Trung Quốc có bước nhảy vọt thần kỳ về kinh tế trong hơn 3 thập kỷ qua. Nhưng để đối lấy sự tăng trưởng thần kỳ đó, đất nước tỷ dân phải trả một cái giá không nhỏ là vấn nạn ô nhiễm môi trường.
Ô nhiễm không khí, đặc biệt là ô nhiễm hạt mịn PM2.5 trở thành một vấn đề nghiêm trọng ở các vùng trọng điểm kinh tế của Trung Quốc như Thiên Tân, đồng bằng sông Dương Tử, lưu vực sông Châu Giang, đặc biệt là Bắc Kinh.
Thủ đô của Trung Quốc nhiều lần trong top đầu các thành phố ô nhiễm hàng đầu hành tinh và "trụ vững" suốt nhiều năm. Vào thời kỳ đỉnh điểm, hàng loạt các trường học phải cho học sinh nghỉ học, hàng ngàn công trường và nhà máy phải đóng cửa. Nhiều người phải mua không khí sạch đóng chai nhập khẩu từ Anh, Canada, Australia để đối phó với tình hình. Hình ảnh người dân đeo máy hô hấp nhân tạo khi di chuyển trong khói mù dày đặc vì ô nhiễm không khí đã không còn quá lạ lẫm ở thành phố 22 triệu dân.
Tuy nhiên, theo đánh giá mới đây của tổ chức giám sát chất lượng không khí AirVisual có trụ sở của Thụy Sỹ, Bắc Kinh sẽ được gạch tên khỏi danh sách 200 thành phố ô nhiễm nhất thế giới trong năm nay.
Nồng độ PM2.5, các hạt nhỏ gây ô nhiễm không khí và nguy hại với sức khỏe người trong năm 2019 ở Bắc Kinh giảm gần 20% so với năm 2018. Chỉ số PM2.5 trung bình mỗi giờ ở thủ đô Trung Quốc cũng giảm xuống còn 42,6 mcg/m3 trong 8 tháng đầu năm 2019. Con số này vào năm 2018 là 52,8 mcg/m3.
Đây không phải là kết quả có được do tình cờ. Nó là kết quả từ những nỗ lực đầu tư có kế hoạch trong một thời gian dài.
Kể từ năm 2013, Bắc Kinh bắt đầu triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm ô nhiễm môi trường như hạn chế đốt than sưởi ấm, loại bỏ các phương tiện xả thải cao. Bắc Kinh đóng cửa 6 nhà máy xi măng và nâng cấp gần 2.000 công ty để hạn chế phát thải. Mục tiêu của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đặt ra khi đó cho Bắc kinh là khiến bầu trời đầy khói bụi của nước này trong xanh trở lại.
Năm 2016, chính quyền Bắc Kinh phân chia thời gian lưu thông của các phương tiện. Xe chẵn đi ngày chẵn, xe lẻ đi ngày lẻ. Hơn 1.600 trạm kiểm soát được xây dựng để giám sát việc thi hành quy định này. Bắc Kinh cũng thiết lập các hệ thống giao thông xanh và ưu tiên phát triển hệ thống giao thông công cộng, khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.
Giới chức thành phố này cũng gửi hàn chục đội thanh tra tới kiểm tra các nhà máy, công ty để đảm bảo các cơ sở này hạn chế gây ô nhiễm sau khi cảnh báo đỏ được ban hành.
Trong cùng năm, Bắc Kinh yêu cầu hơn 1.200 công ty tại Bắc Kinh tạm dừng hoặc hạn chế hoạt động sản xuất. Điều này phần nào giúp giảm 30% lượng chất gây ô nhiễm không khí hàng ngày.
Tới đầu năm 2017, Bắc Kinh xây dựng "vòng cổ xanh" cây cối và các vành đai xanh như là một giải pháp tự nhiên để chống lại ô nhiễm, ngừng hoạt động nhà máy điện đốt than cuối cùng và di dời các nhà máy gây ô nhiễm, loại bỏ các ngành công ngiệp gây ô nhiễm cao và lạc hậu. Chính quyền thành phố cũng khuyến kích xây dựng dự án sử dụng khí gas và các nhiên liệu sạch để thay thế sử dụng than.
Để ngăn chặn bụi, Bắc Kinh kiểm soát bụi phát ra tại các công trường xây dựng, niêm phong phương tiện vận tải tạo ra bụi, tăng cường quét đường và hút bụi.
Hơn 1 năm sau, những kết quả khả quan bắt đầu được ghi nhận. Mật độ hạt PM 2.5 trung bình đo được là 58 micrograms/1m3 không khí vào đầu năm 2018 đạt mục tiêu chất lượng mà Quốc vụ viện Trung Quốc đặt ra. Số ngày không khí ô nhiễm trong năm 2017 cũng giảm đáng kể.
Một số người dân nói họ bắt đầu có thể ra đường mà không phải đeo khẩu trang vì chất lượng không khí được cải thiện. Các ngành nghề kinh doanh khẩu trang, thiết bị lọc không khí cũng cảm nhận rõ được ô nhiễm đã không còn là vấn nạn mà người dân Bắc Kinh lo ngay ngáy như trước đây.
"Trước đây tôi bán từ 20 - 30 máy lọc không khí mỗi ngày nhưng giờ cả tuần chỉ bán được dưới 10 cái", anh Wang Wanli, một người bán máy lọc không khí chia sẻ.
Không chỉ hành động đơn lẻ, Bắc Kinh còn phối hợp với tỉnh thành khác thực hiện các thỏa thuận và hành động thống nhất trong kiểm soát nguồn gây ô nhiễm khí, cấu trúc năng lượng, tối ưu hóa các ngành công nghiệp, quản lý phát triển đô thị và ứng phó khẩn cấp trong trường hợp không khí bị ô nhiễm nặng.
Lộ trình dài hơi, từng bước và khoa học đang mang trở lại thứ không khí trong lành tưởng như không thể lấy lại đối với người dân Bắc Kinh. Ông Joyce Msuya, Giám đốc Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc cho rằng câu chuyện giải quyết ô nhiễm không khí ở thủ đô của Trung Quốc là đáng để học hỏi ở bất cứ quốc gia nào.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn