Một số bước cơ bản về trình tự, thủ tục hồ sơ đăng ký thường trú theo Luật Cư trú năm 2020

Chủ nhật - 21/11/2021 23:05
Luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021, đây là một bộ phận luật quan trọng được nhân dân đặc biệt quan tâm. So với Luật Cư trú năm 2013, thì Luật Cư trú năm 2020 có 08 điểm mới nổi bật, đáng chú ý tại Khoản 4, Điều 3 Luật Cư trú năm 2020 quy định: “Thông tin về cư trú phải được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của pháp luật...”.

Một số bước cơ bản về trình tự, thủ tục hồ sơ đăng ký thường trú theo Luật Cư trú năm 2020
Như vậy, từ ngày 01/7/2021 việc quản lý cư trú đối với công dân sẽ được chuyển từ thủ công sang quản lý bằng số hóa, thông qua Cơ sở dữ liệu về dân cư, về cư trú và số định danh cá nhân, đáp ứng yêu cầu ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý cư trú. Trong hơn một tháng triển khai Luật Cư trú năm 2020 đã đi vào cuộc sống, mang nhiều thuận lợi, tiện ích cho Nhân dân, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian giải quyết đăng ký thường trú và nhiều thủ tục, giấy tờ nhiêu khê khác trước đây. Để công dân nắm bắt thêm về trình tự, thủ tục đăng ký thường trú tại Công an cấp xã, phường, thị trấn (gọi chung là Công an cấp xã), Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội.

Thủ tục hồ sơ đăng ký thường trú như sau:

Bước 1: Công dân khi đến làm thủ tục đăng ký thường trú chuẩn bị 01 bộ hồ sơ
- Hồ sơ đăng ký thường trú đối với công dân có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình gồm:
+ Tờ khai thay đổi thông tin cư trú (mẫu CT01) ban hành kèm theo Thông tư số 56/2021/TT-BCA, ngày 15/5/2021 quy định về biểu mẫu trong đăng ký, quản lý cư trú.
+ Giấy tờ, tài liệu chứng minh quyền sở hữu chỗ ở hợp pháp.
- Hồ sơ đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp, không thuộc quyền sở hữu của cá nhân (vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con) gồm:
+ Tờ khai thay đổi thông tin cư trú (mẫu CT01) ban hành kèm theo Thông tư số 56/2021/TT-BCA, ngày 15/5/2021 quy định về biểu mẫu trong đăng ký, quản lý cư trú.
+ Giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ thân nhân với chủ hộ, thành viên gia đình (trừ trường hợp đã có thông tin thể hiện trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc Cơ sở dữ liệu chuyên ngành, quy định tại điều 6, Nghị định số 62/2021/NĐ-CP) và một số giấy tờ có liên quan của người già, người khuyết tật,...
- Những trường hợp khác được đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ, được quy định tại Điều 20, Điều 21 Luật Cư trú; hồ sơ đăng ký hộ khẩu đối với người thuê nhà gồm có: Tờ khai thay đổi thông tin cư trú (mẫu CT01), trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ, chủ sở hữu cho ở hợp pháp hoặc được ủy quyền; hợp đồng cho thuê, văn bản về việc cho mượn, ở nhờ. Nhưng phải đảm bảo điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 08m2 sàn/người.

Bước 2: Công dân đăng ký thường trú nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký thường trú nơi mình cư trú, có thể nộp theo 02 cách:
- Nộp hồ sơ trực tiếp tại Công an cấp xã.
- Nộp hồ sơ trực tuyến qua Cổng cung cấp dịch vụ trực tuyến gồm: Qua cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công Bộ Công an, cổng dịch vụ công đăng ký, quản lý cư trú. Công dân khi thực hiện khai báo thông tin phải đính kèm bản chính hoặc sao chụp các văn bản, giấy tờ cần thiết theo quy định. Công dân có trách nhiệm xuất trình bản chính các giấy tờ có liên quan, khi có yêu cầu của cơ quan nơi đến đăng ký thường trú.

Bước 3: Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký thường trú, cơ quan đăng ký thường trú kiểm tra và cấp Phiếu tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả cho công dân đến đăng ký; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ cần hoàn thiện hồ sơ thì cơ quan đăng ký lập Phiếu hướng dẫn bổ sung, hoàn thiện hồ sơ để yêu cầu công dân bổ sung hoàn thiện hồ sơ.

Bước 4: Cơ quan đăng ký thường trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Bước 5: Công dân căn cứ theo ngày hẹn trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả để nhận thông báo kết quả giải quyết đăng ký thường trú. Thời hạn giải quyết 07 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ.

Đây là những bước cơ bản trong trình tự, thủ tục hồ sơ đăng ký thường trú, nhằm hướng dẫn cho công dân khi đến cơ quan đăng ký cư trú, được quy định cụ thể trong Luật Cư trú 2020, Nghị định số 62/2021/NĐ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Cư trú và tại các Thông tư của Bộ Công an: Thông tư số 55/2021/TT-BCA ngày 15/5/2021 Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú; Thông tư số 56/2021/TT-BCA ngày 15/5/2021 Quy định về biểu mẫu trong đăng ký, quản lý cư trú; Thông tư số 57/2021/TT-BCA ngày 15/5/2021 Quy định về quy trình đăng ký cư trú./.

 

Nguồn tin:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây