Đền Cửa Ông 700 năm tuổi
Đền Cửa Ông Cẩm Phả nằm trên đồi khu 9A, phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Vị trí đền cách trung tâm thành phố Hạ Long khoảng 40km. Đền Cửa Ông là 1 trong 3 ngôi đền nổi tiếng nhất của tỉnh Quảng Ninh. Đây là nơi “gặp gỡ” của núi non, rừng già và biển cả, được thiên nhiên ưu ái ban tặng một vị trí đắc địa.
Đền thờ Cửa Ông Quảng Ninh là ngôi đền được nhiều người dân địa phương tin tưởng và đi lễ nhiều nhất. Nơi đây thờ Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng - người đã có công lớn đánh đuổi quân xâm lược Nguyên Mông vào thế kỷ XIII. Qua nhiều thế kỷ, những truyền thuyết linh thiêng, hào hùng về ngôi đền vẫn được truyền tụng cho những thế hệ sau.
Trải qua hàng trăm năm lịch sử, Đền Cửa Ông Quảng Ninh còn nguyên giá trị về văn hóa, lịch sử, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, gắn kết cộng đồng và phát triển văn hóa tâm linh...
Địa danh này đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh và sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân địa phương. Đồng thời, nơi đây còn là điểm du lịch hấp dẫn đối với nhiều du khách trong và ngoài nước.
Đền Cặp Tiên
Cách đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả) khoảng 2km, đền Cặp Tiên (huyện Vân Đồn) là một địa chỉ du lịch văn hóa tâm linh thu hút khá đông du khách đến tham quan, vãng cảnh, đặc biệt vào dịp đầu năm.
Đền Cặp Tiên
Cách đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả) khoảng 2km, đền Cặp Tiên (huyện Vân Đồn) là một địa chỉ du lịch văn hóa tâm linh thu hút khá đông du khách đến tham quan, vãng cảnh, đặc biệt vào dịp đầu năm.
Tương truyền, đền Cặp Tiên thờ vị tiểu thư là con gái Trần Quốc Tảng (một vị tướng và là con trai thứ 3 của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn) nên có tên gọi là đền Cô bé Cửa Suốt. Sau này, vào thời Nguyễn, một ông quan chánh đã được nhân dân địa phương tôn làm hậu thần và thờ tại đền nên xưa kia Đền còn có tên là đền Quan Chánh.
Trải qua thời gian, từ một ngôi đền nhỏ nằm trên chân đồi, đền Cặp Tiên nay được tu bổ, trùng tu khang trang, thoáng đãng. Du khách đến đây, ngoài tham quan, vãng cảnh, hành lễ tại ngôi đền chính, động Sơn Trang, còn một địa điểm mà du khách không thể bỏ qua, đó là giếng Tiên, nằm trong khuôn viên của đền.
Cụm di tích đình - nghè Cẩm Hải
Cụm di tích gồm hai điểm di tích là đình Cẩm Hải và nghè Cẩm Hải. Trước năm 1981, Cẩm Hải có tên là Văn Châu nên đình và nghè được gọi theo tên địa danh của xã là đình Văn Châu và nghè Văn Châu. Đình Cẩm Hải tọa lạc trên một quả đồi nhỏ hình mu rùa, thuộc địa phận thôn 3; nghè Cẩm Hải nằm ở trên gò đất thuộc thôn 5, cách TP Hạ Long khoảng 55km.
Nghè còn được gọi là miếu Cửa Biển vì nghè được xây dựng tại vị trí cửa biển với ý nghĩa trấn ải vùng biển, phù hộ cho người dân ra biển được mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng.
Đình Cẩm Hải và nghè Cẩm Hải có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, trong mỗi dịp lễ hội, người ta tổ chức lễ hội cả ở đình và nghè. Các vị thành hoàng làng được rước từ đình ra nghè để làm lễ sau đó lại rước về đình làm lễ đại tế. Sự hình thành của đình - nghè Cẩm Hải gắn với tín ngưỡng thờ thành hoàng làng có truyền thống lịch sử lâu đời được lưu truyền, gìn giữ.
Hằng năm, vào dịp lễ hội đình - nghè Cẩm Hải sẽ có lễ rước các vị thành hoàng, mỗi năm luân phiên rước 1 vị từ đình ra trấn ải tại nghè cùng với Ngọc Sơn Chấn Hải Đại Vương. Đình Cẩm Hải còn mở hội đầu xuân vào mùng 2 tháng Giêng và làm lễ dâng hương cầu cho mùa màng bội thu, mưa thuận, gió hòa. Ngày mùng 10 tháng 8 (âm lịch) dân làng làm lễ giỗ tổ tại đình. Lễ hội chính hằng năm thì diễn ra từ ngày 30 tháng 5 đến hết ngày 2 tháng 6 (âm lịch).
Với thiên nhiên non nước hữu tình, nhiều địa danh trở thành di tích lịch sử Quốc gia, giàu giá trị văn hoá lâu đời, Cẩm Phả - Quảng Ninh được lựa chọn để tổ chức vòng chung kết Press Cup 2022 diễn ra từ ngày 27 - 29/8/2022 với sự góp mặt của 12 đội bóng đến từ các cơ quan báo chí trên cả nước.
PV
Nguồn tin: https://giadinhonline.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn