Luật xung đột, chồng chéo: Doanh nghiệp khổ, người mua nhà lĩnh hậu quả

Thứ sáu - 27/09/2019 05:32
Hệ thống luật Việt Nam hiện đang có thực trạng theo luật này thì đúng nhưng luật khác lại sai, gây khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp mảng bất động sản, theo nhìn nhận của Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc.
Luật xung đột, chồng chéo: Doanh nghiệp khổ, người mua nhà lĩnh hậu quả

‘Theo luật này thì đúng nhưng luật khác lại sai’

Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhìn nhận, hệ thống luật pháp về kinh doanh đang nhiều bất hợp lý. Thể chế phát triển kinh tế của Việt Nam đang có nhiều bất cập. Trên thế giới nhiều nước thoát nghèo như Việt Nam nhưng không phải nước nào cũng giàu. Muốn trở lên giàu có phải có thể chế vượt trội, không thể duy trì thể chế trung bình. 

Rà soát của VCCI trên một số luật liên quan trong lĩnh vực bất động sản như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản… đã có đến 20 xung đột chính sách từ các luật đến nghị định, thông tư hướng dẫn đang có sự chồng chéo, mâu thuẫn, không khả thi dẫn đến trong quá trình triển khai có nhiều dự án bị thanh tra, kiểm toán kéo dài.

"Có đến 20 điểm chồng chéo, theo luật này thì đúng theo luật khác thì sai. Doanh nghiệp thực hiện theo luật này thì đúng nhưng xét theo luật khác lại sai, địa phương không biết làm sao. Điều này không chỉ gây khó cho doanh nghiệp mà còn tạo mảnh đất cho tham nhũng", ông Lộc nhấn mạnh.

Mặc dù hoan nghênh cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân là động lực chính của thị trường bất động sản, tuy nhiên ông Lộc cũng cho rằng, thị trường bất động sản TP. HCM đang có khả năng gây ra thiếu hụt cầu.

Cụ thể, xét trong 10 năm gần nhất, thị trường bất động sản tăng trưởng gấp đôi với sự đóng góp chủ yếu của khối doanh nghiệp tư nhân – theo định hướng phát triển khối doanh nghiệp tư nhân như thành phần chủ yếu, là động lực tăng trưởng bên cạnh thành phần chủ đạo của nền kinh tế.

Các doanh nghiệp tư nhân trong nước là động lực và đang dẫn dắt thị trường bất động sản. Chính vì vậy hoạt động đóng góp ý kiến của doanh nghiệp, doanh nhân hiến kế phát triển kinh tế cũng rất quan trọng.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Bất động sản 2019 với chủ đề "Lấy ý kiến – Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp" do báo Diễn đàn Doanh nghiệp và Trung tâm báo chí TP. HCM tổ chức, chủ tịch VCCI cho biết, ngày 3/9 vừa qua, Ban kinh tế Trung ương phối hợp với VCCI và các cơ quan liên quan tổ chức cuộc vận động "Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát triển kinh tế".

Đây là lần đầu tiên Đảng và Nhà nước tổ chức cuộc vận động quy mô lớn và rộng khắp để lắng nghe ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cả nước, góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách trong thời gian tới.

Theo đó, cuộc vận động này sẽ có ý nghĩa như một Hội nghị Diên hồng về kinh tế để lắng nghe ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, góp phần xây dựng đất nước hùng cường. 

Theo chủ tịch VCCI, trong quá trình xây dựng văn kiện cho Đại hội Đảng, VCCI và các doanh nghiệp đã nhiều lần cùng làm việc với tổ biên tập văn kiện Đại hội Đảng, lần đầu tiên Tổ văn kiện nghe ý kiến của doanh nghiệp tư nhân.

Cùng với đó, Chính phủ, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính và các cơ quan cũng có nhiều hoạt động đưa doanh nghiệp, doanh nhân chung tay cùng Chính phủ. Do đó, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, doanh nhân để hoàn thiện cơ chế chính sách cho phát triển đã trở thành làn sóng thúc đẩy cải cách lần thứ hai.

Người mua nhà lĩnh hậu quả

Bàn về các xung đột pháp lý trong các luật liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, đây là vấn đề tương đối nóng trong thời gian vừa qua mặc dù đây không phải vấn đề mới, gây tác động ngày càng lớn tại các thành phố lớn.

Chẳng hạn, ở TP. HCM trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng, những chồng chéo, xung đột về pháp luật này không chỉ tác động đến các nhà đầu tư, thị trường mà còn tác động đến người mua nhà khi giá nhà tăng. Những người dân và những người có mong muốn có nhà để ở gặp rất nhiều khó khăn.

"Đối với các quy định liên quan đến thị trường bất động sản, càng tìm hiểu, càng đọc thì tôi thấy càng phức tạp, càng rối .Các quy định, nghị định, thông tư mới có quá nhiều sự khác biệt. Câu chuyện giống như con gà và quả trứng, thậm chí là đàn gà và quả trứng", ông Tuấn cho biết.

Luật xung đột, doanh nghiệp khổ, người mua nhà lĩnh hậu quả 1
Ông Đậu Anh Tuấn, trưởng ban Pháp chế VCCI

Lĩnh vực bất động sản hiện liên quan đến 9 luật và 20 thủ tục hành chính như: Luật Đầu tư (Quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giới thiệu địa điểm đầu tư xây dựng...), Luật Nhà ở (Quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở...), Luật Kinh doanh bất động sản (Quyết định cho phép chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản...). Ngoài ra còn có Luật đất đai, Luật bảo vệ môi trường, Luật quy hoạch đô thị... 

"Rõ ràng đây là một quy trình, nếu đi mạch lạc thì đã tốn rất nhiều chi phí, chưa nói đến đi lòng vòng sẽ rất tốn kém. Nhà đầu tư đi thông suốt, trọn vẹn quy trình này sẽ là một thách thức rất lớn", ông Tuấn khẳng định.

Theo ông Tuấn, trên thực tế, đã có những ý định, thậm chí là nghị quyết với mục đích tạo sự thống nhất giữa các luật, tạo ra một quy trình thống nhất nhưng cuối cùng việc này lại đổ bể, chưa thể thành công. Có nhiều lý do dẫn đến việc này, nhưng một trong những lý do đó là các bộ liên quan đều quan trọng như nhau, không bộ nào chịu bộ nào...

Chỉ cần một thủ tục không rõ ràng, một quy trình, một khái niệm với nhiều các hiểu khác nhau đã khiến quy trình đầu tư ách tắc lại. Nhà đầu tư có thể đã hoàn thành các quy định trước đó trong suốt một quá trình dài nhưng chỉ cần vướng mắc một điểm sẽ làm ách tắc lại cả quá trình.

Việc ách tắc và đình trệ này sẽ ảnh hưởng đến giá thành, sẽ làm giá sản phẩm cao lên và người chịu thiệt ở đây không chỉ là nhà đầu tư mà còn chính là người tiêu dùng.

Để có thể gỡ rối trong vấn đề chồng chéo, xung đột giữa các luật, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, tạo một thị trường minh bạch, ông Tuấn đề xuất các cơ quan liên quan cần rà soát, đánh giá toàn diện vấn đề và cần cơ chế một luật sửa nhiều luật, việc soạn luật cần chuyên nghiệp và độc lập hơn. 

Trước những lo ngại của các chuyên gia và doanh nghiệp bất động sản về sự chồng chéo của luật, bà Hoàng Thị Vân Anh, Vụ trưởng Vụ Chính sách và pháp chế, Tổng cục quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết về kế hoạch xây dựng luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đất đai.

Cụ thể, theo bà Vân Anh, hiện Quốc hội đã đưa dự án luật này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020. Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Đất đai vào kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá 14 dự kiến khai mạc vào 21/10 tới.

Lần sửa đổi bổ sung Luật Đất đai lần này, một trong những mục tiêu đầu tiên mà Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ cố gắng giải quyết những nội dung chưa đồng bộ thống nhất giữa Luật Đất đai với các bộ luật khác liên quan.

Bên cạnh đó, bộ sẽ giải quyết các nội dung mà các đơn vị đã nói là những khoảng trống mà pháp luật chưa có điều chỉnh, hoặc những quy định có bất cập, vướng mắc, không phù hợp với thực tiễn.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây