Chiều 18/2, phiên kỹ thuật của diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên với chủ đề "Phục hồi và phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh mới" đã được tổ chức nhằm chuẩn bị cho phiên cao cấp diễn ra vào ngày 21/2 tới.
Tại đây, 11 nhóm vấn đề đã được trình bày, gồm: nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, điện và năng lượng, khoáng sản, kinh tế số, đầu tư thương mai, thuế và hải quan, du lịch, môi trường, giáo dục đào tạo và nhân lực.
Vấn đề nổi bật được các nhóm công tác khái quát gồm: một số vướng mắc trong thực thi pháp luật; các vấn đề liên quan đến thể chế chính sách và kiến nghị hoàn thiện.
Đáng chú ý có kiến nghị của nhóm công tác về kinh tế số. Theo đó, các ý kiến đều đồng thuận rằng, Chính phủ có vai trò tiên phong trong chuyển đổi số và cùng cần với các các ban ngành chức năng, địa phương triển khai nhiều biện pháp tích cực hơn nữa để thúc đẩy tiến trình số hóa và giảm phát thải khí carbon; tăng cường đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup); tham gia vào các hiệp định kinh tế số và thúc đẩy chia sẻ hạ tầng để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đại dịch làm thay đổi hành vi xã hội và "tàn phá" nền kinh tế toàn cầu nhưng đồng thời cũng tạo cơ hội cho một số ngành nhất định phát triển. Trong khi các ngành nghề và lĩnh vực kinh doanh trực tiếp hay tại chỗ gặp nhiều khó khăn trong đại dịch thì những ngành nghề dựa trên nền tảng công nghệ số, công nghệ thông tin và truyền thông như giải pháp họp trực tuyến, thương mại điện tử, dịch vụ phát trực tuyến, dịch vụ giao nhận... lại có bước tăng trưởng mạnh mẽ.
Đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ thông tin vào Việt Nam cũng ngày càng tăng cao. Vốn đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghệ thông tin đạt 4 tỷ USD với 2.355 dự án trong năm 2021.
Ông Bruno Sivanandan, Đại diện Nhóm công tác đánh giá, Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế số trong khu vực Đông Nam Á. Với quy mô 19 tỷ USD năm 2019, nền kinh tế Internet của Việt Nam có bước phát triển mạnh nhất trong khu vực.
Đưa ra một số khuyến nghị nhằm nâng cao khả năng thích ứng và tốc độ phát triển của nền kinh tế số Việt Nam, ông Bruno Sivanandan cho rằng, Chính phủ cần tiên phong trong chuyển đổi số, khuyến khích quá trình thay đổi. Chính phủ cần ban hành các “chính sách ưu tiên đám mây” để định hướng và khuyến khích áp dụng các mô hình và công nghệ điện toán đám mây trong các cơ quan nhà nước và các tổ chức khác. Từ đó, nâng cao tính minh bạch, cung cấp các dịch vụ sáng tạo hơn cho người dân và giảm chi phí công nghệ thông tin cho khu vực công.
Về khung pháp lý, nhóm công tác cho rằng, khung pháp lý hiện tại chưa đảm bảo sự ổn định và phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của tiến bộ công nghệ. Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Công nghệ thông tin rất mang tính lãnh thổ. Khung pháp lý tại Việt Nam vẫn còn chậm trễ trong việc điều chỉnh các vấn đề liên quan đến công nghệ.
Các quy định liên quan đến An ninh mạng và Bảo vệ dữ liệu cá nhân hiện tại vẫn chưa được xây dựng hoàn chỉnh. Việt Nam chưa ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng mặc dù luật đã được thông qua từ 3 năm trước.
Ngoài ra, khung chế tài xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp vi phạm hoặc không tuân thủ luật cũng chưa được xác định cụ thể.
Theo đó, ông Bruno Sivanandan cho rằng, Việt Nam cần khuyến khích đổi mới không gian số thông qua hệ thống thuế. Ví dụ, Việt Nam đã đạt được thành công lớn trong việc thúc đẩy ngành công nghiệp phần mềm thông áp dụng thuế VAT 0% đối với phần mềm xuất khẩu.
Phản hồi lại ý kiến của nhóm công tác, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến chuyển đổi số trong doanh nghiệp và Chính phủ. Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số đã và đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai thực hiện nhiều năm qua. Có thể nói rằng, dư địa hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực kinh tế số thời gian tới là rất rộng mở.
Đình Vũ
Nguồn tin: https://nhadautu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn