Giá điện thấp, khó thu hút đầu tư dự án năng lượng tái tạo?

Thứ hai - 20/12/2021 23:35
Giá điện mua từ các dự án năng lượng tái tạo thường đắt hơn nguồn năng lượng truyền thống. Thêm vào đó, giá điện bán lẻ bình quân ở Việt Nam còn thấp so với thế giới phần nào là trở ngại với nhà đầu tư muốn đầu tư các dự án năng lượng tái tạo.
Ảnh Internet

Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, nhu cầu vốn đầu tư lưới điện giai đoạn 2021-2030 khoảng 32,9 tỷ USD, giai đoạn 2031-2045 lên đến khoảng 52,1 tỷ USD. Như vậy, để đạt kế hoạch này, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho năng lượng tái tạo (NLTT) tới đây là rất lớn.

Bên cạnh đó, với cam kết của Việt Nam tại hội nghị COP26, Quy hoạch điện VIII được điều chỉnh đúng hướng theo lộ trình giảm tỷ trọng điện than và nâng tỷ trọng NLTT nhằm giảm phát thải khí gây ô nhiễm môi trường, hướng tới xây dựng ngành năng lượng bền vững.

Dù vậy, để thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu năng lượng, Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức.

Trao đổi với Nhadautu.vn, Thạc sỹ Văn Tiến Hùng, cựu chuyên gia ngành điện tại Ngân hàng Thế giới (WB), Hà Nội nói:”Mức giá điện mua từ các dự án NLTT thường đắt hơn nguồn năng lượng truyền thống. Một phần bởi công tác điều phối điện lưới với hệ thống điện gió, điện mặt trời chiếm tỷ trọng lớn thường sẽ gặp nhiều khó khăn, do đây là 2 nguồn năng lượng không ổn định”.

Mặt khác, các dự án này phải có hệ thống tích trữ năng lượng (tránh phụ thuộc thiên nhiên). Ông nói:“Hệ thống này có mức giá còn đắt hơn cả nhà máy điện cho đến thời điểm hiện tại. Đó còn chưa kể đến các yếu tố công nghệ khác”.

Ngoài ra, còn là tiêu chuẩn môi trường, hay ở điện mặt trời còn là câu chuyện tiêu chuẩn thiết bị, chi phí xử lý tấm pin sau vòng đời. Do vậy, chắc chắn tiền điện từ NLTT không thể rẻ được.

Bên cạnh đó, các dự án NLTT nói chung thường có tổng mức đầu tư lớn, suất đầu tư cao, chưa kể loại hình điện gió ngoài khơi còn gặp nhiều rủi ro.  

Để khuyến khích nguồn vốn trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực NLTT, Chính phủ đã có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư, như: Chính sách khuyến khích đầu tư phát triển NLTT ở Việt Nam, đặc biệt là các quyết định về giá mua điện mặt trời và điện gió tại Quyết định 11/2017/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2017 và Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6 tháng 4 năm 2020, Cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg và được sửa đổi bổ sung tại Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg.

Dù vậy, việc giá điện Việt Nam chưa thực sự hấp dẫn phần nào là rào cản đối với các nhà đầu tư muốn đầu tư các dự án NLTT.

“Nếu với mục tiêu là khơi thông dòng vốn đầu tư thì giá càng cao càng tốt. Ở thời điểm chính phủ đồng ý áp dụng giá FIT, biểu giá mua điện NLTT ưu đãi hoà lưới, thì chỉ trong một thời gian ngắn các nhà đầu tư đã nhanh chóng triển khai, khiến cho quy hoạch bị phá vỡ”, ông Văn Tiến Hùng nói.

Rào cản giá điện thấp

Dữ liệu từ Globalpetrolprices cho thấy giá điện bán lẻ mà Việt Nam sử dụng là rất thấp. Tại thời điểm tháng 3/2021, Việt Nam có giá điện bình quân là 0,082 USD/kWh – kém hơn so với giá điện trung bình trên thế giới cùng thời điểm là 0,136 USD/kWh đối với khách hàng hộ gia đình và 0,124 USD/kWh đối với khách hàng là doanh nghiệp. Tại nội dung công bố này, giá điện bình quân của Việt Nam hiện đang xếp thứ 101/147 quốc gia (theo thứ tự giảm dần của giá điện) có trong báo cáo.

Ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, lý giải:“Giá điện bán lẻ bình quân của Việt Nam thấp do tỷ trọng điện sản xuất từ các nguồn thủy điện lớn, chiếm khoảng 30% giá thành sản xuất thủy điện thấp. Hai là nhiệt điện than cũng có giá thành cũng thấp so với các nguồn khác. Với cơ cấu giá thành thấp như vậy, tỷ suất lợi nhuận của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng chỉ dao động từ 2%-3%”.  

Giá điện từ NLTT, như đã phân tích, cao hơn so với nguồn năng lượng truyền thống. EVN sẽ là đơn vị mua toàn bộ sản lượng điện với mức giá do Nhà nước quy định và thực hiện chức năng thay Nhà nước bù giá và chi phí bù giá NLTT được hòa với chi phí của của ngành điện nên chưa tách rõ ràng trong hóa đơn tiền điện.

Không chỉ NLTT, Việt Nam cũng thực hiện bù giá bằng cách phối hợp, bù chéo của các dạng nguồn khác nhau nói chung. Điều này gây ra sự méo mó rất lớn với thị trường điện, khiến Việt Nam khó khăn trong triển khai phát triển năng lượng sạch, cũng như sử dụng năng lượng hiệu quả.

Chia sẻ với Nhadautu.vn, ông Vy cho rằng:”Nhà đầu tư dự án muốn giá điện cao hơn, như vậy sẽ có tỷ suất lợi nhuận tốt, dễ huy động vốn hơn, nhưng Bộ Tài chính, Bộ Công thương cần cân nhắc trên khả năng chi trả và hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp, cũng như dung hòa giữa các bên”.  

Ông Vy nhận định vẫn cần phải thu hút việc phát triển NLTT và cần cần nhắc mức giá hợp lý. “Dù vậy, trong dài hạn với xu thế công nghệ năng lượng phát triển, suất đầu tư thấp, mức giá mua cao ban đầu để khuyến khích phát triển sẽ không còn nữa. Có thể thấy, với giá điện mặt trời từ 9,35Uscent/kWh, đã giảm xuống 7,09 UScent/Kwh, và sắp tới sẽ còn thấp hơn với sự phát triển của công nghệ”, ông bổ sung thêm.

Giới chuyên gia nhìn nhận, để giá điện hấp dẫn hơn, Việt Nam có thể áp dụng Hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA) là những hợp đồng dài hạn.

Cụ thể, một khách hàng thương mại hoặc công nghiệp mua điện trực tiếp từ một công ty sản xuất điện tái tạo. Các thỏa thuận trong DPPA có thể được điều chỉnh theo thiết kế cụ thể của thị trường điện, theo chiến lược mua điện của khách hàng, theo các quy định và pháp luật hiện hành và chiến lược kinh doanh của nhà phát triển dự án điện NLTT.

Một chính sách DPPA cho nguồn điện tái tạo được thiết kế tốt sẽ có thể đem lại lợi ích cho cả ba bên: khách hàng, đơn vị phát triển dự án điện NLTT và chính phủ.

Huy Ngọc

Nguồn tin: https://nhadautu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây