang.
Thế nhưng, khi sản phẩm “hình thành”, khách hàng Tân Hoàng Minh đồng loạt phản ánh về chất lượng căn hộ kém không đúng như những lời quảng cáo, giới thiệu.
Tháng 10/2018, dự án được quảng cáo là căn hộ siêu sang D'Capitale (Trần Duy Hưng, Hà Nội) nhưng hành lang chỉ rộng 1,4m, không bằng hành lang của nhà ở xã hội, gần 300 chủ khách hàng là những người mua nhà dự án này đồng loạt phản ứng và viết đơn khiếu nại.
Trao đổi với phóng viên, Anh H.T, một người mua nhà tại D'Capitale tiết lộ Tân Hoàng Minh hạn chế cho cư dân xem trước căn hộ nên phải khó khăn lắm anh và bạn bè mới phát hiện ra sự thật này.
"Nhiều cuộc họp giữa cư dân D'Capitale và chủ đầu tư diễn ra nhưng không đi đến sự thống nhất. Cư dân đã cố gắng thỏa hiệp với chủ đầu tư nhưng sự việc không được giải quyết dứt điểm, đúng pháp luật, cư dân đành ngậm ngùi chấp nhận", anh T. bức xúc.
Tới năm 2019, Tân Hoàng Minh một lần nữa khiến thị trường bất động sản xôn xao vì D’. Le Roi Soleil, một dự án nằm ở vị trí đắc địa gần Hồ Tây bị phản ánh là chất lượng kém. Khách hàng nói rằng họ đang bị lừa dối đối với tài sản mình đã mua, đầu tư
Ngoài việc chậm tiến độ, dự án còn bị tố mất điện 8 tiếng, thang máy đã có lần rơi tự do, tự đóng mở cửa. Cửa ra vào được quảng cáo dùng vật liệu chống cháy, song vừa đưa vào sử dụng đã bong tróc. Thang máy được quảng cáo là hàng Nhật, trong khi kiểm tra lại cho thấy đây là hàng Trung Quốc,…
Có thể thấy, là đơn vị tiên phong trong phân khúc bất động sản siêu sang nhưng Tân Hoàng Minh đã để lại quá nhiều tiếng, lùm xùm trên thị trường bất động sản hiện nay. Đó là “nổ” chất lượng chung cư, lừa dối khách hàng.
Người dân đang lo ngại về việc “làm xiếc, thổi giá” đất lên cao của những tên tuổi trong lĩnh vực bất động sản hiện nay đang gây ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường nhà ở trong thời gian tới và tương lai xa.
Tình trạng "ôm đất", thổi giá đang khiến nguy cơ nhiều người có nhu cầu thực không thể mua được nhà.
Cần phải nói rõ thêm, phiên đấu giá đất Thủ Thiêm vẫn đang làm đúng luật và tiếp tục thực hiện trách nhiệm của mình như bình thường thì Tân Hoàng Minh lại bỏ cọc và “nguỵ biện” đó như một hành động yêu nước.
Không lâu sau khi Tân Hoàng Minh trúng phiên đấu giá đất Thủ Thiêm, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) đã có văn bản gửi UBND TP.Hà Nội và các sở, ngành liên quan đề nghị phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu về các dự án do Tập đoàn Tân Hoàng Minh thực hiện tại Hà Nội.
Có 11 dự án nằm trong diện xác minh được nêu rõ, gồm: D’.Le Pont D’ or Hoàng Cầu; D'. Palais Louis Nguyễn Văn Huyên; D' San Raffles Hàng Bài; D' El Dorado I Phú Thượng; D'. Le Roi Soleil Quảng An, Tây Hồ; Tân Hoàng Minh Lò Đúc...
Long Giang
Nguồn tin: https://giadinhonline.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn