Trong suốt 2 năm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cửa hàng thủy sinh của anh Thanh Hưng tại Hà Đông, Hà Nội liên tục rơi vào cảnh ế ẩm do không có khách. Dù anh đã liên tục treo biển giảm giá, thanh lí phụ kiện thủy sinh, bể cá nhưng vẫn không có dấu hiệu khởi sắc.
Kinh doanh lĩnh vực này nhiều năm, anh Hưng cho biết thời gian vừa qua là giai đoạn khó khăn nhất trong những năm tháng làm nghề của anh. Thủy sinh là mặt hàng của giới “đại gia ngầm”, kén người chơi nên lượng khách quan tâm đến lĩnh vực này không phải nhiều, có những hôm cả ngày không có một bóng khách anh cũng không lấy làm lạ.
Tuy nhiên, 2 năm dịch bệnh cho đến nay anh không thể không lo lắng khi vài tuần thậm chí cả tháng lượng khách đến với cửa hàng chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi tiền thuê nhà, tiền điện nước hàng tháng vẫn liên tục tăng.
“Quá sốt ruột với tình hình kinh doanh ế ẩm, tôi liên tục treo biển giảm giá các loại phụ kiện bể cá thậm chí là tặng các phụ kiện nhỏ lẻ cho khách để tăng lượng khách biết và đến với cửa hàng nhưng cũng không ăn thua”, anh Hưng cho hay.
Anh Hưng cũng chia sẻ thêm, nếu như thời gian trước khi chưa xảy ra dịch bệnh, mỗi tháng trừ chi phí mặt bằng, điện nước, tiền thuê nhân viên anh còn dư ra khoảng 15 - 20 triệu đồng, thì thời gian này anh liên tục phải bỏ tiền túi ra để duy trì hoạt động của quán do không có nguồn thu.
Cùng hoàn cảnh, anh Tuấn tại Thanh Xuân, Hà Nội cũng bi đát không kém.
“Tôi kinh doanh bể thủy sinh đến nay đã được gần 9 năm, ngần ấy thời gian tâm huyết và gắn bó với nghề nhưng khoảng thời gian này thật sự rất khó khăn với tôi. Ngày trước lượng khách đông, các đơn đặt setup bể thủy sinh nhiều, có hôm tôi phải ở lại cửa hàng tới 1 giờ sáng để kịp hoàn thành bể giao cho khách. Nhưng từ thời điểm dịch Covid-19 tới nay, trải qua nhiều lần giãn cách xã hội các đơn đặt bể của tôi giảm đi một nửa nếu như không muốn nói là giảm gần hết”, anh Tuấn buồn bã chia sẻ.
Không muốn tình trạng vắng khách kéo dài, anh Tuấn đã xây dựng mô hình kinh doanh cafe kết hợp bể thủy sinh để tạo ra một không gian mới mẻ như một phương án “chữa cháy” để thu hút khách cho những ngày tháng khó khăn này nhưng quán vẫn rơi vào tình trạng ế ẩm, tiền bán cafe không đủ tiền chi trả cho nhân viên mỗi tháng chưa nói đến các chi phí khác.
Cũng tương tự như hai người trên, chị Ngọc có bao nhiêu vốn liếng dồn hết vào một cửa hàng nhỏ buôn bán cá cảnh trên đường Nguyễn Xiển, quận Hà Đông (Hà Nội). Cửa hàng của chị kinh doanh tính đến nay được 3 năm thì hết 2 năm dịch bệnh không buôn bán được gì.
“Cửa hàng này của tôi tính ra buôn bán được một năm 2019, tôi còn chưa thu lại được đủ vốn thì dịch bệnh ập đến và 2 năm trở lại đây cửa hàng liên tục trong tình trạng “đắp chiếu” vì không có khách”, người phụ nữ này chia sẻ.
Chị Ngọc cho biết, đặc thù của bể thủy sinh cần sử dụng rất nhiều điện, nước để dưỡng cây, nuôi cá nên ngoài tiền thuê mặt bằng thì chi phí cho điện, nước cũng không hề ít. Thời gian này do vắng khách, chị không dám nhập nhiều các phụ kiện về bán vì lo sợ không bán được. Bên cạnh đó, chị phải bỏ tiền túi để chi trả các chi phí cơ bản, thậm chí là đi vay ngân hàng để có thể duy trì được cửa hàng đến lúc dịch bệnh qua đi.
Dù không biết đến khi nào kinh doanh bể thủy sinh mới có thể “sống” trở lại nhưng hầu hết các chủ cửa hàng đều cho biết họ sẽ bám nghề vì đam mê và vì tình yêu đối với công việc này. Họ chấp nhận bỏ tiền túi, vay ngân hàng, thậm chí làm những công việc phụ khác để gồng gánh cửa hàng.
"Tôi quyết định mở cửa hàng vì đam mê, muốn giới thiệu bộ môn nghệ thuật này đến gần hơn với mọi người. Thủy sinh không phải là bể cá thông thường mà nó là cả một hệ sinh thái thu nhỏ, là thiên nhiên núi rừng hùng vĩ, nếu kinh doanh vì kinh tế đơn thuần chắc hẳn tôi đã bỏ nghề từ khi quán liên tục vắng khách", anh Hưng chia sẻ.
Hải Linh
Nguồn tin: https://giadinhonline.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn