CAFE QUẢN TRỊ

https://cafequantri.com.vn


Doanh nghiệp gặp khó khi chuyển đổi số: 'Không thiếu tiền, chỉ thiếu cơ chế'

Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc chuyển đổi số của các doanh nghiệp trên thực tế đang gặp rất nhiều khó khăn, trong đó rào cản lớn nhất chính là chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ. Mặc dù vậy các chuyên gia kinh tế cho rằng rào cản lớn nhất đối với các doanh nghiệp không phải là tiền mà là thể chế.
GS.TSKH Nguyễn Mại cho rằng nhà nước nên làm nhanh thể chế để doanh nghiệp chuyển đổi số thuận lợi hơn.

Trình bày tham luận tại hội thảo "Chuyển đổi số và xu hướng M&A trong lĩnh vực công nghệ năm 2022", do Tạp chí Nhà Đầu tư tổ chức vào sáng 11/1, bà Bùi Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp phát triển mô hình kinh doanh và sáng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới.

Theo bà Thủy, về cơ bản, quá trình chuyển đổi số sẽ giúp phát triển mô hình kinh doanh và sáng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu thị trường; giúp phát triển kênh bán hàng, mở rộng tập khách hàng và phân phối đến các thị trường tiềm năng.

Ngoài ra, chuyển đổi số cũng giúp doanh nghiệp gia tăng trải nghiệm khách hàng; cho phép thực hiện mô hình kinh doanh không tiếp xúc, tiếp tục kinh doanh trong bối cảnh Covid-19.

Tuy vậy theo bà Thủy, các doanh nghiệp vẫn gặp phải một số rào cản, khó khăn khi chuyển đổi số như chi phí đầu tư cao; hạ tầng công nghệ thông tin kém phát triển; giải pháp về rủi ro an ninh mạng khó tiếp cận; nguồn nhân lực chuyển đổi số hạn chế...

Phát biểu tại hội thảo, TS Cấn Văn Lực đánh giá đại dịch Covid-19 chính là chất xúc tác đối với quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp. Do đó, quốc gia, doanh nghiệp, tổ chức nào nắm bắt, chủ động trong xu thế này sẽ có nhiều lợi thế hơn so với đối thủ. 

Cũng theo ông Lực, nhiều dịch vụ tài chính số mới nổi lên như ngân hàng mở (Open banking) trên nền tảng API (application programming interface); cho vay ngang hàng (P2P lending); huy động vốn cộng đồng (crowd funding); chứng khoán số (digital securities); bảo hiểm số (InsurTech); bất động sản số (Proptech); tài sản/tiền mã hóa/kỹ thuật số (cryptoassets/currencies....).

Mặc dù vậy, TS Cấn Văn Lực đánh giá rào cản lớn nhất hiện nay đối với các doanh nghiệp trong việc chuyển đổi số không phải là tài chính là là thể chế pháp lý còn thiếu. Ông lấy ví dụ như lĩnh vực Fintech, dù đã được thảo luận và đề xuất rất nhiều lần nhưng mãi mới đây, cơ quan quản lý nhà nước mới ban hành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech.

Nêu kiến nghị tại hội thảo, TS Cấn Văn Lực cho rằng cơ quan nhà nước cần sớm sửa đổi Luật giao dịch điện tử; xây dựng khung pháp lý (gồm cả sandbox) cho các hoạt động kinh doanh số, tài sản số; quy định về quản lý dữ liệu và chia sẻ thông tin, dữ liệu.

Ông Lực cũng cho rằng cần có quy định, chính sách bảo vệ người tiêu dùng tài chính (gồm cả tài chính số); tăng cường đầu tư hạ tầng số, nguồn nhân lực số, đầu tư AI, R&D, an ninh mạng, phòng chống tội phạm công nghệ cao và tài chính số...

Hội thảo "Chuyển đổi số và xu hướng M&A trong lĩnh vực công nghệ năm 2022", do Tạp chí Nhà Đầu tư tổ chức vào sáng 11/1.

Đồng quan điểm với TS Cấn Văn Lực, TS Võ Trí Thành cho biết cách đây 3 năm, Việt Nam bắt đầu sử dụng thuật ngữ chuyển đổi số. Tuy nhiên đến bây giờ nhận thức có chuyển biến, nhưng hành động vẫn mang tính phong trào, bước đầu chỉ có chút khởi sắc.

Theo ông Thành, mục tiêu 30.000 doanh nghiệp chuyển đổi số mỗi năm so với 800.000 doanh nghiệp đã ít, con số đạt được là 16.000 doanh nghiệp lại càng hạn chế. Trong đó, 1.000 doanh nghiệp lớn công nghệ số còn quá xa vời, do đó Việt Nam vẫn là nước trung bình về chuyển đổi số trong khối ASEAN.

TS Võ Trí Thành cũng cho rằng để chuyển đổi số tốt cần có những yếu tố cốt lõi như tư duy nhận thức của người đứng đầu, cuộc cách mạng về thể chế, nguồn nhân lực, hạ tầng và tinh thần doanh nghiệp sáng tạo.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, GS.TSKH Nguyễn Mại đánh giá hoạt động chuyển đổi số hiện nay "thể chế không đáp ứng được mục tiêu". Theo ông Mại, mục tiêu của Đại hội XIII, đến năm 2030 kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP. Tuy nhiên, năm 2022 mới có luật đầu tiên được thông qua, đến giữa 2023 mới thực hiện được.

"Vừa qua, Quốc hội họp thông qua 8 luật, nhưng phút cuối nhiều doanh nghiệp gọi trực tiếp ý kiến về điều 4 của Luật Đầu tư xin thay đổi và tôi không hiểu sao Quốc hội lại như vậy trong lĩnh vực chuyển đổi số? Tôi cho rằng, cách làm luật hiện nay của chúng ta luôn chậm và không đáp ứng được thời cuộc của đất nước", GS.TSKH Nguyễn Mại nói.

Theo đánh giá của GS.TSKH Nguyễn Mại, doanh nghiệp nhỏ và vừa rất muốn chuyển đổi số nhưng không thể làm được vì không có điều kiện để chuyển đổi, khác với doanh nghiệp lớn có điều kiện thực hiện chuyển đổi số. Như vậy, 92% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ là câu chuyện của Chính phủ, các bộ ngành quan tâm, giúp đỡ họ tự chuyển đổi số, chứ không phải đưa khuyến nghị để họ tự làm được.

Ông Mại cho rằng việc bây giờ phải làm chính là đào tạo doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp thay đổi theo hướng tự vận động và làm thế nào doanh nghiệp chủ động trong việc tiếp cận các tập đoàn lớn. Các doanh nghiệp lớn cũng phải có trách nhiệm với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

"Tóm lại, nhà nước nên làm nhanh thể chế, đồng thời nên có cách tiếp cận để doanh nghiệp tự chuyển đổi số, họ cần gì thì hướng dẫn họ", GS.TSKH Nguyễn Mại nhấn mạnh.

Ngọc Lưu

Nguồn tin: vietnamfinance.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây