Khi giá cổ phiếu sụt giảm vì tâm lý chung của thị trường, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) đã mời cổ đông tham quan dự án do Tập đoàn này đang triển khai tại Việt Nam, Lào, Campuchia.
“Cổ đông thua tôi đau xót lắm. Khi cổ phiếu HAG xuống gần 5 chấm, tôi rất buồn. Tôi điện thoại nói nhân viên soạn thư mời cổ đông đi vào Gia Lai, sang Lào, Campuchia tham quan dự án, để chia sẻ với nhau. Tôi không chơi chứng khoán, con gái tôi mua 10 triệu cổ phiếu để đó, không bao giờ có tư tưởng làm giá, không bao giờ lấy cái gì làm của riêng. Tôi khẳng định không có công ty ABC là của riêng, tôi hoàn toàn vì tập đoàn”, Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức cho biết.
Dành hết 3 ngày 3 đêm, theo thư mời của Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức, nhóm cổ đông 40 người đại diện cho hơn 10.000 cổ đông thực hiện chuyến hành trình với quãng đường 1.500km trong tâm trạng chờ đợi, háo hức. Với cổ đông, chuyến đi như một sự trải nghiệm chân thật nhất, là cơ hội để “tai nghe mắt thấy” về những đại công trình của ông bầu phố núi Pleiuku đang thực hiện ở khu vực ba nước Đông Dương.
Sinh năm 1991, thuộc nhóm “cổ đông lớn”, Hồ Văn Dũng gắn bó với HAGL từ năm 2019, khi thị giá HAG của bầu Đức xuống mốc “năm chấm”. Còn rất trẻ nhưng Dũng được xem như là một trong những thành viên chủ lực của cộng đồng cổ đông hơn 10.000 người của mã chứng khoán HAG. Hồi cổ phiếu HAGL đứng bên bờ vực hủy niêm yết, Dũng là người đi tìm hồ sơ, văn bản pháp lý để “đánh” lại Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước, chứng minh các hoạt động của tập đoàn là hoàn toàn bình thường và đúng luật.
Lý do Dũng đầu tư và gắn bó với HAGL, bởi “rất ấn tượng” với mô hình VAC. Đặc thù của nông nghiệp là đầu thải của cái này nhưng lại là nguyên liệu của đầu kia. HAGL đang chứng minh điều đó, chuối thải giờ là nguồn thức ăn quý giá cho heo Bapi.
Theo Dũng, thương hiệu HAGL rất lớn, nó giống như Cocacola vậy. Nhưng HAGL như quan võ ấy, mà toàn quan võ giỏi, chỉ tập trung làm ăn mà chưa chú trọng đến kế hoạch marketing. “Cán bộ HAGL rất tự tin, hỏi lái xe họ cũng biết vườn chuối khi nào thu hoạch, lò giết mổ khi nào khánh thành, khu nuôi heo đang làm đến đâu rồi. Nhưng họ lại ít nói, không biết quảng bá bản thân, không quan tâm quá đến việc chuyển tải kế hoạch hay chương trình hành động của tập đoàn cho nhà đầu tư, người dân quan tâm biết…”, Dũng nhận định.
Dũng nói rằng, hiện nay nhiều doanh nghiệp chỉ “tốt trên báo cáo chứ không tốt trên thực địa”. Nhiều năm qua, HAGL bị thông tin xấu bủa vây, bão lụt ở Nghệ An, Hà Tĩnh không thể làm gãy cây chuối ở Lào, không ảnh hưởng gì nông trại chuối ở Gia Lai, Campuchia, nhưng người ta vẫn đồn thổi, đưa tin là chuối của bầu Đức bị gió quật ngã, thiệt hại nặng nề. Những chuyến đi thực địa dự án như vậy là cần thiết, để minh bạch thông tin. “Đây là lần đầu tiên trong lịch sử một tập đoàn mời cổ đông tham quan dự án. Chúng tôi nghĩ bầu Đức cứ nói sự thật, không cần khiêm tốn, không cần giấu mình gì hết, mình là vàng thiệt không sợ lửa, có gì nói nấy, cổ đông chỉ cần sự thật thôi”, Dũng cho hay.
Đây là lần thứ 3 Dũng đi “farm” của HAGL. Lần đầu tiên là vào tháng 3, lần thứ hai là tháng 8, và lần này là đầu tháng 12. Nhưng cứ ba tháng lên thì thấy HAGL có cái gì đó mới. “Mỗi lần đi là thấy thay đổi rất nhiều. Những lần trước thấy công nhân đang tận dụng nắng để phơi chuối nhưng giờ các công đoạn đó đã được tự động hóa, từ cắt lát, phơi, sấy khô và nghiền thành cám. Đó là tiền, có tiền mới làm được vậy. HAGL giờ đây có quần thể chăn nuôi heo quy mô như khu đô thị, cả nhà máy giết mổ quy mô lớn. HAGL đang phát triển như vũ bão, tốc độ phát triển rất nhanh.”, Dũng bất ngờ với sự thay đổi hàng ngày của HAGL trong chuyến đi lần này.
Theo Dũng, rủi ro lớn nhất của ngành nông nghiệp là thời gian kiến thiết và đầu ra, sau đó mới đến thời hoàng kim. “Ví dụ như Vinamilk và anh Vũ Trung Nguyên đã vượt qua hai bước đầu, giờ họ thành công và rất nhiều tiền. HAGL đã xong giai đoạn kiến thiết, đang chuyển mình sang thời kỳ thành công. Nếu ngày xưa chỉ có cái tên HAGL, tên bầu Đức thì giờ Tập đoàn thay đổi hoàn toàn. Trước đây bầu Đức trồng cao su có thời gian thu hoạch 7 năm, cọ dầu 5 năm nên không có dòng tiền, trong khi vốn vay đến kỳ phải thanh toán. Không có doanh thu thì nhà đầu tư bỏ đi, ngân hàng không thấy dòng tiền thì siết nợ, HAGL khó chồng khó. Nhưng HAGL đã thay đổi kịp thời, lấy ngắn nuôi dài, dùng cây ngắn ngày, 1 cây 1 con (cây chuối, con heo) để có doanh thu nhanh, dòng tiền về nhanh hơn. HAGL tận dụng tốt vòng vốn quay về nhanh để đầu tư. Nếu ngày trước tín dụng từ chối, thì giờ đây, ngân hàng đã cho HAGL vay trở lại”, Dũng phân tích.
Không chỉ làm tốt khâu sản xuất, chiến lược quản trị của bầu Đức bước đầu được cổ đông ghi nhận là rất bài bản, chuyên nghiệp. “HAGL chưa làm tốt mảng thị trường nên giao việc này cho anh Lộc (Đinh Văn Lộc –Tổng giám đốc Bapi Hoàng Anh Gia Lai – PV). Anh Lộc là người thận trọng, có chiến lược, rất chắc chắn, anh ấy phụ trách phân phối heo Bapi thì cổ đông yên tâm lắm”, Dũng tiết lộ.
“HAGL mới sống lại từ năm ngoái, bây giờ mới hồi sinh. Năm nay tốt, năm sau mới kinh, tài chính mới nhiều”, Dũng dự đoán.
Doanh nhân Nguyễn Đình Tâm (TP Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) là cổ đông của HAGL từ tháng Ba năm nay. Trong chuyến đi lần này, “nhóm Quảng Nam” của Tâm có nhiều thành viên, làm nhiều công việc khác nhau. Có người là chủ doanh nghiệp, có người là cán bộ ngân hàng. “Cổ đông muốn cổ phiếu tương xứng với giá trị công ty. Như hôm qua HAG đẩy lên gần tiếng đồng hồ, sau đó bị đạp xuống, nó bị cào bằng giống như của FLC, Louis vậy đó. Ở đây anh em tin bầu Đức làm thật, nhưng ở ngoài khi cổ phiếu rớt giá thì người ta bán tín bán nghi…”, Tâm cho biết.
“Mua xong có thông tin cổ phiếu HAG đứng trước nguy cơ huỷ niêm yết. Nhưng mình có niềm tin rất dữ. Ở Việt Nam thị trường xoay quanh ông chủ, nếu ông chủ làm ăn đàng hoàn thì cổ đông sẽ tin tưởng. Sau đợt tham quan này, thấy được quy mô dự án, thấy bầu Đức làm thật nên anh em mình vững tin lại, có chuyện gì còn báo cho công ty biết”, Tâm chia sẻ.
Vượt hàng nghìn cây số trong chuyến hành trình qua ba nước Đông Dương cùng nhóm nhà đầu tư, cổ đông Hùng HN (Hùng “Hà Nội” - Hoàng Ngọc Hùng) là người dễ nhận ra trong đoàn bởi mái tóc trắng. “Tôi từng học và làm việc tại Hungary, tôi yêu HAGL vì thích anh Đức. Sau khi mua HAG thì có thời điểm thị giá cổ phiếu rơi về giá 2,8, xuống đáy luôn, nhưng tôi tin anh Đức sẽ vượt qua được giai đoạn khó khăn, tôi thấy tương lai của HAGL”, ông Hùng tiết lộ. Đặt niềm tin vào HAGL, bởi ông Hùng nhận thấy “anh Đức làm bài bản, như bóng đá anh Đức làm bài bản từ đầu nên rất thành công”.
Theo ông Hùng, cổ đông HAG có hai loại, loại thứ nhất là muốn tăng trưởng nhanh để “exit” hàng. Nhóm thứ hai là những nhà đầu tư hiểu được tiềm năng của HAGL, họ xác định gắn bó lâu dài với đường đi của Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức. “Có thời gian tôi không dám nói đang đầu tư vào HAG vì bạn bè nhìn vào mã này rất tiêu cực. Nhưng sức hút của HAG rất lớn, mỗi lần uống cafe thì bạn bè luôn lấy HAG ra làm ví dụ khi bàn luận về thị trường. Thời điểm HAG xuống 2.8, mọi người hỏi tôi sợ không, tôi khẳng định luôn không sợ dù khi đó mình đưa “tiền tươi thóc thật” để đầu tư, vì sợ thì không dám theo rồi”, ông Hùng chia sẻ.
Đứng trên cao nguyên ChămpaSak, huyện Paksong (Lào), nơi bầu Đức đang trồng 1.000 ha chuối, 1.000 ha sầu riêng, 500 ha mắc ca, ông Hùng đúc kết: “Thua lỗ là chuyện của quá khứ, bỏ hết đi. Giờ mình đi đây người thật việc thật, HAGL đang làm quá tốt rồi. Mình mua được giá này là quá tốt. Từ 2023 trở đi HAGL sẽ tốt đẹp, mạnh mẽ lên ngay. HAGL đã tốt gỗ rồi giờ cần tốt thêm nước sơn. Anh Đức hội đủ yếu tố rồi, giờ cần thêm sự may mắn nữa để HAGL thành công, hóa rồng”, ông Hùng kỳ vọng.
Tham gia chuyến đi lần này, một cổ đông là người đầu tiên tại Việt Nam viết đề án chăn nuôi heo, hiện đang công tác tại quỹ đầu tư tại Việt Nam, cho biết, báo cáo tài chính của nhiều doanh nghiệp niêm yết rất tốt, nhưng đó chỉ là trang điểm bề ngoài, “chỉ phù hợp đi dạ hội”, thực tế họ không có hoạt động sản xuất kinh doanh trực tiếp, không tạo ra sản phẩm.
Với HAGL, dù sở hữu quỹ đất hàng chục nghìn ha, nhưng theo nhà đầu tư này, “bầu Đức là người chia sẻ thận trọng, ít nói về mình, nhưng anh em càng đi càng hào hứng”.
Tại Gia Lai, hai thành viên của HAGL là Công ty chăn nuôi Giai Lai đang quản lý 1.400 ha chuối, Công ty Lơ Bang quản lý 1.700 ha chuối và 5 nhà máy sản xuất thức ăn cho heo. Để tận dụng sản phẩm chuối, tại xã Con Thục (huyện Mang Yang, Gia Lai), bầu Đức cho xây dựng quần thể nuôi heo trên quy mô 30ha, bên ngoài trồng cây xanh thành hành lang vùng đệm. Trăm ngàn con heo ở đó, nhìn xa như thành phố thu nhỏ giữa đại ngàn.
Ở xã Lơ Bang (Gia Lai), một “thành phố heo” khác cũng được HAGL xây dựng đủ sức chứa hơn 200.000 con heo thịt được chăm sóc hàng ngày. “Quần thể trang trại chăn nuôi heo nhìn như khu đô thị, thành phố heo, vào đây rồi nếu không có người dẫn thì không biết đường đi. Tận mắt chứng kiến mới thấy những điều bầu Đức làm không thể không thuyết phục, kể cả người khó tính nhất”, cổ đông Lê Thế Thạch cho biết.
“Nếu anh em không đi thì không biết, hỏi lấy chuối đâu cho heo ăn mà nhiều thế. Đi mới hiểu được, nói cỡ nào cũng không ai tin, bảo chém gió”, anh Thạch chia sẻ.
Tại Lào, HAGL đang vào vụ khai thác chuối trên quy mô hàng nghìn ha. Ở huyện Paksong, tỉnh Champasak, Tập đoàn của bầu Đức đang trồng 3.000 ha chuối, sầu riêng và cây mắc ca. Tại tỉnh Attapeu, vườn chuối 1.200 ha của HAGL cũng đang vào mùa thu hoạch. “Ai xưng hùm xưng bá, tuyên bố là vua chuối này nọ tôi không biết, nhưng nếu có dịp đi thăm nông trại của HAGL thì các “vua chuối, vua heo” sẽ xin về làm dân thường ngay. Ở Đông Nam Á không có vườn chuối, khu nuôi heo nào lớn như HAGL đang sở hữu”, cổ đông này cho biết.
Theo cổ đông Thạch, tổ chức được những “farm” quy mô lớn như thế này không hề đơn giản. “Anh Đức từng thành công và thất bại, nhưng ổng không từ bỏ đam mê. Giờ làm vì danh dự, ổng không phải tham vọng cá nhân mà là tham vọng làm cái gì đó cho đất nước Việt Nam”, anh Thạch chia sẻ.
Sau chuyến tham quan nông trại HAGL, các cổ đông đều chung nhận định “ấn tượng về HAGL là có thật, nhìn vô vườn chuối, trại heo là thấy”. “Quá khứ của ổng (bầu Đức) đủ thăng trầm, nhưng giờ ông gây dựng được cơ ngơi đáng tự hào. Nhiều cổ đông trẻ đam mê, muốn đi theo. Đó không phải là nhà đầu tư bình thường, trình độ hiểu biết của những cổ đông này về HAGL rất rành, rành hơn cả ở cả đội research (bộ phận nghiên cứu) ở các công ty chứng khoán đang hàng ngày viết báo cáo về HAGL”, cổ đông Tâm cho biết.
Ba năm qua, khi thế giới bị chia cắt bởi dịch Covid-19, điều kiện đi lại hạn chế, những công nhân HAGL vẫn cần mẫn ra công trường lao động sản xuất. Hàng nghìn ha chuối, sầu riêng, khu chăn nuôi tại Việt Nam, Lào, Campuchia lần lượt ra đời trong hoàn cảnh ngặt nghèo như vậy. Các đại dự án được phát triển trong thời kỳ Covid-19, khi dòng tiền bằng không, âm dòng tiền. Nhưng giờ đây, lúc cây chuối, con heo đã cho thu hoạch, dòng tiền đổ về HAGL mỗi ngày rất rất lớn.
“HAGL có hàng chục nghìn cổ đông, là công ty đại chúng đúng nghĩa. Anh Đức có “đồ chơi” thật, chứ 50/50 không dám mời cổ đông đi tham quan dự án đâu”, cổ đông Hùng tâm sự thật lòng sau chuyến đi kéo dài 3 ngày 3 đêm qua 3 đại dự án của HAGL tại Việt Nam, Lào, Campuchia.
Diệu Linh
Nguồn tin: https://giadinhonline.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn