Đầu xuôi, đuôi không lọt
Trong 2 năm gần nhất, cổ phiếu ngành ngân hàng luôn là nhóm đóng góp tích cực vào đà tăng trưởng chung của thị trường chứng khoán, thường diễn biến đồng pha với chỉ số VN-Index.
Đặc biệt, khi VN-Index tăng trưởng mạnh từ đáy 660 điểm hồi cuối tháng 3/2020 đến khi chinh phục mốc 1.400 điểm vào giữa năm nay, tương đương mức tăng 112%, thì thị giá nhiều cổ phiếu ngân hàng thậm chí ghi nhận mức tăng gấp 3-4 lần như cổ phiếu CTG của VietinBank tăng hơn 200%, cổ phiếu MBB của MB tăng 270%, cổ phiếu TCB của Techcombank tăng 290%, cổ phiếu VPB của VPBank tăng 315%...
Tuy nhiên, từ đầu tháng 7 đến nay, trong khi thị trường chứng khoán vẫn duy trì tăng trưởng với việc chinh phục mốc 1.500 điểm vào cuối tháng 11 thì nhóm cổ phiếu ngân hàng lại ghi nhận diễn biến trái ngược. Không chỉ đứng ngoài xu hướng tăng của thị trường, cổ phiếu ngành ngân hàng còn là trở ngại chính kìm hãm đà tăng của thị trường chung.
Tính từ tháng 7 đến nay, giai đoạn VN-Index điều chỉnh từ mốc 1.420 điểm xuống 1.240 điểm rồi phục hồi trở lại, nhóm cổ phiếu ngân hàng gần như đứng ngoài diễn biến hồi phục này. Cụ thể, có tới 21/27 cổ phiếu ngân hàng ghi nhận xu hướng giảm, trong đó nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn như VCB của Vietcombank, BID của BIDV, ACB của Ngân hàng Á Châu, STB của Sacombank, MBB, VPB, TCB… đều giảm 2 chữ số.
Cổ phiếu ngân hàng có mức giảm mạnh nhất giai đoạn này là LPB của LienVietPostBank khi lao dốc liên tục từ vùng hơn 30.000 đồng/cổ phiếu hồi giữa năm xuống 20.650 đồng/cổ phiếu (kết phiên 23/12), tương đương mức giảm trên 30%. Trước đó, LPB từng là cổ phiếu ghi nhận màn trình diễn ấn tượng nhất giai đoạn 2020 - nửa đầu năm 2021 khi tăng một mạch từ vùng 4.500 đồng (tính theo giá điều chỉnh) lên hơn 30.000 đồng, tương đương mức tăng tới 566%.
Cùng có mức giảm hơn 20% trong nửa cuối năm nay là cổ phiếu BAB của BacABank, SHB của Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội, cổ phiếu NAB của NamABank, cổ phiếu EIB của Eximbank và cổ phiếu CTG.
Vì sao cổ phiếu ngân hàng “hết vị”?
Theo giới chuyên gia, nguyên nhân chính khiến cổ phiếu ngành ngân hàng đứng ngoài xu hướng tăng của thị trường trong nửa cuối năm nay là do giới đầu tư cho rằng tăng trưởng lợi nhuận ngành này đã đạt đỉnh.
Cụ thể, giá cổ phiếu tăng mạnh từ đầu năm 2020 đến giữa năm nay đã phản ánh kỳ vọng lợi nhuận tăng đột biến của ngành ngân hàng trong năm 2021. Trong khi đó, giai đoạn suy giảm từ tháng 7 đến nay là do ngành ngân hàng chịu nhiều áp lực, không thể ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận cao đột biến trong năm 2022. Trong đó, áp lực lớn nhất đến từ việc Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước muốn các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, điều này dẫn tới biên lợi nhuận (NIM) của các ngân hàng có thể đi xuống.
Ngoài ra, dù Ngân hàng Nhà nước vẫn gia hạn chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng theo từng kỳ nhưng mức tăng trưởng năm nay đã không cao như các năm trước.
Nhiều chuyên gia đồng thuận với quan điểm rằng tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng đã đạt đỉnh, lợi nhuận ngân hàng vẫn sẽ tăng trong tương lai nhưng không còn đột biến, mặt bằng giá cổ phiếu ngân hàng cũng không còn rẻ như kỳ vọng.
Báo cáo phân tích ngành ngân hàng của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) dẫn chứng thêm số liệu tính đến giữa tháng 7/2021, cổ phiếu ngân hàng đã có P/E (giá thị trường trên thu nhập) và P/B (giá thị trường trên giá trị sổ sách) lần lượt là 14,1 lần và 2,4 lần, tương đương mức đỉnh lịch sử 5 năm. Cùng với mức ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) của ngành là 18,6% và kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận khoảng 46,9%, cổ phiếu ngân hàng khó có thể ghi nhận đà tăng mạnh thêm, theo quan điểm của ACBS.
Tương tự, hãng nghiên cứu FiinGroup cho biết dù nhiều cổ phiếu ngân hàng đã giảm sâu so với đỉnh hồi tháng 6-7, tuy nhiên đến giữa tháng 12, tốc độ tăng giá của nhiều cổ phiếu vẫn cao hơn tốc độ tăng trưởng lợi nhuận. Tính chung cả nhóm, tốc độ tăng giá của cổ phiếu ngân hàng từ đầu năm là 36,1% trong khi đó tốc độ tăng trưởng lợi nhuận mới đạt 32,8%.
Góc nhìn kỹ thuật cũng cho thấy cổ phiếu ngân hàng nhìn chung đã đi đến cuối của một đợt sóng.
Giám đốc môi giới của một công ty chứng khoán lớn tại Hà Nội chia sẻ với Tạp chí Đầu tư Tài chính rằng cổ phiếu ngân hàng mang tính chu kỳ cao, sau một đợt sóng tăng, mặt bằng giá đã đạt kỳ vọng, cổ phiếu sẽ bước vào giai đoạn phân phối. Ở giai đoạn này, khi các nhà đầu tư lớn bán ra để chốt lời, cổ phiếu rơi vào trong tay các nhà đầu tư nhỏ lẻ và nhóm nhà đầu tư này phân tán về nguồn lực nên không có động lực đủ lớn để nâng đỡ giá cổ phiếu.
Bên cạnh đó, hầu hết cổ phiếu ngân hàng đều có vốn hóa lớn, từ năm 2020 đến giữa năm nay, nhiều mã đã tăng gấp 3-4 lần, nên thị trường cần thêm thời gian để hấp thụ hết số cổ phiếu “khổng lồ” này.
Bao giờ cổ phiếu ngân hàng trở lại?
Tất cả cổ phiếu đều vận động xung quanh cung và cầu. Hiện tại, cung cổ phiếu ngân hàng vẫn đang rất lớn nên để hấp thụ hết cần có một khoảng thời gian tích lũy đủ lâu.
Ngoài ra, muốn cổ phiếu tăng trở lại, các ngân hàng cần ghi nhận bức tranh lợi nhuận tích cực trong những năm tiếp. Trong khi đó, các yếu tố vĩ mô trong năm 2022 không quá khả quan với ngành ngân hàng khi lãi suất cho vay vẫn được yêu cầu giảm thêm và nợ xấu phát sinh do dịch Covid-19 tăng lên.
Do đó, trong năm 2022, cổ phiếu ngân hàng có thể tăng nhưng dư địa sẽ không quá lớn, phổ biến bằng hoặc thấp hơn mức tăng chung của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu này cũng sẽ khó có thể giảm sâu thêm từ mặt bằng giá hiện tại.
Nhưng cơ hội không phải là không còn. Sau quãng thời gian tích lũy 6 tháng qua, những cổ phiếu ngân hàng có chất lượng tài sản tốt, dư địa tăng trưởng tín dụng cao trong năm sau vẫn có khả năng tăng trưởng. Dù vậy, để có mức tăng như năm 2020, bức tranh lợi nhuận của ngân hàng phải thay đổi đột biến.
“Để chỉ số chung toàn thị trường chứng khoán Việt Nam có thể tăng lên những mốc cao hơn vào năm 2022, không nhất thiết cần đến vai trò của cổ phiếu ngân hàng. Thay vào đó, sẽ có những ngành khác với vốn hóa lớn có thể kéo thị trường chung”, vị giám đốc môi giới nêu quan điểm.
Quang Thắng
Nguồn tin: https://vietnamfinance.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn