Tại toạ đàm "Bắc Ninh trên đường công nghiệp hoá" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 26/11, TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã chỉ ra hạn chế về chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay. Dù đây là lực lượng đóng vai trò chủ yếu và rất quan trọng trong việc tiếp thu được công nghệ, song thực trạng nhân lực của Việt Nam hiện nay là "rất yếu"
Ông Thắng dẫn số liệu thống kê cho thấy, hiện có khoảng 4,7 triệu lao động làm việc trực tiếp trong khu FDI, trong đó 980.000 là chuyên gia nước ngoài. Tuy nhiên, điều tra cho thấy 80% trong số đó chưa có chứng chỉ bằng cấp về đào tạo. Các doanh nghiệp FDI khi được hỏi có đến 60% cho rằng rất khó tìm nguồn lao động chất lượng cao. Ngay cả doanh nghiệp Việt Nam, theo điều tra của VCCI, 50% doanh nghiệp cũng cho rằng khó tìm nhân lực chất lượng cao.
Theo lời kể của nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, khi Tập đoàn Khoa học Kỹ thuật Hồng Hải (Foxconn) muốn mở rộng cơ sở 2 sản xuất máy tính bảng tại Bắc Ninh, họ không tìm ra nguồn nhân lực. Ngay hiện tại Bắc Ninh, nguồn nhân lực tại khu công nghiệp là 300.000 lao động song Bắc Ninh chỉ cung cấp được 25%, 75% còn lại là lao động ở ngoại tỉnh, nên Foxconn lúc đó đã buộc phải chuyển sang Mỹ.
Việc hạn chế về chất lượng nguồn lực lao động dẫn đến nhiều hệ luỵ khác, càng làm cách biệt doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, một khi không đủ nguồn lực lao động, họ không liên kết được với doanh nghiệp trong nước.
"Cho nên bây giờ, vấn đề ngay lúc này là thu hút công nghệ cao nhưng giá trị thực ta thu được là gì nếu như không phát triển được doanh nghiệp nội địa?", ông Thắng nêu vấn đề.
Vấn đề về chất lượng nguồn nhân lực nói chung và câu chuyện của Foxconn mà TS Phan Hữu Thắng đề cập nói riêng đã tồn tại nhiều năm nay ở Việt Nam, đặc biệt là trong quá trình thu hút FDI vào đầu tư tại Việt nam.
Còn nhớ cách đây hơn 10 năm, khi nhà máy lắp ráp và kiểm định chip của Intel tại Việt Nam dự kiến hoạt động, nhưng nguồn nhân lực hiện thiếu trầm trọng. Tháng 6/2008, đại diện Intel Việt Nam chia sẻ, nhà máy mới tuyển được 40 nhân sự đạt yêu cầu, trong khi con số theo kế hoạch đến năm 2010 sẽ phải là 3.000 người đến.
Thời điểm đó, đại diện Intel Việt Nam cho biết, nhà máy Intel Việt Nam thiếu nhất là những kỹ sư tài năng, một số vị trí lãnh đạo nhóm chuyên ngành kỹ thuật. Thiếu nhiều nhất vẫn là những kỹ thuật viên lành nghề, không yêu cầu quá cao về kỹ năng nhưng cần ngoại ngữ.
Số lượng nguồn nhân lực là kỹ thuật viên, kỹ sư điện tử tin học được đào tạo khá nhiều trong các trường đại học, cao đẳng của Việt Nam, nhưng đầu ra, theo đánh giá của Intel, là chưa có khả năng sẵn sàng làm việc do không đủ kinh nghiệm.
Để giải quyết tình trạng trên, nhiều năm qua, Intel cũng như nhiều doanh nghiệp FDI khác tại Việt Nam xoay xở bằng cách tự tổ chức các chương trình đào tạo, hoặc phối hợp đào tạo để có được đội ngũ nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của mình.
Minh Thái
Nguồn tin: https://datviet.trithuccuocsong.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn