Washington DC - quê hương của ống hút giấy đầu tiên được cấp bản quyền sở hữu trí tuệ - là nơi thứ hai trên nước Mỹ cấm sử dụng ống hút nhựa. Các hãng phân phối thực phẩm, quán cà phê, nhà hàng và người tiêu dùng Mỹ và nhiều quốc gia đang nỗ lực tìm kiếm những sản phẩm thay thế.
Trước "cái chết" của ống hút nhựa, phong trào sử dụng ống hút giấy bùng nổ và nhanh chóng lan rộng ra toàn cầu. Ống hút giấy được giới thiệu sẽ trở thành sản phẩm thay thế hoàn hảo cho ống hút nhựa, góp phần giảm thiểu rác thải nhựa và bảo vệ môi trường.
Vì sao cuộc chiến đối phó với ô nhiễm môi trường lại bắt đầu từ ống hút nhựa? Năm 2015, đoạn phim ghi lại hình ảnh một con rùa biển ở Costa Rica bị mắc kẹt với ống hút nhựa trong hốc mũi thổi bùng lên chiến dịch "nói không với ống hút nhựa".
Thời gian sử dụng của một chiếc ống hút bằng nhựa rất ngắn. Người dùng chỉ sử dụng ống hút để uống một cốc nước ngọt trong vòng 3 phút rồi vứt đi. Nhưng "tuổi đời" của chúng vẫn còn rất dài.
Những chiếc ống hút chất đống thành các bãi rác khổng lồ và trôi xuống đại dương. Chúng gây ô nhiễm môi trường biển, cắm vào mũi và miệng sinh vật biển, phá vỡ hệ sinh thái biển và gây rối loạn chuỗi thức ăn.
Ước tính có khoảng 5 triệu chiếc ống hút nhựa bị vứt bỏ mỗi ngày tại Mỹ. Con số trở nên khủng khiếp hơn khi nhân với số quốc gia sử dụng ống hút nhựa trên toàn cầu.
Theo The Atlantic, có khoảng 8 triệu tấn nhựa đổ xuống đại dương mỗi năm, tương đương với việc cứ mỗi phút lại có một chiếc xe chở đầy rác thải nhựa đổ trực tiếp xuống biển.
Báo cáo từ năm 2016 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới dự đoán nhựa sẽ nhiều hơn cá trong đại dương vào năm 2050.
Nhiều thành phố lớn trên thế giới đã ban hành lệnh cấm sử dụng ống hút nhựa, trong đó có Vancouver (Canada), Scotland, Đài Loan. Lệnh cấm cũng được đề xuất tại Anh, bang Hawaii (Mỹ) và thành phố New York (Mỹ). Riêng ở Washington, giới chức trách cho phép gia hạn để các nhà hàng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi.
Nhiều gã khổng lồ thực phẩm như Bon Appetit Management, McDonald's và Starbuck cũng tuyên bố không sử dụng ống hút nhựa dùng 1 lần từ năm 2020.
Ra đời thay thế cho ống hút nhựa, ống hút giấy phân hủy sinh học cấu tạo từ loại giấy cao cấp được tráng bằng nhựa axit polylatic (PLA). Tương tự nhựa PE được sử dụng trong ống hút nhựa, PLA cũng có khả năng chống thấm nước. Tuy nhiên, PLA có thể dễ dàng phân hủy và không gây ô nhiễm môi trường khi bị đốt cháy.
Không phải đến tận bây giờ, khái niệm ống hút giấy mới ra đời. Năm 1988, nhà sáng chế Marvin C.Stone ở Washington đã phát minh ra loại ống hút giấy thay thế ống hút bằng lúa mạch khô được người Mỹ sử dụng thời điểm đó. Trong đơn xin cấp bằng sáng chế của mình, Stone trình bày muốn tạo ra "loại ống hút rẻ tiền, bền, thay thế ống hút cỏ tự nhiên".
Ống hút nhựa sau đó ra đời dựa trên cơ sở ống hút giấy và sự phát triển của ngành công nghiệp nhựa. Thời điểm đó, không ai tưởng tượng được rằng ống hút giấy giờ đây quay trở lại thay thế "sản phẩm kế nhiệm nhiệm" sau hơn 130 năm.
Gã khổng lồ thức ăn nhanh McDonald's quyết định chuyển từ ống hút nhựa có thể tái chế sang ống hút giấy tại 1.361 cửa hàng tại Anh và Ireland vì sức ép bảo vệ môi trường từ dư luận. Tuy nhiên, không bao lâu sau, 50.000 thực khách của McDonald's ký vào kiến nghị yêu cầu McDonald's trở lại ống hút nhựa truyền thống.
Đa số khách hàng phàn nàn rằng ống hút giấy có vị lạ và tan quá nhanh. Chúng thậm chí bị nhão ra trước khi người dùng kịp uống xong ly nước.
Trải nghiệm không thoải mái của người sử dụng không phải vấn đề duy nhất ở ống hút giấy. "So với ống hút nhựa, bạn phải chi gấp 5 lần để sở hữu một chiếc ống hút giấy", Adam Merran, CEO của công ty dịch vụ đồ ăn PacknWood, nói trên "Closing Bell" của CNBC.
"Ống hút giấy có giá khoảng 0,025 USD trong khi ống hút nhựa chỉ khoảng 0,005 USD", ông Merran nói thêm. Thêm vào đó, sản xuất ống hút giấy đồng nghĩa với việc nhà sản xuất phải thực hiện một quá trình dài, bao gồm trồng cây, đốn cây, ép thành ống giấy, vận chuyển ống hút đến các cửa hàng và quán cà phê.
Quá trình sản xuất và vận chuyển sản phẩm này cần sử dụng đến các nhiêu liệu hóa thạch như xăng, dầu và một số loại nhựa khác. Hình ảnh những chiếc ống hút giấy được bọc trong túi nhựa làm dấy lên câu hỏi: "Ống hút giấy có thật sự thân thiện với môi trường?".
Cây bút Annie Lowrey viết trên The Atlantic: "Ống hút giấy là một lựa chọn tốt cho môi trường hơn ống hút nhựa, nhưng nó vẫn không thực sự thân thiện với môi trường".
"Sử dụng ống hút kim loại cũng là một phương án khả thi. Tuy nhiên, các khảo sát chỉ ra tỷ lệ trộm cắp ống hút kim loại tại các nhà hàng khá cao, trong khi quá trình sản xuất chúng gây ô nhiễm môi trường và lãng phí năng lượng", chuyên gia này phân tích thêm.
Đó là chưa kể đến việc một số ống hút giấy không thể tái chế như hứa hẹn. Quay trở lại với trường hợp của McDonald's, The Sun mới đây tiết lộ sản phẩm ống hút giấy của gã khổng lồ thức ăn nhanh không thể tái chế mà cần đốt để tiêu hủy.
Như vậy, chúng tác động tiêu cực đến môi trường hơn ống hút nhựa có thể tái chế được sử dụng trước đó. The Sun cũng dẫn lời nhà phát ngôn của McDonald's: "Chúng tôi sẽ cố gắng cải thiện sản phẩm ống hút giấy. Nếu dày hơn để tránh bị nát, chúng lại trở nên khó xử lý hơn rất nhiều".
Kirk Francis, nhà quản lý Tastemakers, nhận định ống hút giấy phân hủy sinh học hoặc ống hút có nguồn gốc thực vật thường đắt hơn và mỏng hơn ống hút nhựa. "Đa số khách hàng không thực sự quan tâm. Họ chỉ cần một ống hút trơn tru".
Trong khi ống hút giấy chưa thể thay thế ống hút nhựa tại các nhà hàng và quán cà phê, quá trình sản xuất và bán sản phẩm này đã kéo theo những ảnh hưởng tiêu cực hơn đối với môi trường.
Mác "thân thiện với môi trường" là công cụ quảng cáo hữu hiệu khiến người tiêu dùng sẵn sàng chi gấp 5 đến 10 lần số tiền để mua mới một sản phẩm chỉ thay đổi về chất liệu.
"Nhưng việc thay thế một sản phẩm này bằng một sản phẩm khác gắn mác thân thiện với môi trường sẽ không cứu được hành tinh này. Các sản phẩm 'bảo vệ môi trường' được rao bán trên thị trường thường chẳng hề thân thiện với môi trường", nhà báo Annie Lowrey nhận định.
Sử dụng những chiếc xe máy, xe ôtô chia sẻ thông qua các ứng dụng chia sẻ sẽ tạo ra nhiều khí thải hơn di chuyển bằng xe bus, xe đạp hoặc đi bộ. Một chiếc túi đi chợ được sản xuất ra phải được sử dụng hàng trăm đến hàng nghìn lần mới trở thành một sản phẩm thay thế tốt hơn túi nhựa.
Những chiếc bát bằng xơ có thể phân hủy đang được sử dụng tại chuỗi nhà hàng bình dân Chipotle hoặc Sweetgreen sẽ để lại hóa chất độc hại ngấm vào đất và nước ngầm.
Thông qua "sự lây lan xã hội", những ống hút bằng giấy, túi đi chợ hoặc xe chia sẻ nhắc nhở người tiêu dùng về ý thức bảo vệ môi trường và đối phó biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, những sản phẩm gắn mác bảo vệ môi trường có thể gây ra tác dụng ngược. Chỉ bằng việc sử dụng ống hút giấy thay ống hút nhựa, người dùng đôi khi lầm tưởng rằng những gì họ làm đã là đủ và quan trọng. Các nghiên cứu chỉ ra các sản phẩm thân thiện với môi trường không khác gì một "giấy cấp phép" cho người tiêu dùng tiếp tục vô trách nhiệm với thiên nhiên hơn.
Hành động ngừng sử dụng ống hút nhựa có ý nghĩa lớn đối với chiến dịch bảo vệ môi trường. Nhưng khối lượng ống hút nhựa chỉ chiếm 0,025% tổng khối lượng nhựa thải xuống đại dương mỗi năm. Và cách tốt nhất để giảm ô nhiễm từ ống hút nhựa là bạn hãy uống trực tiếp đồ uống từ ly thay vì phải dùng ống hút, dù là nhựa hay giấy.
"Vẫn còn những đề xuất chính sách tốt hơn và thực tiễn hơn như cấm đánh bắt cá, đánh thuế carbon, tăng thuế lên các sản phẩm nhựa. Người tiêu dùng có thể ngừng sử dụng xe hơi, bỏ phiếu cho các chính trị gia quyết tâm theo đuổi chính sách bảo vệ môi trường. Trong khi đó, tôi vẫn sẽ ngồi đây và uống cà phê trực tiếp từ ly thay vì dùng ống hút", cây bút Annie Lowrey viết.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn