Văn Phú - Invest buộc phải bán cổ phiếu để giảm tỷ lệ nắm giữ
Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành Quyết định số 651/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest số tiền là 200 triệu đồng do vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Nguyên nhân là do công ty này không đăng ký chào mua công khai theo quy định pháp luật (Ngày 25/6/2021, Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest mua 3.719.923 cổ phiếu Công ty cổ phần Thực phẩm Hà Nội (mã chứng khoán: HAF) dẫn đến số lượng nắm giữ sau khi giao dịch là 3.719.923 cổ phiếu tương ứng tỷ lệ 25,65% vốn điều lệ của HAF nhưng không đăng ký chào mua công khai).
Cùng với đó, Văn Phú - Invest buộc từ bỏ quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện được ủy quyền trên số cổ phần có được từ hành vi vi phạm. Đồng thời, công ty cũng buộc phải bán cổ phiếu để giảm tỷ lệ nắm giữ xuống dưới mức phải chào mua công khai đối với hành vi vi phạm trong thời hạn tối đa 06 tháng kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành.
Văn Phú - Invest kinh doanh ra sao?
Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú – Invest tiền thân là Chi nhánh Công ty Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nhà Quảng Ninh tại Hà Nội, được thành lập từ năm 2003 chỉ với 17 nhân sự. Sau thời gian ban đầu hoạt động trên lĩnh vực thi công, xây lắp, đến năm 2006 công ty đã lấn sân sang lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản với dự án Khu đô thị Văn Phú Hà Đông, với quy mô 3000 căn biệt thự liền kề và 9 toà chung cư.
Các dự án bất động sản của Văn Phú - Invest trả dài cả 3 phân khúc với thương hiệu tiêu chuẩn The Victoria, thương hiệu cao cấp The Terra và thương hiệu sang trọng Grandeur Palace. Theo thông tin được đăng tải trên website, Văn Phú - Invest hiện có quỹ đất là 1.009ha, với 29 dự án đã và đang được triển khai. Văn Phú - Invest có 17 công ty thành viên.
Theo báo cáo tài chính nhất soát xét 6 tháng năm 2022, quy mô tài sản, tổng tài sản của Văn Phú – Invest đạt 10.822,1 tỷ đồng, tăng 10,03% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền ở mức 292,7 tỷ đồng, giảm 73,9% do công ty đang đầu tư mở rộng quỹ đất và đẩy mạnh tốc độ triển khai thi công các dư án để bàn giao các sản phẩm cho người mua nhà.
Công ty ghi nhận giá vốn hàng tăng 25% so với cùng kỳ năm trước, đạt 133,4 tỷ đồng. Phải thu khách hàng đạt 417,2 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Giá trị hàng hồn kho và chi phí xây dựng dở dang lần lượt đạt 4.280,0 tỷ đồng và 504,9 tỷ đồng, tăng 24,32% và 40,4% do doanh nghiệp đầu tư vào các dự án The Terra Bắc Giang, Nam Sầm Sơn, dự án BT tuyến đường kết nối Phạm Văn Đồng - Gò Dưa.
Giá trị khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đạt 495,5 tỷ đồng, giá trị khoản vay và nợ thuê tài chính dài hạn đạt 3.991,7 tỷ đồng.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2022, Văn Phú – Invest ghi nhận doanh thu ở mức 1.100,4 tỷ đồng, tăng 252% so với cùng giai đoạn năm trước. Trong đó, doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp đạt 403,5 tỷ đồng, tăng 127% so với cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận trước và sau thuế luỹ kế của doanh nghiệp lần lượt đạt 353,1 tỷ đồng và 284,1 tỷ đồng, tăng 608% và 680% so với cùng giai đoạn năm trước. Với kết quả này, doanh nghiệp đã thực hiện 65,9% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế cả năm 2022 sau 6 tháng đầu năm.
Lý giải về việc lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp tăng cao, Văn Phú - Invest cho biết, doanh thu bán hàng trên báo cáo tài chính hợp nhất bắt đầu ghi nhận một số sản phẩm thuộc dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu biệt thự Hùng Sơn, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa của Công ty TNHH Đầu tư MTV Hùng Sơn - công ty con của công ty.
Trên thị trường chứng khoán, chiều nay, cổ phiếu VPI của Văn Phú - Invest giao dịch ở mức 59.600 đồng/cổ phiếu, giảm 1.200 đồng/cổ phiếu (1,97%) so với phiên hôm qua. So với thời điểm đầu năm, cổ phiếu này ở mức 56.000 đồng thì giá trị hiện tại chỉ giảm 400 đồng/cổ phiếu.
Trong cơ cấu cổ đông của Văn Phú - Invest, ông Tô Như Toàn - Chủ tịch Hội đồng quản trị là cá nhân sở hữu nhiều cổ phần nhất, đạt 25% cổ phần.
Lê Châu Giang (con gái của ông Tô Như Toàn) và và Đào Thị Hồng Hạnh (vợ của ông Tô Như Toàn) cùng sở hữu 2,5% cổ phần công ty này.
Ông Tô Như Thắng Phó Tổng Giám đốc, em trai của ông Tô Như Toàn hiện nắm giữ gần 17,1 triệu cổ phiếu VPI, tương đương 7,06% vốn điều lệ.
Trong một diễn biến khác, ngày 6/9, ông Nguyễn Ngọc Trung, một nhà đầu tư cá nhân đã mua vào 889.000 cổ phiếu VPI tăng sở hữu từ 10,8 triệu cổ phần (tỷ lệ 4,93%) lên 11,7 triệu cổ phần (tỷ lệ 5,33%). Sau giao dịch, ông Trung trở thành cổ đông lớn doanh nghiệp này.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, công ty có 4 cổ đông lớn, trong đó có 3 cổ đông cá nhân gồm ông Tô Như Toàn, CTCP Đầu tư THG Holdings (tỷ lệ 23,44%), ông Tô Như Thắng và ông Nguyễn Ngọc Trung (tỷ lệ 5,33%). Hiện ông Toàn đang nắm giữ 40% tại THG Holdings.
Pha Lê
Nguồn tin: https://nhaquanly.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn